Lần đầu tiên kể từ khi World Cup ra đời năm 1930 cho tới nay, LĐBĐ Thế giới FIFA buộc phải lên phương án đối phó với những kiểu ăn mừng mang đậm tính chất tôn giáo hay những trò mê tín của giới quần đùi áo số!
2010 là năm đầu tiên World Cup được tổ chức tại một quốc gia châu Phi. Đó được coi là thắng lợi vô cùng to lớn của những người đòi quyền lợi cho lục địa đen trong cuộc đua giành quyền đăng cai sự kiện thể thao trọng đại này.
Trao quyền đăng cai cho Nam Phi nhưng tất cả ban bệ của FIFA đều đứng ngồi không yên. Hàng loạt câu hỏi được đặt ra từ vấn đề an ninh, cơ sở vật chất cho tới khả năng thu hút các CĐV của nước chủ nhà. Ngoài tất cả những quan ngại kể trên, FIFA còn đang tính đến một vấn đề cũng hết sức nhạy cảm đó là vấn đề tôn giáo trong thể thao.
Thực ra vấn đề này không mới. Nó từng xảy ra cách đây hàng vài thập kỷ nhưng được “ẩn danh” dưới những cái tên mỹ miều để che đậy hành vi xấu, vi phạm các quy định của FIFA. Nhắc tới vấn đề này người hâm mộ có thể ngay lập tức liên tưởng tới pha ghi bàn để đời của “cậu bé vàng” Maradona trong trận đấu với đội tuyển Anh tại World Cup 1986.
Nhìn ở khía cạnh chuyên môn rõ ràng Maradona đã phạm lỗi chơi bóng bằng tay. Trọng tài đã không theo kịp tình huống và công nhận bàn thắng. Quyết định của “vua sân cỏ” hiển nhiên không thể thay đổi nhưng vô hình chung “nạn nhân” tuyển Anh sẽ không tránh khỏi cảm giác bị phân biệt đối xử.
Mọi chuyện có lẽ sẽ dừng lại ở đó nếu như Maradona không hùng hồn tuyên bố anh không cố ý ghi bàn bằng tay mà đó là “mệnh lệnh của Chúa trời”! Nói như vậy phải chăng Chúa trời lại bao che cho kẻ tội lỗi như Maradona? Chắc chắn là không đúng. Đó chỉ là tài vụng chèo, khéo chống của “cậu bé vàng” mang vấn đề tôn giáo để biện hộ cho việc làm của mình.
Trường hợp gần đây nhất là bàn thắng chơi bóng bằng tay lộ liễu của Thierry Henry tại trận play off lượt về vòng loại WC 2010 với CH Ai Len được nhiều người coi đó là “món quà của Chúa tặng cho người Pháp”.
Không biết có phải sự ảnh hưởng mạnh mẽ của Maradona đã “lây” sang các cầu thủ Nam Mỹ khác hay không. Mà nhất loạt từ tiền vệ nổi tiếng Kaka tới trung vệ Lucio đều nhất loạt nhận mình có liên quan tới Chúa. Cầu thủ đang khoác áo Inter Milan khẳng định anh là cận vệ của Ngài còn Kaka mỗi khi ghi bàn thắng đều tốc áo thi đấu để lộ dòng chữ “Con thuộc về Chúa trời”.
Đội tuyển Đức tại Euro 2004 cũng từng khiến nhiều người bất ngờ khi nhất quyết không chịu ở tầng thứ 13 của khách sạn vì lo sợ vận đen sẽ bám đuổi mình. Còn ở cấp CLB, có lẽ trung vệ John Terry là người mê tín nhất. Cầu thủ người Anh này tôn sùng con số 50 và có đến 50 thói quen phải thực hiện trước mỗi trận đấu!
Terry luôn chỉ ngồi ở một vị trí cố định trên xe ra sân và anh cũng chỉ nghe duy nhất một đĩa nhạc. Trung vệ này thậm chí chỉ đi tiểu vào đúng 1 bồn cầu và đeo chiếc đệm bảo vệ chân trong 10 năm nay dù nó đã quá cũ.
Đến lúc này, LĐBĐ Thế giới (FIFA) buộc phải vào cuộc nhằm mục đích trả lại cho bóng đá hình ảnh đích thực của nó. Dù không thông báo rộng khắp cho giới truyền thông nhưng FIFA đã đề nghị các thành viên của mình phải quán triệt tới từng cầu thủ để đảm bảo tất cả những hành động ăn mừng phải hoàn toàn mang tính chất thể thao, không có dính líu tới tôn giao hay mê tín. FIFA và chủ tịch Sepp Blatter không muốn ngày hội bóng đá thế giới lại trở thành nơi để thể hiện lòng mộ đạo của các cầu thủ.
Tất cả các quốc gia thành viên dù muốn hay không đều phải chấp thuận yêu cầu của FIFA. Thế nhưng chẳng ai dám chắc liệu Kaka có trình diễn lại màn cởi áo để tôn sùng Chúa hay không vì một khi FIFA chưa đưa vào luật thì những việc làm kiểu như vậy hoàn toàn hợp pháp, thậm chí còn được những người mộ đạo ủng hộ.
World Cup là ngày hội của bóng đá thế giới, là nơi hội tụ của tất cả những gì tinh hoa nhất, đậm bản sắc của mỗi quốc gia. Nên khó có thể coi hành động của trung vệ Laurent Blanc luôn hôn cái đầu trọc của thủ thành Barthez là một việc làm mê tín. Nó có thể là sự đồng cảm, chia sẻ để các cầu thủ nỗ lực hết sức vì mục tiêu chinh phục cúp vàng.