Có lẽ ít ai nghĩ rằng miền quê thuần nông Phú Bình lại có nhiều nhân tài về thể thao đến thế. Nơi đây đã cung cấp vận động viên (VĐV) cho đội tuyển của tỉnh với nhiều môn thể thao và các VĐV đã mang lại vinh quang cho huyện, cho tỉnh. Trong bài viết này, chúng tôi chỉ xin nêu đóng góp của những VĐV quê lúa đối với bộ môn vật.
Nhắc đến quê lúa Phú Bình nhiều người vẫn có trong suy nghĩ ấn tượng về một miền quê thuần nông nghèo với hình ảnh người nông dân lam lũ, quanh năm bán mặt cho đất, bán lưng cho trời mà cuộc sống vẫn nghèo. Vất vả làm lụng tối ngày còn chẳng đủ ăn thì làm gì có thời gian để quan tâm đến tập luyện thể thao, rèn luyện sức khoẻ và đặc biệt là cung cấp nguồn vận động viên đội tuyển các cấp. Nhưng tìm hiểu thực tế thì chúng tôi lại thấy nhiều bất ngờ vì rất nhiều VĐV của Trung tâm Thể thao và Trường năng khiếu thể thao của tỉnh sinh ra và lớn lên ở Phú Bình. Điều đặc biệt hơn là nhiều VĐV xuất thân từ miền quê nghèo này đã mang lại nhiều huy chương tại các giải trong tỉnh, trong nước và khu vực.
Có mặt trong giờ tập luyện bộ môn vật của huấn luyện viên Nguyễn Văn Hải tại nhà riêng của anh ở cạnh sân vận động của huyện chúng tôi cảm nhận được niềm đam mê của VĐV đã từng là kiện tướng từ những năm 90. Sới vật do anh Hải huấn luyện đã đều đặn rung lên 3 buổi/tuần trong gần chục năm nay. Điều kiện cơ sở vật chất của địa phương còn hạn chế nhưng vì nhu cầu luyện tập và niềm hăng say của các em học sinh đối với môn vật nên anh Hải đã đề nghị được làm tạm sới vật ngay trên đất của nhà mình. Nhưng sới vật tạm đó cũng đã hoạt động gần 10 năm nay kể từ ngày anh Hải “chiêu sinh” lớp học trò đầu tiên.
Anh Hải bảo với chúng tôi: Trẻ em ở Phú Bình rất có năng khiếu về môn vật nên lớp học lúc nào cũng có từ 20-30 em tham gia. Lúc đầu các em chỉ luyện tập vì đam mê nhưng sau đó Trường năng khiếu đã dành một chút kinh phí để hỗ trợ thầy, trò và cũng là để động viên các em luyện tập phát huy sở trường của mình. Đã nhiều năm nay, năm nào lớp cũng cung cấp cho Trường năng khiếu thể thao của tỉnh 2-3 VĐV, có năm hàng chục VĐV. Bên ngoài sới vật chúng tôi thấy có mấy người lớn ngồi xem, hỏi ra mới biết là phụ huynh của mấy em mới đến lớp. Do nhà xa, các em còn nhỏ nên bố mẹ đã dành thời gian để đưa con đến học. Trò chuyện với anh Nguyễn Xuân Hoà, xóm Phú Thanh, xã Thanh Ninh là phụ huynh của cháu Nguyễn Quang Huy (sinh năm 1996), chúng tôi được biết, nhà anh Hòa cách lớp học vật chừng 7-8km nên anh không yên tâm để cháu đi một mình. Thấy con say mê những sới vật mỗi khi hội làng được tổ chức vào dịp đầu xuân nên khi cháu xin đi học anh hơi lưỡng lự vì cuộc sống gia đình còn nhiều khó khăn, lớp học lại xa nhà. Cháu xin mãi nên anh Hòa cũng đồng ý và sắp xếp thời gian để đưa con đến lớp với hy vọng nếu được tuyển chọn để tập luyện thì tốt, còn không thì cũng là cơ hội để cháu thử sức và rèn luyện sức khoẻ.
