TTVN tại SEA Games 25: Tốp 2... vẫn là chưa đủ!

16:12, 07/12/2009

Có mặt trên đất Lào, những nhà quản lý của thể thao Việt Nam (TTVN) bỗng... "mạnh dạn" vượt chỉ tiêu khi đề cập với báo giới đến cái gọi là tốp 2 tại SEA Games 25! Nhưng có lẽ, ngay cả khi đứng trong tốp 2 thì thành công của TTVN vẫn chưa là trọn vẹn nếu...

 

1. Có một cái mốc mà không hẳn ai cũng nhớ - SEA Games 25 tại Lào đánh dấu chặng đường 20 năm TTVN trở lại, hội nhập với đấu trường khu vực. Hai thập kỷ, một quãng thời gian chẳng dài, nhưng nếu lấy SEA Games làm thước đo, thì những bước tiến của thể thao nước nhà thật đáng kể.

 

Năm 1989, lần đầu góp mặt tại SEA Games 15 tại Malaysia, TTVN chỉ vỏn vẹn có 3 HCV bắn súng cùng hạng 7 chung cuộc, nhưng bước thử nghiệm ấy đã chính thức mở ra "con đường SEA Games" bằng phương thức đi tắt, đón đầu.

 

Du nhập những môn mới, bên cạnh những thế mạnh truyền thống, TTVN dần cải thiện vị thế của mình trong làng thể thao khu vực để rồi cứ 2 năm/1 lần lại nhích dần từ số HCV đến vị trí trong bảng xếp hạng huy chương.

 

SEA Games 1993 (Philippines), rồi 1995 (Chiang Mai, Thái Lan) là hạng 6, đến Indonesia 1997 là hạng 5... Malaysia 2001 đã tới hạng 4 với... 33 HCV!

 

Và năm 2003, Việt Nam chính thức trở thành nước chủ nhà của kỳ SEA Games đầu tiên trong lịch sử rồi giành 158 HCV để bước lên ngôi số 1 làng thể thao Đông Nam Á. Hai kỳ SEA Games gần đây nhất dù phải làm khách, nhưng TTVN vẫn duy trì được vị trí tốp 3 để khẳng định ngôi vị hàng đầu khu vực.

 

Nếu dùng những con số thống kê này làm phép so sánh thì rõ ràng chuyện "tốp 3" với TTVN chẳng có gì là quá to tát. Còn nếu là "tốp 2" - thành tích tốt nhất trên "sân khách", âu cũng là cái lẽ thường xét từ hoàn cảnh thực tiễn của cái sân chơi này.

 

Tại SEA Games 25, khi mà nước chủ nhà Lào chưa đủ sức vươn lên ngôi số 1 thì đương nhiên, TTVN chỉ còn phải tranh chấp với người Thái, vốn được xem là cường quốc của thể thao khu vực, vậy thì tại sao không là tốp 2!

 

2. Nhưng thành công của TTVN tại SEA Games 25 không đơn thuần chỉ là những con số! đơn giản cái sân chơi này giờ đây không còn là cái mục tiêu chính mà chỉ được xem là cái bàn đạp nhằm hướng tới cái đích xa - châu lục và thế giới.

 

Có thể SEA Games mang nhiều "chất thể thao" hơn nếu so với AIG 3 vừa kết thúc với ngôi á quân châu lục của chủ nhà Việt Nam. Tuy nhiên, cũng chẳng thể phủ nhận rằng, đại hội thể thao Đông Nam Á vẫn cứ là "hội làng" nếu đặt nó bên cạnh ASIAD, Olympic, những đấu trường mà TTVN đang vươn tới.

 

Vậy nên vấn đề với thể thao nước nhà tại sân chơi vốn quá quen thuộc này ngoài chuyện có "nhiều Vàng" để đứng trong tốp đầu còn là thành tích ở những môn thể thao cơ bản trong hệ thống thi đấu ASIAD, Olympic.

