Bắt đầu từ năm 2008, VFF đã đưa vào thực hiện chương trình kiểm tra chất gây nghiện ở các cầu thủ. 2 năm qua, ban Y học VFF vẫn chưa phát hiện được trường hợp sử dụng chất gây nghiện nào, nhưng điều đó không có nghĩa là bóng đá Việt Nam “sạch” 100%, mà điển hình là cái chết gây sốc của tiền đạo Molina.
Trao đổi với báo chí, cả Trưởng BTC giải VĐQG Trần Quốc Tuấn lẫn trưởng ban Y học VFF Lê Quý Phượng đều thừa nhận rằng hoạt động kiểm tra chất gây nghiện của VFF mới chỉ có thể làm hạn chế thói quen chết người này chứ chưa thể triệt tiêu một cách hoàn toàn.
Ông Lê Quý Phượng cho biết: “Kiểm tra chất gây nghiện cũng đang là vấn đề nóng ở Việt Nam nhưng chúng tôi vẫn chưa phát hiện được bất cứ trường hợp nào. Sau khi VĐV sử dụng đúng là chất gây nghiện có thể tồn tại trong cơ thể, nhưng có chất lại đào thải ma túy rất nhanh nên bây giờ dùng chất tinh vi lắm. Chẳng hạn như VĐV dùng chất gây nghiện xong mà lại sử dụng thuốc lợi tiểu thì nó tẩy chất ấy ra ngoài rất nhanh và đến khi xét nghiệm thì chẳng phát hiện được gì, có chăng còn lại chỉ là chất trung hòa đã đẩy ma túy ra khỏi cơ thể. Chỉ khi nào chúng ta có phòng lab để phát hiện toàn bộ các loại doping, trong đó có nhóm chất gây nghiện, thì mới xác định được cụ thể từng loại chất bị cấm”.
Không chỉ có ở Việt Nam mà ngay cả trên thế giới việc phòng và chống sử dụng chất bị cấm cũng diễn ra rất căng thẳng và quyết liệt, bởi cái hại lâu dài của việc này có thể chưa nhìn thấy ngay, nhưng “tác dụng” mà nó mang lại thì rất gần, đặc biệt là trong hoàn cảnh mỗi một thành tích luôn gắn liền với rất nhiều tiền thưởng như hiện tại. Chính vì thế, chủ tịch UB phòng chống doping thế giới cũng phải nói rằng đây là cuộc chiến không có hồi kết.
Với Việt Nam, ông Phượng cho rằng không chỉ có ý thức cầu thủ mà cần cả ý thức của người quản lý đội bóng, “vì chỉ cần tinh ý là có thể phát hiện được. Nếu đội bóng nào phát hiện trường hợp của một vài cầu thủ nghi vấn muốn nhờ chúng tôi kiểm tra thì hoàn toàn không khó, nhưng vấn đề là từ năm 2008, chưa có bất cứ đội bóng nào cậy nhờ tới sự giúp đỡ của chúng tôi”.
Thậm chí, theo ông Phượng, ngay cả việc kiểm tra chất gây nghiện dù đã được đưa vào Điều lệ giải nhưng không phải lúc nào ban Y học VFF cũng nhận được sự hợp tác đầy đủ từ phía CLB, và có trường hợp ban Y học phải sử dụng tới cả luật FIFA và AFC mới có thể hoàn thành nhiệm vụ.
Ở bóng đá VN cũng không hiếm CLB tự làm xét nghiệm chất gây nghiện với cầu thủ của mình, nhưng vì luật FIFA quy định bất cứ trường hợp nào sử dụng chất bị cấm cũng phải nhận án treo giò ngay lập tức, nên giả sử nếu có phát hiện ca nào dương tính thì CLB cũng ém nhẹm để giải quyết nội bộ. Vì thế, ông Phượng hoàn toàn có lý khi nhận xét: “Cuộc chiến chống doping ở Việt Nam là rất khó khăn”.