Argentina – Đức: Trong cơn lốc đổi mới

21:12, 03/07/2010

Có thể coi cả 2 là những “thí nghiệm” xuất sắc của tư duy đổi mới. Đức mạnh dạn làm mới mình bằng những con người trẻ trung cùng lối chơi đậm kỹ thuật, còn với người Argentina, bản thân Maradona đã là một cuộc cách mạng. Cái mới bao giờ cũng làm nổ ra những tranh cãi, nhưng cuối cùng thì sự kiên định đã chiến thắng.

Cú sốc với chính mình

4 năm trước, khi Klinsmann thổi luồng gió đổi mới vào đội tuyển Đức, ông cũng tạo ra luôn một cú sốc đối với nền bóng đá vốn nổi tiếng với kỷ luật và cung cách làm việc nghiêm túc (đôi khi khá hình thức) này. Người Đức, với sự tự hào quá lớn về mặt chủng tộc và truyền thống trong bóng đá, rất khó chấp nhận việc HLV ĐTQG của họ đưa vào thành phần huấn luyện những chuyên gia của Mỹ, và đưa luôn sự phóng túng của người Mỹ vào phương pháp huấn luyện: Việc Klinsi làm việc ở Mỹ từng gây ra rất nhiều tranh cãi. Việc đội Đức vứt bỏ đi hình ảnh thận trọng trong quá khứ để hướng đến một lối chơi tấn công tốc độ cũng đã khiến các nhà chuyên môn e ngại, bởi chất lượng các cầu thủ tấn công của Đức trong 10 năm trở lại không quá xuất sắc.
 
 
Thế nhưng cuối cùng thì cuộc cách mạng ấy ngày càng được thừa nhận như một điều hiển nhiên: Khi HLV Joachim Loew cho đội Đức tập luyện bằng cách… chơi bóng bầu dục, chẳng ai phản đối ông như từng phản đối Klinsi. Lối chơi tấn công toàn diện mà Loew đang áp dụng (thậm chí không có tiền vệ thủ đích thực như thời Klinsi) thậm chí đang làm mờ đi hình ảnh thực dụng truyền thống của người Đức.
 
Đức cần nhiều bước để hoàn thiện sự đổi mới, còn Argentina “làm cách mạng” đơn giản hơn rất nhiều: Đưa Maradona lên làm HLV, và… chờ đợi. Thực ra, Maradona không phải một HLV (ông mới chỉ ngồi ghế HLV “cho vui” vài tháng ở Racing Club cách đây… 14 năm), và trong lịch sử, chưa một lần người Argentina trao đội tuyển vào tay một “tay mơ” như thế, thậm chí còn kiên định chấp nhận sự điên rồ của ông. Sự xuất hiện của “Diego vĩ đại” làm xáo trộn hoàn toàn nhân sự và lối chơi của Argentina, từ kiểu gọi cầu thủ như tuyển… diễn viên quần chúng (hơn trăm người chỉ trong hơn 1 năm), hay việc gạt bỏ hoàn toàn những cựu binh như Zanetti và Cambiasso. Không có quy luật nào tồn tại trong mắt Diego.
 
Cú sốc với thế giới
 
Sự “bát nháo” ấy khiến Argentina chật vật đến World Cup với một diện mạo rất xộc xệch, nhưng lại tạo ra cảm hứng cho các ngôi sao khi chính thức lâm trận và khiến các đối thủ không biết đằng nào mà lần. Điều đáng ngạc nhiên là dù đã đến giải theo kiểu “đầu bù tóc rối”, Argentina lại được Maradona thiết lập sự ổn định rất nhanh chóng, bằng sự cầu thị đã không xuất hiện suốt chiến dịch vòng loại: Các mắt xích lỗi (Jonas, Aguero…) được sửa đổi liên tục, và Argentina tiến lên với sự chắc chắn đáng sợ gia tăng qua từng trận.
 
Argentina xáo trộn vì Maradona, còn đội Đức xáo trộn vì chấn thương, trong đó, việc Michael Ballack vắng mặt là một cú sốc lớn. Thế nhưng điều đáng sợ là trong hệ thống mà HLV Loew áp dụng, không có sự thay đổi nhân sự nào khiến cỗ máy ấy vận hành chuệch choạc, một minh chứng cho thấy ông Loew hiểu đội bóng của mình đến thế nào. Chỉ có thế, ông mới mạnh dạn đặt đội bóng vào trong tay những người trẻ, và thậm chí còn hướng đội Đức đến một lối chơi phóng khoáng hơn nhiều khi Klinsi còn tại vị. Qua 4 trận, chỉ có một vị trí duy nhất mà HLV Loew phải thay đổi: Boateng trám chỗ Badstuber (Cacau thay thế Klose bị treo giò chỉ là một sự thay đổi bất đắc dĩ).
 
Tốc độ thích ứng của cả Argentina và Đức đã khiến mọi phán đoán về họ sụp đổ. Thế nhưng về chiều sâu, sự đổi mới của người Đức vẫn vượt trội: Cuộc cách mạng bóng đá tấn công của họ đã bắt đầu từ 4 năm trước, và những cách tân của riêng HLV Loew thậm chí còn đưa nó đến một giai đoạn mới: Hiện tại, Đức không cần một cầu thủ giàu sức chiến đấu để “dằn mặt” đối phương trong thế trận căng thẳng (4 năm trước, Ballack, hay Frings sẵn sàng làm điều ấy), còn Argentina vẫn duy trì một lối chơi khá ranh ma và tiểu xảo (cách họ thắng Mexico là một ví dụ), như truyền thống của họ.