Chelsea vô địch sau 3 mùa giải tay trắng

08:37, 11/05/2010

Giải Ngoại hạng Anh mùa giải 2009 - 2010 đã hạ màn bằng một cái kết nằm trong dự đoán của nhiều người. MU dù đè bẹp Stoke City tới 4-0 nhưng cũng đành ngậm ngùi chia tay với chức vô địch.

 

Một nhà vô địch xứng đáng

 

Như vậy là Chelsea đã trở lại với ngôi vô địch giải ngoại hạng Anh - lần đầu tiên kể từ khi kỷ nguyên của Mourinho khép lại. Người ta nói, đạt đến đỉnh cao đã khó, giữ mình trên đỉnh cao còn khó hơn. Với Mourinho, Chelsea đã lần đầu tiên biết đến chức vô địch giải Ngoại hạng Anh, với Ancelotti - họ đã trở lại với ngôi vô địch ấy. Nếu vì thế mà nói Ancelotti giỏi hơn Mourinho thì có phần bất công, nhưng nếu nói công việc mà Ance vừa hoàn thành có phần khó khăn, nặng nhọc hơn Mou thì hoàn toàn chính xác.

 

Chelsea cho thấy, họ rất xứng đáng với ngôi vua, khi là đội có thời gian giữ vị trí số 1 trên bảng xếp hạng nhiều nhất, sở hữu hàng công “khủng bố” nhất (103 bàn - kỷ lục của bóng đá Anh, và cũng là của chính họ tự phá kỷ lục cũ 98 bàn của mình), trung bình 2,71 bàn/ trận, họ có trong tay Vua phá lưới Drogba (29 bàn), và có số trận thắng ghi được trên 7 bàn nhiều nhất (4 trận).

 

Không chỉ vậy, kết quả 8-0 trước Wigan mà đoàn quân của Ancelotti giành được cũng là tỉ số đậm nhất trong lịch sử giải Ngoại hạng Anh. Với việc lên ngôi cùng Chelsea, HLV Ancelotti trở thành HLV thứ 4 trong lịch sử hơn 100 năm của bóng đá Anh lên ngôi vô địch ngay mùa giải đầu tiên nắm đội bóng. Quá nhiều kỷ lục, quá nhiều con số đủ để khẳng định: Chelsea chứ không phải đội bóng nào khác xứng đáng nhất được tôn vinh ở mùa giải này.

 

Đây không phải lần đầu tiên Chelsea vô địch dưới kỷ nguyên Abramovich. Nhưng có lẽ, chức vô địch năm nay hẳn sẽ đáng nhớ hơn rất nhiều với tỷ phú Nga. Bởi đây chính là một Chelsea mà ông mong muốn: một Chelsea của lối đá tấn công và cống hiến mà con số 103 bàn là bằng chứng hùng hồn.

 

Cạnh tranh từng cm

 

Khi một mùa giải khép lại cũng là lúc chúng ta ngồi tổng kết lại những gì đáng nhớ nhất của chặng đường đã qua. Và nếu phải đưa ra nhận định tổng quát cho mùa giải này, thì hẳn nhiều người sẽ đồng ý với tôi, đây là mùa giải giàu tính cạnh tranh bậc nhất trong lịch sử giải bóng đá cao nhất nước Anh.

 

Lần đầu tiên kể từ 4 năm qua, trật tự “Tứ đại gia” bị phá vỡ. Đầu mùa giải là sự xuất hiện của Đế chế Arab Manchester City. Tiềm lực tài chính hùng hậu từ Trung Đông đã biến một đội bóng trung bình yếu thành một thế lực thực sự của bóng đá Anh. Mùa giải này, The Citizens tránh đầu tư ồ ạt về số lượng như mùa giải trước mà tập trung vào những bản hợp đồng chất lượng thực sự như Carlos Tevez - người nhanh chóng trở thành linh hồn của đội, như Adebayor, Toure, Vieira… và đặc biệt là HLV Roberto Mancini. Sự xuất hiện của người đàn ông Italy từng 2 lần vô địch Italy ở Inter đã biến Man City, từ một đội bóng trầy trật ở vị trí thứ 10 bảng xếp hạng, thành một đội bóng mà như HLV Harry Redknapp nhận xét, “3 năm nữa họ sẽ có thể vô địch bóng đá Anh”.

 

Thế nhưng, đến giai đoạn giữa và cuối mùa giải, có thêm 2 cái tên khác xuất hiện đe dọa top 4: Aston Villa và Tottenham. Điểm chung giữa họ là dấu ấn rõ nét của các HLV người Vương quốc Anh: ông Martin O’Neil và ông Harry Redknapp. Hai mùa giải nắm Spur, Redknapp đã biến một đội bóng ngấp nghé xuống hạng thành một đội bóng có khả năng xếp thứ 4 mùa này. Quá ấn tượng !

