Nhọc nhằn sau những tấm huy chương

14:09, 09/09/2010

Hè về, phần lớn học sinh đều háo hức, mong đợi để được nghỉ học, thư giãn, vui chơi cùng gia đình, bạn bè và tham gia sinh hoạt hè tại nơi cư trú, nhưng có những học sinh thì ngày hè lại là thời gian tập luyện căng thẳng để tham gia các giải thi đấu, góp phần tô thắm thêm thành tích thể thao của tỉnh, đó là các em học sinh - vận động viên năng khiếu thể thao.

 

Năm nay đã là năm thứ ba em Lý Thị Nguyệt, vận động viên (VĐV) cấp I quốc gia môn vật nữ quê ở Phú Bình không còn tham gia sinh hoạt hè với các bạn ở địa phương mỗi khi hè về bởi em được chọn vào lớp năng khiếu vật nữ của Trung tâm Thể dục Thể thao và tham gia tập luyện từ đó đến nay. Nguyệt tâm tự: Năm nay em lên lớp 12 nên phải tranh thủ thời gian để ôn tập kiến thức chuẩn bị thi tốt nghiệp THPT và tham gia đầy đủ các buổi tập luyện. Dịp hè tập luyện có căng thẳng hơn nhưng em thấy rất vui và phấn khởi vì đây là thời gian chúng em được tham gia các giải thi đấu thể thao trong nước. Thông qua các giải có thể khẳng định mình và đánh giá công tác huấn luyện của cả năm. Dịp hè vừa qua, em tham gia thi đấu Giải Vật trẻ toàn quốc, Giải Vật vô địch toàn quốc và sắp tới tham gia giải tại Đại hội Thể dục Thể thao toàn quốc vào đầu tháng 9. Em sẽ cố gắng giành thành tích cao nhất. Còn với em Đồng Thị Châm là VĐV vật nhỏ tuổi nhất Đội, cười nói: Đây là hè đầu tiên em xa nhà, không được nghỉ và vui chơi, sinh hoạt hè thoải mái với các bạn nhưng chỉ đôi lúc em thấy nhớ nhà và một tháng mới xin phép thầy về thăm bố mẹ sau đó lại trở lại trường. Ở đây em được tập luyện, đi học văn hóa, ngoài giờ lại được chơi đùa với các chị trong môn vật và các môn thể thao khác nên em thấy rất vui, quên hết những ngày hè nắng nóng, tập luyện mệt nhọc chị ạ. Thông tin từ HLV Phan Thanh Định, được biết, Giải Vật trẻ toàn quốc vừa qua, đoàn VĐV Thái Nguyên đã giành được 6 Huy chương (HC) Vàng, 1 HC Bạc và 3 HC Đồng, toàn đoàn xếp thứ Nhì…

Trao đổi với chúng tôi, anh Nguyễn Đức Mạnh, huấn luyện viên (HLV) môn cầu lông nói: Đội tuyển cầu lông có 6 VĐV, thì có 4 em ở nội trú, có em nhỏ nhất mới 10 tuổi nhưng đã phải tự lo mọi sinh hoạt của bản thân. Mỗi ngày các em phải tập 5 giờ (sáng từ 8 đến 11 giờ; tối từ 7 đến 9 giờ). Còn nhỏ tuổi nên những ngày hè vẫn là thời gian lý tưởng để các em vui chơi, về quê thăm ông bà, người thân nhưng thành tích mà các em đạt được tại các giải thi đấu trong dịp hè đã tạo động lực để các vận động viên “nhí” này quên cả vui chơi. Giải Cầu lông Thiếu niên, nhi đồng toàn quốc vừa được tổ chức tháng 6 năm nay tại Trung tâm Dịch vụ thi đấu thể thao tỉnh, đoàn VĐV Thái Nguyên đã xuất sắc giành giải Bạc đơn nam lứa tuổi 11, giải Vàng đôi nam lứa tuổi 11, giải Đồng đôi nam - nữ lứa tuổi 14-15. Tại Giải Cầu lông trẻ toàn quốc thi đấu đầu tháng 8 vừa qua, các VĐV đã giành giải Đồng đôi nam lứa tuổi 16 và đôi nữ lứa tuổi 17-18. Như vậy, các VĐV tham gia thi đấu đều mang lại thành tích nhất định, góp phần vào thành tích chung của ngành Văn hóa - Du lịch và Thể thao.