 

Đó là của điền kinh với những gương mặt đạt tầm châu lục như Vũ Thị Hương, Trương Thanh Hằng, Nguyễn Đình Cương, Bùi Thị Nhung... là của kình ngư Hữu Việt trên đường đua ếch sau kỳ tích tại AIG 3; của Hoàng Anh Tuấn sau tấm HCB Olympic mà vẫn chưa có chức vô địch SEA Games; của Nguyễn Tiến Minh mà cuộc đấu khu vực môn cầu lông chẳng khác gì giải thế giới... và của hàng loạt những môn cũng cơ bản khác.

 

Có thể không phải là số lớn trong cái mục tiêu 70-75 HCV đã đề ra như dự kiến, nhưng chắc chắn thành tích của các môn thể thao này sẽ là cái thước đo chính xác nhất cho sự thăng tiến của thể thao nước nhà khi nó là tương lai, chứ không chỉ dừng ở hiện tại.

 

3. Chưa đủ bởi SEA Games còn.... bóng đá! Không chỉ là một trong những môn thể thao có mặt suốt 25 kỳ Đại hội, mà đã qua nửa thế kỷ với vị thế Vua của mình, bóng đá nam từ cấp ĐTQG trước đây đến lứa U-23 hiện tại, chức vô địch của nó vẫn có sức nóng riêng biệt.

 

 

      ... nhưng niềm vui sẽ chỉ trọn vẹn, nếu U-23 Việt Nam soán ngôi

                                của người TháitạiSEA Games 25.

 

Câu hỏi là tại sao ở một khu vực vốn chỉ được xem là vùng trũng trên bản đồ bóng đá thế giới mà chức vô địch lại quá quan trọng? Câu trả lời thật đơn giản, bởi ai cũng muốn vươn lên ngôi số 1 để rồi thoát khỏi cái vùng trũng ấy, dù biết thoát ra còn là câu chuyện dài.

 

Tầm quan trọng của tấm HCV bóng đá SEA Games từng được thể hiện bằng tuyên bố nổi tiếng "sẵn sàng đổi 100 chiếc HCV khác" của vị trưởng đoàn MyanmarJakarta năm 1997 là minh chứng cho sức nóng của cuộc đua này.

 

Với TTVN, tấm HCV bóng đá nam còn "nóng" hơn cả thế! Tham dự vào năm 1991 và chỉ mất 4 năm sau để có được ngôi á quân, nhưng rồi đó vẫn là cái thứ hạng cao nhất. Giấc mơ Vàng SEA Games thật gần nhưng cũng thật xa với 4 lần vào chung kết và cả 4 lần thất bại trước cùng một đối thủ là người Thái.

 

4 trận chung kết không chỉ gồm sự nuối tiếc bởi sự đánh mất cơ hội mà còn đem đến cả nỗi đau cho hàng triệu trái tim hâm mộ khi cái mất lại là màu cờ, sắc áo.

 

SEA Games 25 cũng chẳng là ngoại lệ! TTVN có thể thành công trên bảng xếp hạng huy chương, nếu thành công ấy sẽ là trọn vẹn nếu có thêm bóng đá và đó phải là bóng đá nam.

 

Đã nửa thế kỷ trôi qua kể từ chức vô địch của đội tuyển miền Nam Việt Nam ở SEAP Games thứ nhất và cũng đã gần 2 thập kỷ kể từ ngày trở lại, một quãng thời gian quá dài cho những kỳ vọng, đợi chờ.

 

Chức vô địch AFF Cup 2008, sự tự tin và tinh thần quyết thắng và gần hơn cả là tấm vé vào bán kết đã trong tay, U23 Việt Nam đã gần hơn với giấc mơ Vàng còn dang dở. Giấc mơ Vàng không chỉ cho bóng đá mà còn cho cả TTVN tại SEA Games 25 nếu muốn có thành công trọn vẹn.