Bóng đá Việt tháng 3: Đòn gió, trượt giá và 3 kỷ lục

11:55, 20/03/2010

8 tỷ cho Văn Quyến hoá ra là một “đòn gió” nhưng cũng đủ khiến người ta không ngớt hoài nghi về giá trị tương xứng của Quyến với số tiền trên ở thời điểm hiện tại. Nhưng với Tấn Trường con số 5 tỷ lại là một sự hợp lý để giữ chân một biểu tượng. Tháng 3, bóng đá Việt liên tục được định giá.

 

1. Ngày 4/3, VFF chính thức "trói" chân HLV Calisto cùng bảng giá 22.000 USD/tháng được “niêm yết” trong bản hợp đồng. Ngay lập tức, cái giá của ông Tô trở thành đề tài phân tích của những nhà tài chính mê bóng đá ở Việt Nam.

 

Hai luồng thông tin bùng nổ, chuyện đắt - rẻ được đặt lên bàn cân với muôn chiều quy chiếu, so sánh… Nhưng, suy đến cùng nói chỉ để mà nói vì bút đã ký. Có chăng, một chút đọng lại là mức lương ấy của thầy Tô có cả phần thặng dư của danh tiếng quá khứ.

 

2. Cũng là chuyện quá khứ được đặt lên soi xét và định giá thay vì nhìn từ hiện tại. Một con số kỷ lục khác xuất hiện trong đời sống kinh tế của sân cỏ ngay sau bản hợp đồng của HLV Calisto với VFF. Đó là chuyện Văn Quyến gia hạn hợp đồng với khoản lót tay lên đến 8 tỷ từ phía CLB SLNA do một tờ báo đưa ra.

 

Ngay sau khi đăng đàn, “thằng béo” liên tục nhận được những cú điện thoại nhằm xác minh thực hư. Nhưng cái cách úp mở theo kiểu “chuyện tế nhị, không thể tiết lộ” của Quyến lại càng khiến người ta bán tín bán nghi.

 

Mãi sau khi ông Nguyễn Hồng Thanh, Chủ tịch CLB SLNA chốt hạ “không có chuyện đó”, thiên hạ mới ngừng lời bàn tán. Hoá ra đó chỉ là một “đòn gió”, ai tung lên mạng với mục đích gì thì chẳng rõ. Nhưng sau “đòn gió” đó, có một thứ để lại từ “Khổng Minh xứ Nghệ” khiến ối người chạnh lòng: “Tại sao mọi người lại tin được việc một cầu thủ đang trong thời gian lấy lại phong độ, kết hợp với vụ tai nạn trong đợt Tết Canh Dần, vẫn chưa thể quay lại thi đấu như Văn Quyến có mức giá như thế?".

 

3. Ngày 14/3, những người gác đền ở V.League té ngửa với mức lương 40 triệu/tháng cùng khoảng lót tay 5 tỷ mà đội bóng xứ bưng biền, CS Đồng Tháp, mở két để buộc Tấn Trường thêm 3 năm. Đó là mức giá kỷ lục của một thủ môn nội.

 

Cái giá này theo nhiều người là hợp lý vì tài năng, phong độ và cả thì tương lai kỳ vọng của Tấn Trường là hoàn toàn xứng đáng. Nó cũng mở ra một thời kỳ "công tử Bạc Liêu" ở Đồng Tháp Mười chứ không còn cái cảnh chạy chợ từng bữa như trước.

 

Giữ được Tấn Trường là giữ được "biểu tượng" cho bóng đá Đồng Tháp thời điểm này, nhằm tạo đà thuận lợi cho lãnh đạo đội bóng "buộc" thêm những tài năng trẻ khác sắp đến thì tự do. Hơn tất cả, việc thủ thành sinh ra ở đất Lai Vung ở lại với quê hương còn cho thấy không phải cuộc định giá tiền bạc nào cũng lạnh lùng khô cứng.

 

4. Chiều tối 17/3, thiếu gia đất Bắc, V.Ninh Bình đã "túm" được ông thầy nội "số 1 Việt Nam" Lê Thụy Hải (theo cách thừa nhận thường thấy của chính ông Hải). Và cái giá cho ông cập bến vùng Hạ Long cạn lên tới 100 triệu/tháng. Đây lại là con số kỷ lục khác mà một đội bóng ở V.League trả cho một HLV nội từ trước đến nay.

 

Ông Hải "lơ" đã trở lại V.League. Nhưng nói như một nickname trên diễn đàn FC Ninh Bình thì với đội bóng của bầu Trường, tiền không phải là vấn đề, quan trọng là dùng tiền cho đúng việc để không lãng phí, không uổng công và hao mòn tham vọng. Kỷ lục không có nghĩa là thành công. Real Madrid ở Tây Ban Nha xa xôi nhưng cũng rất gần Việt Nam.

 

5. Lee Nguyễn là nhân vật gần nhất được định giá trong nửa tháng 3 này. Dưới 10.000 USD/tháng là một mức lương thấp đối với một ngôi sao lớn như Lee ở V.League thời điểm này và bến đỗ Gò Đậu như một điểm trượt giá của Lee khi mà mọi đường đến sân cỏ của anh cứ rơi vào lơ lửng.

 

Thôi thì đành gạt bỏ tiền nong sang một bên để tiếp tục chơi bóng. Sự mất giá của anh không phải do người đất Thủ không hào phóng, càng không phải anh không xứng đáng được hưởng nhiều hơn thế. Vấn đề nằm ở bài học thiếu chuyên nghiệp của anh trước đó. Thế cho nên, muốn giữ giá, trước hết phải giữ mình đã.