Uruguay - Hà Lan: Đợi chờ cơn bão lớn

09:46, 06/07/2010

Sân Green Point, Cape Town 1g30 ngày 7-7) Đội 2 lần VĐTG đương đầu với đội mới 2 lần vào chung kết World Cup - là một cách để giới thiệu cặp đấu bán kết đêm nay. Nhưng thành bại trong quá khứ không khái quát được diện mạo trận đấu khi Hà Lan thực sự lấn lướt đối thủ Nam Mỹ trong cuộc quyết chiến trên sân Green Point.

Bí ẩn và phép màu

Hà Lan và Uruguay đều là những vị “khách lạ” của vòng bán kết vì những lý do khác nhau: Đội quân màu da cam bất ngờ quật ngã ứng viên số 1 Brazil; trong lúc La Celeste sống sót qua những thời khắc kịch tính nhất trong giải và có thể trong cả 80 năm lịch sử của World Cup.

Nếu có điều gì đó bí ẩn khiến Brazil gục ngã trong hiệp 2, thì chắc chắn phải có phép màu mới ngăn được Uruguay tránh thủng lưới sau 3 cú sút cận thành của Ghana vào khung thành bỏ ngỏ, nơi chỉ có cánh tay của Luis Suarez ngăn lại trước khi xà ngang từ chối quả phạt đền của Gyan.

Chính vì phép màu đó mà HLV Bert van Marwijk cảnh báo các học trò mình chớ nên xem thường đối thủ kém danh đến từ Nam Mỹ. Ông khẳng định Uruguay là “đội mạnh” và là những “chiến binh”, những kẻ “sống sót”.

Uruguay từng vô địch những năm 1930 và 1950, nhưng đây mới là lần đầu họ vào bán kết kể từ năm 1970 và hiện chỉ xếp hạng 16 thế giới.

Còn Hà Lan, dù thất bại trong 2 lần vào chung kết với các đội chủ nhà như Đức (1974) và Argentina (1978) nhưng lại là đội chiếu trên khi xếp thứ 4 trong bảng xếp hạng FIFA.

Đội hình sức mẻ

Cả Van Marwijk lẫn người đồng nghiệp Oscar Tabarez đều có những lỗ hổng phải san lấp khi đối mặt với những chấn thương và treo giò.

Tổn thất lớn nhất của Uruguay không phải là tiền vệ Nicolas Lodeiro (bị rạn xương bàn chân) mà chính là án treo giò của chân sút Luis Suarez. Kẻ tội đồ đã dùng tay đỡ cú sút của Ghana vào khung thành trống ở phút 120 này đã trở thành người cứu rỗi khi Uruguay thắng trong loạt sút luân lưu.

Nhưng chiếc thẻ đỏ đã khiến anh bỏ lỡ cuộc hẹn với Hà Lan - đối thủ mà anh biết rõ thói quen và tính khí của từng hậu vệ khi từng ghi đến 43 bàn trong 39 trận chơi cho Ajax Amsterdam mùa qua.

Người thay thế cho vị trí tiền đạo hiển nhiên sẽ là Sebastian Abreu – lão tướng 33 tuổi, từng chơi cho 17 CLB ở 7 quốc gia và cũng từng ghi 26 bàn cho Uruguay, nhưng kinh nghiệm và đẳng cấp của anh chẳng thể nào so sánh được với số vốn mà Suarez đang sở hữu.

Uruguay cũng sẽ thiếu hậu vệ cánh Jorge Fucile – một trong những hậu vệ xuất sắc nhất giải – vì lãnh thẻ vàng thứ 2. Oscar Tabarez sẽ có lại trung vệ Diego Godin sau 2 tuần dưỡng thương, nhưng ông vẫn lo lắng khả năng bình phục của thủ quân Diego Lugano với ca chấn thương đầu gối ở trận rồi.

Lugano nói với giọng cương quyết: “Mạo hiểm với cơn đau là điều cuối cùng tôi nghĩ đến. Ai cũng muốn chơi những trận cầu lớn nhưng câu hỏi đặt ra là liệu tôi có đủ 100% thể lực để chơi ở trình độ này hay không”.

Phía Hà Lan, hàng phòng thủ sẽ phải cấu trúc lại khi hậu vệ phải Gregory van der Wiel và tiền vệ phòng ngự Nigel de Jong thụ án treo giò.

Tuy nhiên, HLV Van Marwijk có lý do để vui mừng khi các ca chấn thương đều đã hồi phục, từ trung vệ Hamburg Joris Mathijsen đến tiền đạo Arsenal  Robin van Persie. Mathijsen bất ngờ chấn thương đầu gối chỉ 20 phút trước trận Brazil và Andre Oijer vào thế chỗ đã bỏ lỏng cho Robinho ghi bàn! Vì thế sự trở lại của Mathijsen là sự đảm bảo về mặt tâm lý cho hàng thủ. Van Persie cũng đã khỏi chấn thương cùi chỏ sau nỗ lực tạt bóng hôm rồi, nhưng người ta tự hỏi là liệu anh đã giảng hòa được với đồng đội hay chưa, Van Persie đã vùng vằng rời sân khi bị thay ra ở trận thắng Slovakia và gây nên mối bất hòa trong nội bộ, buộc HLV Van Marwijk phải tiến hành cuộc họp đội để “dẹp loạn”.

Mọi cầu thủ đều nói là đã để mâu thuẫn lại sau lưng, nhưng trong suốt trận đấu với Brazil, người ta không khó nhận thấy là Van Persie không nhận được sự hỗ trợ cần thiết của Sneijder, Robben và cả Dirk Kuyt.

Van Persie ghi chỉ 1 bàn sau 5 trận toàn thắng, trong lúc tiền vệ Wesley Sneijder đã thu nhặt đến 4 bàn, bao gồm 2 bàn vào lưới Brazil. Thủ quân Giovanni van Bronckhorst nói: “Chúng tôi thắng 5 trận liền và trận thắng Brazil giúp chúng tôi thêm tự tin. Bây giờ chúng tôi muốn vào trận chung kết”.

Đây mới là lần đầu tiên Hà Lan vào được bán kết kể từ World Cup 1998 (nơi họ thua Brazil trong loạt sút luân lưu), nhưng thầy trò Van Marwijk đã kéo dài chuỗi bất bại của họ lên 24 trận. Liệu Hà Lan có chơi thực dụng lần nữa hay sẽ dâng cao tấn công dữ dội như khi bị Brazil dẫn bàn?

Có thể thấy là Uruguay không non nớt như Slovakia để Hà Lan có thể dắt mũi trong mọi lúc, vì thế, đội bóng da cam cần lựa chọn thời điểm vây ép và phá vỡ thế bế tắc. Đá giằng dai với Uruguay chỉ thêm bất lợi cho Hà Lan khi đội bóng Nam Mỹ sẵn lòng đưa trận đấu vào loạt sút luân lưu may rủi, bởi họ đâu có gì để mất trong cuộc chiến này!