 

Ông Vũ Anh Thắng, Hiệu trưởng Trường Năng khiếu Thể thao (Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch) cho biết: Trường hiện có 150 học sinh (60-70 cháu ở nội trú) vừa học văn hóa, vừa huấn luyện ở 11 môn thể thao. Năm 2010, Sở giao cho Trường tham gia 15 giải thể thao, đến hết tháng 8, Trường đã tham gia 14 giải theo quy định và 3 giải do kinh phí huy động xã hội hóa, đó là Giải Cờ vua khu vực của toàn quốc, Giải Bóng bàn các cây vợt trẻ, Giải Cờ vua trẻ xuất sắc. Xin nói thêm về các giải phải vận động xã hội hóa nguồn kinh phí của gia đình các VĐV, đó là theo kế hoạch, Nhà trường chỉ được giao kinh phí tham gia các giải trẻ, giải thiếu niên, nhi đồng nên khi phát hiện những VĐV xuất sắc đã thực hiện xã hội hóa để VĐV có điều kiện cọ xát, phát triển ở các giải Vô địch và khẳng định đẳng cấp của mình. Tuy nhiên, một thực tế hiện nay cho thấy chỉ tiêu đối với VĐV kiện tướng của Trường rất khó thực hiện nếu không làm tốt công tác xã hội hóa. Cụ thể, năm 2010, Ngành giao chỉ tiêu cho Trường giành 110 huy chương các loại, 12 VĐV cấp I (đến hết tháng 8 đã có 22 VĐV cấp I) và 5 kiện tướng. Nhưng để được công nhận VĐV kiện tướng thì các VĐV phải giành thành tích tại các giải vô địch, còn các giải khác việc đạt thành tích kiện tướng rất khó, vì thế để hoàn thành kế hoạch được giao, Nhà trường đã phải thực hiện xã hội hóa. Một khó khăn nữa của Trường đó là, năm 2010, kinh phí huấn luyện của Trung tâm Thể dục Thể thao tỉnh giảm 30 chỉ tiêu so với năm trước thì việc giao Nhà trường phải cung cấp VĐV cho Trung tâm cũng khó thực hiện bởi Trung tâm còn phải lựa chọn để giảm VĐV ở các môn nói gì đến nhận thêm.

 

Vẫn biết, bản chất của thể thao, nhất là thể thao thành tích cao là liên tục phải thanh lọc và nâng cao trình độ nhưng việc giao chỉ tiêu như vậy thì buộc Trường vẫn phải thực hiện nhưng khó hoàn thành. Hơn nữa, hiện nay phụ cấp và tiền ăn cho các học sinh, VĐV của Trường vẫn ở mức thấp, mặc dù đã được điều chỉnh tăng lên và thực hiện từ tháng 7/2010 nhưng mới được 45 nghìn đồng/người/ngày (30 nghìn tiền ăn, tiền công 15 nghìn đồng) áp dụng 22 ngày/tháng. Trong khi thời gian nghỉ hè, các học sinh lại tập luyện cường độ lớn hơn, áp lực cao hơn, thời tiết lại nóng bức… chính vì thế, thể thao của Thái Nguyên vẫn chỉ giành thành tích ở các môn thể thao “con nhà nghèo” như cách nói của những HLV, có nghĩa là những môn thể thao cá nhân. Điển hình Giải Wuhsu trẻ toàn quốc được tổ chức cuối tháng 7, đầu tháng 8/2010, có 300 VĐV của 24 tỉnh, thành trên cả nước tham gia, Thái Nguyên đã giành 10 Huy chương Vàng, 11 Huy chương Bạc, 10 Huy chương Đồng, xếp thứ Nhì toàn đoàn (chỉ sau T.P Hà Nội), trong đó có 6 VĐV được tham gia bằng kinh phí từ xã hội hóa. Giải Karatedo toàn quốc đã giành được 10 HC, Giải takewodo giành 17 HC…