 

Sự xuất hiện của những kẻ thách thức giàu tiềm năng ấy, cộng với sự suy yếu tương đối của Tứ đại gia (điển hình là trường hợp của Liverpool và ở một chừng mực nào đó là Quỷ Đỏ Manchester), khiến cho giải bóng đá Anh trở nên giàu sức cạnh tranh hơn bao giờ hết. Số trận hòa giảm đi, số trận thắng - thua tăng lên. Chưa bao giờ trong lịch sử của một đội bóng lên ngôi vô địch mà để thua tới 6 trận (trước đây, thua nhiều hơn 4 trận là đã có thể nghĩ đến việc tạm biệt giấc mơ đăng quang), một đội bóng xếp thứ 4 như Tottenham mà cũng có tới 10 trận thua. Đặt trong bối cảnh đó, chiến tích giành tới 4 trận thắng ghi được trên 7 bàn/ trận của nhà tân vô địch Chelsea càng trở nên long lanh.

 

Và dấu ấn của những cá nhân

 

Đây cũng là mùa giải mà dấu ấn của các cá nhân trở nên đặc biệt rõ nét, hiểu theo cả nghĩa tích cực và tiêu cực. Ở Manchester United, sự ra đi của Carlos Tevez và Cristiano Ronaldo, cùng với việc Berbatov mùa thứ 2 liên tiếp không thể hiện được mình, khiến cho Rooney có cơ hội trở lại vị trí trung phong. Không phụ lòng tin của Sir Alex, tiền đạo người Anh đã có 1 mùa giải bùng nổ: anh ghi tới 26 bàn thắng cho “Qủy Đỏ” tại giải Ngoại hạng Anh - thành tích tốt nhất của tiền đạo này kể từ khi anh chuyển tới sân Old Trafford.

 

Nói đến điểm sáng của mùa giải này chúng ta còn phải kể tới Didier Drogba - tiền đạo vừa nâng cao cúp vô địch với Chelsea. Chỉ thực sự hòa nhập với lối chơi của Chelsea kể từ giai đoạn 2, sau khi trở về từ CAN 2010, nhưng tiền đạo người Bờ Biển Ngà đã tỏa sáng rực rỡ và chính là cầu thủ đáng xem nhất trong giai đoạn này. 29 bàn thắng của Drogba đóng góp quan trọng vào thành tích vô địch của The Blues.

 

Vĩ thanh cho một mùa giải quá độ

 

Mùa giải 2009 - 2010 khép lại bằng chức vô địch xứng đáng của Chelsea. Và có thể nói, mùa giải này là một bước quá độ hình thành nên một trật tự mới của bóng đá Anh. Đó không còn là trật tự Tứ đại gia như từ bao lâu nay nữa. Sự xuất hiện của ngày càng nhiều các ông chủ nước ngoài lắm tiền khiến cho những đội bóng “thức dậy 1 đêm vươn mình thành tỉ phú” như Manchester City trở nên không còn hiếm. Chelsea là đội bóng đầu tiên, Manchester City là đội bóng thứ 2 và biết đâu rồi sẽ còn nhiều nữa những cái tên truyền thống của bóng đá Anh rơi vào tay các ông chủ nước ngoài.

 

Sự ra đi của Cristiano Ronaldo, và có thể trong mùa hè tới đây sẽ có thêm một vài cái tên nữa, khiến giải Ngoại hạng Anh không còn là điểm đến thiên đường của các ngôi sao. Nạn chảy máu tài năng ra các giải đấu khác như La Liga, Serie A… Điều đó cho thấy, bóng đá Anh - sau giai đoạn phát triển cực thịnh với việc 4,5 mùa giải liên tiếp có 3 trong 4 đại diện lọt vào bán kết Cúp C1 châu Âu - đang bắt đầu đi đến giai đoạn thoái trào. Đó là qui luật tất yếu của lịch sử, không ai, không cái gì mãi mãi trên ở đỉnh cao. Và đó cũng là điều cần thiết để các CLB Ngoại hạng Anh làm mới mình, qua đó đủ sức vươn đến một tầm vóc mới hơn.

 

Xin chúc mừng Chelsea với chức vô địch đầu tiên sau 3 mùa giải. Còn với ông vua mất ngai Manchester United, họ cũng chẳng có lí do gì để buồn vì đã làm hết sức mình trong một mùa giải mà tất cả đều trở nên “bất bình thường”.

 

Cả Arsenal, Liverpool và Man City, những kẻ thất bại vĩ đại khác, cũng chẳng có lí do gì để buồn, vì họ còn quá nhiều điều để làm phía trước. Kết thúc một giai đoạn không có nghĩa là kết thúc tất cả. Bắt đầu từ bây giờ, mùa giải 2010 - 2011 đã bắt đầu, trước hết là cuộc cạnh tranh để thu hút các cầu thủ, các HLV tài năng về với đội của mình.