AI Games III: Thành tích Đoàn Thể thao VN vượt xa mọi dự đoán

10:17, 09/11/2009

Đoàn Thể thao Việt Nam giành tổng cộng 42 HCV, một thành tích vượt xa dự đoán của giới chuyên môn, thành tích này không chỉ là niềm tự hào mà còn là cơ sở rất quan trọng để chúng ta đánh giá chính xác lực lượng cho những cuộc chinh phục đỉnh cao mới.

 

Trong ngày thi đấu cuối cùng của AI Games III (7/11), Đoàn Thể thao VN giành được 13 HCV, đứng thứ 2 bảng xếp hạng chung cuộc. Đây là thành tích vượt xa mọi dự đoán ban đầu.

 

Ngày Vàng của võ thuật Việt Nam

 

Mở đầu là chiếc HCV của 3 cô gái Wushu Mai Phương, Phương Giang, Thuý Vi ở môn đối kháng tay không, với 9,60 điểm bỏ xa các đối thủ còn lại.

 

Các VĐV  Penkak Silat đã hoàn tất xuất sắc nhiệm vụ bằng những chiến thắng ấn tượng và đầy thuyết phục trong 7/12 trận chung kết mà các VĐV của chúng ta tham dự và giành được 6 HCV. Pencak Silat VN đã nhận được sự ngưỡng mộ của bạn bè quốc tế và trở thành niềm vui, niềm tự hào của Thể thao VN, của người hâm mộ.

 

Thể thao VN đã có thêm những bất ngờ nữa khi đoạt được 2 HCV môn Kick Boxing (2 HCV) bởi vì ở môn võ này, các VĐV VN chỉ là “lính mới”. Chưa hết, ở môn Muay Thái (môn thể thao có nguồn gốc Thái Lan) hạng 57 kg, võ sĩ Nguyễn Trần Duy Nhất đã có một trận đấu “để đời” khi hạ Nonting Weerapol (Thái Lan) với tỷ số thuyết phục 4-1, đem về chiếc HCV duy nhất của Việt Nam ở môn võ này.

 

Đá cầu: Không có đối thủ

 

Tiếp nối thắng lợi các trận cầu đôi nam, đôi nữ đều giành HCV trong ngày 6/11, ở 2 trận cầu cuối cùng nội dung đơn nữ, đơn nam, các VĐV Đội tuyển VN như được tiếp thêm “lửa” từ sự  cổ vũ nồng nhiệt của người hâm mộ trên các khán đài.

 

VĐV Trịnh Thị Nga ở trận bán kết đã thắng VĐV Macau (Trung Quốc) 2 -0 với tỷ số rất cách biệt 21-3. Đối thủ trận chung kết của Nga – như “có duyên, có nợ” lại là VĐV Trung Quốc. Tuy nhiên, trận đấu diễn ra ở thế 1 chiều: suốt 2 ván đấu, Trịnh Thị Nga không gặp nhiều khó khăn và đã thắng 2-0, đoạt HCV. Ở trận chung kết đơn nam, VĐV Nguyễn Anh Tuấn cũng chỉ mất gần 30 phút thi đấu để giành HCV trước đối thủ Lào.

 

Chung cuộc, Đội tuyến Đá cầu VN đã giành 5 HCV/6 nội dung thi đấu (chỉ thua Trung Quốc duy nhất 1 trận đồng đội nữ 3 người). Điều này cho thấy, các VĐV VN đạt trình độ thi đấu rất cao và không có đối thủ tranh chấp ngôi vô địch ở tầm châu lục.

 

Tấm HCV cuối cùng đạt được ở môn Dance Sport nội dung Rumba của cặp VĐV Khánh Thi – Minh Trường (cũng là HCV thứ 2 của 2 VĐV này) đã khép lại ngày thi đấu đáng nhớ nhất của Đoàn Thể thao VN tại AI Games III.

 

Đoàn Thể thao VN dự AI Games III giành 42 HCV, một thành tích vượt xa dự đoán của giới chuyên môn, bới người lạc quan nhất cũng chỉ xếp VN trong Top 5. Thành tích này không chỉ là niềm tự hào của Thể thao VN mà còn là cơ sở rất quan trọng để chúng ta đánh giá chính xác lực lượng cho những cuộc chinh phục đỉnh cao mới.

 

 Hướng tới mục tiêu xa hơn

 

AI Games III đã khép lại với những ngày thi đấu sôi nổi nhưng không kém phần tranh đua quyết liệt vốn có trong các cuộc thi đấu thể thao giữa các đoàn và giữa các VĐV.

 

Ngô Thị Phương (giáp đỏ) - HCV quyền Anh nữ hạng 48 kg. Ảnh: Tuổi trẻ Online

Đoàn Thể thao nước chủ nhà giành vị trí thứ 2/43 đoàn tham gia thi đấu; giành được 42 HCV, vượt hơn gấp 2 chỉ tiêu HCV đặt ra, có thể được coi là một bất ngờ lớn nhất của giải đấu này, bởi trước đó, chính các “nhà cầm quân” VN cũng chỉ “hy vọng” lọt vào Top 8, người lạc quan nhất cũng chỉ dự đoán VN thuộc Top 5. Kết quả chung cuộc có lẽ sẽ khiến chính những nhà quản lý Thể thao VN “giật mìmh”!

 

Lý giải về thành tích Đoàn VN đạt được tại AI Games lần này trước hết có thể khẳng định các VĐV VN  thi đấu với quyết tâm rất cao, một mặt để góp vào thành tích chung nhưng mặt khác là chính họ khao khát khẳng định mình trên đấu trường lớn và thành tích ấy sẽ hướng tới những mục tiêu cao hơn: ASIAD, Olympic.

 

Trong thành tích chung của cả đoàn, một số tấm huy chương của Thể thao VN đạt được lần này có ý nghĩa hết sức quan trọng:  HCV quyền Anh nữ (Ngô Thị Phương); HCB bơi ếch 50 m nam (Nguyễn Hữu Việt), HCB 4X100 m hỗn hợp nam; các môn điền kinh: HCV chạy 60 m nữ (Vũ Thị Hương),  HCĐ 7 môn phối hợp nam (Vũ Văn Huyện), HCB 800 m nữ (Trương Thanh Hằng), HCB 3.000 m nữ (Bùi Thị Hiền). Ở các nội dung thi đấu này, các VĐV VN vẫn duy trì được phong độ đã “vượt lên chính mình” trong cuộc đua tranh quyết liệt.

 

Điều cần lưu ý, đây là các môn thi đấu chính thức tại Olympic và ASIAD. Thành tích của các VĐV cũng là dịp để các nhà quản lý đánh giá chính xác “điểm xuất phát”, từ đó tiếp tục bồi dưỡng, đào tạo và nhất là phát hiện được tài năng bổ sung vào hàng ngũ VĐV trên con đường chinh phục những tầm cao mới. Không chỉ ở đấu trường khu vực - SEA GAMES, Thể thao VN hoàn toàn có quyền hy vọng giành thành tích cao tại các giải đấu lớn ASIAD và Olympic.