Xin nêu một số thành tích của VĐV miền quê lúa đã đóng góp cho tỉnh và hiện nay họ đang là những VĐV của tỉnh, quốc gia, có người đã trở thành huấn luyện viên đội tuyển. Một thông tin chúng tôi mới nhận được đó là đầu tháng 3/2010, Thái Nguyên có 3 VĐV vật là: Dương Thị Lan, Ngô Thị Thư và Lý Thị Nguyệt đều là người Phú Bình lên đường về huấn luyện tập trung tại Đội tuyển quốc gia. Các vận động viên này đã giành nhiều Huy chương Vàng, Bạc, Đồng tại các giải trẻ và giải vô địch toàn quốc. Trước đó, cũng có rất nhiều VĐV là người Phú Bình giành thành tích cao như VĐV Nguyễn Thị Hằng (xã Dương Thành) đoạt Huy chương Bạc thế giới Giải trẻ năm 2005 tổ chức tại Nga; đoạt Huy chương Đồng Châu Á năm 2005 tại Hàn Quốc; Huy chương Bạc SEA Games24 tại Thái Lan. Hiện nay, Nguyễn Thị Hằng là huấn luyện viên môn vật nữ tại Trung tâm Thể thao tỉnh. VĐV Nguyễn Thị Minh (thị trấn Hương Sơn) đoạt Huy chương Đồng Giải trẻ châu Á năm 2006 tổ chức tại Thái Lan… Và còn rất nhiều VĐV qua quá trình huấn luyện đã đoạt huy chương hiện đang học ở Trường đại học Thể dục thể thao Từ Sơn (Bắc Ninh); khoa thể chất Đại học Sư phạm Thái Nguyên... và sau này ra trường, các VĐV sẽ tiếp tục đóng góp tài năng của mình cho nền thể thao của tỉnh, đất nước.
Có thể thấy vài năm trở lại đây, đời sống của người dân Phú Bình đã có nhiều đổi thay, nơi đây không còn là một huyện thuần nông mà đã xuất hiện những khu công nghiệp mặc dù mới hình thành nhưng đang hứa hẹn một tương lai tươi sáng. Điều đó cũng đồng nghĩa với việc người dân đã không phải quan tâm nhiều đến nỗi lo cơm áo và có nhiều thời gian quan tâm đến rèn luyện sức khỏe từ đó lựa chọn những người có năng khiếu về thể thao để đóng góp nhân tài cho đội tuyển các cấp. Ông Hoàng Văn Cường, Phó phòng Văn hóa và Thông tin huyện Phú Bình cho biết: Các môn thể thao nói chung và bộ môn vật nói riêng ở huyện đã có truyền thống từ nhiều năm nay. Bên cạnh năng khiếu của người dân thì thông qua các lễ hội truyền thống được tổ chức ở gần 40 di tích cấp tỉnh, quốc gia, điển hình như hội: Thanh Ninh, Đình Phương Độ, Đình Xuân La… là dịp để lựa chọn những tài năng từ đó bồi dưỡng và phát triển. Đối với huyện, năm nào cũng tổ chức Giải vật với gần 100 VĐV trong huyện đăng ký thi đấu và một số VĐV ở các huyện lân cận. Chất lượng các giải qua mỗi năm được nâng lên, số người tham gia đông hơn. Ngoài ra, các xã cũng tổ chức Giải vật truyền thống. Nhờ công tác xã hội hóa thể thao nên giải được duy trì và tạo động lực cho người dân tham gia. Từ đó phong trào thể thao quần chúng ở địa phương được duy trì và phát triển sâu rộng góp phần cổ vũ, động viên người dân hăng say lao động sản xuất, xóa đói giảm nghèo...