Chuyên nghiệp trong bóng đá trước hết phải từ con người

17:05, 27/07/2009

Bóng đá Việt Nam đang trên con đường hội nhập bóng đá khu vực, châu lục và thế giới. Trong chặng đường không ít thuận lợi những cũng lắm cam go này, nền bóng đá nước nhà đã đánh dấu những nỗ lực đáng kể của những người làm công tác thể thao nói chung và bóng đá nói riêng để bóng đá Việt Nam từ cấp độ các câu lạc bộ đến đội tuyển quốc gia có được bước tiến quan trọng, khẳng định tên tuổi, vị thế trong khu vực và châu lục.

 

Trước hết bóng đá Việt nam đã có một giải vô địch được đánh giá là có chất lượng và hấp dẫn, gay cấn vào bậc nhất Đông Nam Á. Tại V. League trong những mùa bóng gần đây đã thu hút, quy tụ hầu hết những tên tuổi lớn của bóng đá khu vực và nhiều cầu thủ, HLV có chất lượng của châu Phi, Nam Mỹ, châu Âu… vì thế chất lượng của bóng đá Việt Nam có tiến bộ đáng kể. Đội tuyển Nam đã đoạt Cúp vô địch Đông Nam Á năm 2008 và vào đến vòng tứ kết giải vô địch châu Á năm 2007. Đội tuyển bóng đá Nữ Việt Nam cũng luôn là đội bóng hàng đầu khu vực và được tham dự vòng chung kết Giải vô địch bóng đá nữ châu Á.

 

Tuy nhiên trong bước đường thực hiện chuyên nghiệp hoá bóng đá, bóng đá Việt Nam vẫn còn không ít hạt sạn không đáng có, trong đó nổi rõ nhất là tính chuyên nghiệp của không ít cầu thủ và một số người quản lý, trọng tài … Đây thực sự là những nhân tố cản trở bước tiến của bóng đá Việt Nam trong quá trình hội nhập bóng đá chuyên nghiệp của châu lục và thế giới.

 

Các vụ tiêu cực trong bóng đá do bán độ của cầu thủ; tình trạng cho điểm, nhường điểm; trọng tài bắt thiên vị hoặc do trình độ kém tại các giải đấu vẫn xẩy ra. Các giải đấu đỉnh cao như  giải hạng Nhất, V. League là những giải có tính chuyên nghiệp nhất của bóng đá nước nhà nhưng vẫn còn tồn tại những việc làm rất không chuyên nghiệp như tự ý bỏ không thi đấu, đe doạ trọng tài, đánh lộn trên sân của các cầu thủ, đổ lỗi không có căn cứ cho nhau… Những hành động không chuyên nghiệp này tuy đã được xử lý, nhưng theo chúng tôi là chưa đủ mạnh để răn đe như các giải vô định của các quốc gia có nền bóng đá phát triển. Việc xử lý cũng còn có tính một chiều. Lỗi của đội bóng, của cầu thủ thì bị xử kịp thời, nhưng lỗi cuả những người quản lý, giám sát, của trọng tài chưa được xử lý tương xứng. Nên trong một số vụ việc các cầu thủ, các đội bị xử lý kỷ luật nhưng không tâm phục khẩu phục.

 

Một nền bóng đá phát triển theo hướng chuyên nghiệp cần nhiều yếu tố, song con người làm bóng đá có vị trí quyết định. Đó chính là cầu thủ chuyên nghiệp, HLV chuyên nghiệp, trọng tài chuyên nghiệp và những người quản lý bóng đá chuyên nghhiệp sẽ là động lực thúc đẩy bóng đá nước nhà tiến nhanh.