Từ lâu Sumo được biết đến là môn võ vật truyền thống của xứ Mặt trời mọc. Song, một loạt vụ bê bối gần đây liên quan đến việc các võ sĩ Sumo đánh bạc bất hợp pháp, để các tay "anh chị" khét tiếng ngồi ghế VIP trong các trận đấu quan trọng... đang phủ một đám mây đen lên môn thể thao vốn được sùng kính này.
Mối liên hệ mật thiết giữa các tổ chức tội phạm và các băng nhóm Yakuza (mafia Nhật) với một số các lò võ Sumo thực tế không còn mới lạ, nhưng giờ đây dư luận mới phần nào thấy được tầm ảnh hưởng nó. Nhiều võ sĩ trẻ được "bố già" của các băng nhóm mafia đỡ đầu để "bù lỗ" với những đồng lương ít ỏi có được nhờ tài năng thi đấu. Trong khi các võ sĩ đến tuổi về hưu thì được tuyển làm hộ vệ hay đi thu tiền, siết nợ cho các ông trùm băng đảng.
Trong nhiều thập niên, các băng nhóm Yakuza đã tung hoành công khai, kiếm lợi nhuận khổng lồ từ các hoạt động phi pháp. Với khoảng 40.000 thành viên, chiếm 50% tổng số tội phạm Yakuza toàn nước Nhật, Yamaguchi-gumi là một trong những tổ chức tội phạm lớn nhất thế giới. Các thành viên của yakuza không chỉ nổi tiếng với các hoạt động ngầm, mà còn cả những hình xăm trên toàn thân.
Vụ scandal mới nhất xảy ra khi các võ sĩ Sumo cá độ phi pháp khiến người dân Nhật Bản không khỏi bàng hoàng. Không thể chấp nhận được khi biết các võ sĩ của môn võ thuật truyền thống được tôn sùng này lại dính líu đến đường dây cờ bạc thông qua Kodokai, phe cầm đầu trong Yamaguchi-gumi. Trước một loạt sự việc xảy ra gần đây, Hiệp hội Sumo Nhật Bản (JSA) đã thông báo sa thải một võ sĩ hàng đầu và một sư phụ đầy quyền lực cầm đầu một nhóm võ sĩ - vì tham gia các vụ cá cược bóng chày chuyên nghiệp do tội phạm có tổ chức thực hiện. Thành viên này liên quan đến vụ bê bối bán 50 vé ngồi dưới chân sàn đấu cho các thành viên Yamaguchi-gumi, khiến các chuyên gia Sumo hết sức bất bình.
Một số chuyên gia và các võ sĩ Sumo cho rằng, môn võ truyền thống này rơi vào tay các tổ chức tội phạm là do khó khăn về tiền bạc, trong khi số người xem và tài trợ của các công ty giảm mạnh. Sumo cũng giống như nền kinh tế Nhật Bản, tăng mạnh trong thời kỳ kinh tế cực thịnh những năm 1980 và sau đó không chịu giảm quy mô để thích nghi với giai đoạn suy thoái. Số lò luyện sumo hiện tại là 51, gấp đôi con số năm 1970 (trong hai thập kỷ qua số lượng võ sĩ đã giảm từ 1.000 xuống dưới 700). Điều đó gây khó khăn cho một số lò Sumo có ít hơn 10 võ sĩ và không có võ sĩ nào có thứ hạng cao đủ để thu hút các nhà tài trợ. Những lò nhỏ này chật vật trả hàng trăm ngàn USD chi phí ăn ở và đi lại của các võ sĩ, nhưng lại từ chối giải pháp sáp nhập với các lò nhỏ khác. JSA cho biết, doanh thu hằng năm từ các nhà tài trợ và tiền bán vé cho các giải đấu được tổ chức hai tháng một lần đã giảm từ mức 150 triệu USD năm 1999 xuống còn 110 triệu USD trong năm ngoái.
Khó khăn về tài chính cộng với tình trạng thiếu minh bạch của Sumo - các lò luyện được coi là tài sản cá nhân của các sư phụ và hầu như không có sự giám sát của Bộ Thể thao và giáo dục - dẫn đến hệ quả là Sumo không thể chống đỡ lại thế giới ngầm. Những người theo dõi Sumo cho rằng, khi tiền từ thế giới ngầm chảy vào, các võ sĩ và sư phụ khó có thể từ chối lời mời tham gia cá độ. Một lý do nữa là môn võ Sumo không còn sức quyến rũ với giới trẻ, không thể cạnh tranh lại với các bộ môn thể thao hiện đại và dễ chơi như bóng đá, bóng rổ...
Ra đời từ thế kỷ thứ VI nhưng đến đầu thế kỷ XX võ Sumo mới được công nhận là bộ môn thể thao quốc gia. Trước sự phản đối của công chúng về những bê bối trên JSA đã lên tiếng cảnh báo môn thể thao có lịch sử 1.300 năm tuổi sẽ diệt vong nếu không tự thanh sạch.