Còn đó những nỗi lo

09:02, 06/11/2010

Chỉ qua 2 trận đấu của VFF Sơn Hà Cup đã bộc lộ những hạn chế ở cả ba tuyến của ĐTVN: Hàng thủ thiếu tập trung, hàng tiền vệ không kiểm soát được bóng và thế trận, còn hàng công thì thiếu sắc bén và hiệu quả.

   

Giải bóng đá giao hữu VFF Sơn Hà Cup đang diễn ra là cơ hội thử lửa của Đội tuyển bóng đá quốc gia trước khi bước vào giải đấu được coi là quan trọng nhất của bóng đá Việt Nam - AFF Suzuki Cup. Khác với những lần trước đây, Đội tuyển Việt Nam (ĐTVN) tham dự giải lần này trên vị thế bảo vệ ngôi quán quân của bóng đá ĐNA. Tuy vậy, qua 2 trận đấu của VFF Sơn Hà Cup, lối chơi của ĐTVN đã bộc lộ nhiều hạn chế.

 

 Trong trận đấu thứ nhất với U23 Hàn Quốc, mà thực chất là đội hình 2 có thêm một số cầu thủ sinh viên, nhưng ĐTVN không thể thi đấu “trên chân”, thậm chí cũng không tạo được một cơ hội nào rõ rệt. Sang trận đấu thứ 2, tuy có khởi sắc hơn, thi đấu ép sân đối với một đối thủ không hề lạ lẫm là Singapore, tạo ra vô số cơ hội nhưng lại bỏ lỡ đáng tiếc. Cần phải nói rằng, đội hình mà Singapore mang tới Việt Nam lần này thiếu rất nhiều những trụ cột như Mohd Noh Alam Shah, Agu Casmir… Nếu như họ có đội hình mạnh nhất, liệu ĐTVN có thể chơi dễ dàng như vậy?

 

Có thể thấy rằng, trước các cầu thủ trẻ Hàn Quốc, ĐTVN vào trận với lợi thế là đội chủ nhà và kinh nghiệm thi đấu dày dặn hơn hẳn. Song, U23 Hàn Quốc trẻ, khỏe hơn với lối thi đấu áp sát đã khiến ĐTVN không thể làm chủ trận đấu theo ý muốn. Thể lực vượt trội cũng đã giúp U23 Hàn Quốc có được bàn thắng thứ hai dễ dàng khi các cầu thủ Việt Nam xuống sức ở cuối trận. Đây cũng là trận đấu đã bộc lộ khá rõ những hạn chế ở cả ba tuyến của ĐTVN: Hàng thủ thiếu tập trung, hàng tiền vệ không kiểm soát được bóng và thế trận, còn hàng công thì thiếu sắc bén và hiệu quả.

 

Đến trận đấu với Singapore – một đối thủ đã quá quen thuộc, thế trận của ĐTVN được cải thiện hơn một chút do đội khách không thể chơi áp sát như U23 Hàn Quốc. Nhưng chúng ta lại bị thủng lưới trước sau một pha phát động bóng chớp nhoáng của tiền vệ Shi Jiayi và cũng chính tiền vệ này đã thoải mái dứt điểm ghi bàn khi không có ai kèm trong khu vực 16m50. Tình thế chỉ được cần bằng khi tiền vệ Tài Em ghi bàn thắng gỡ hòa trong một cơ hội không thực sự rõ ràng ở cuối hiệp hai. Điều này cũng cho thấy sự bất ổn trong lối chơi cũng như phong độ hiện nay của các tuyển thủ đã từng có không ít thời thi đấu gần nhau.

 

Từ trước đến nay, hàng thủ vẫn là tuyến mạnh nhất của ĐTVN. Hai năm trước cũng vậy, cặp trung vệ Như Thành – Phước Tứ đã góp phần rất quan trọng để đưa Việt Nam lần đầu lên ngôi cao nhất trong khu vực. Ngay từ lúc nắm quyền, HLV Calisto đã mất rất nhiều công sức để xây dựng một “bức tuờng thép” trước khung gỗ của ĐTVN. Nhưng hiện nay, bức tuờng đó đang gặp vô số những vấn đề. Bốn trận đấu trước những đối thủ không phải là quá mạnh mà thua tới 9 bàn đã cho thấy điều này (mới đây thua Ấn Độ và Kuwait cùng với tỷ số 1-3). Hai bàn thua trong trận gặp U23 Hàn Quốc và 1 bàn của Shi Jiayi trong trận với Singapore đều có lỗi của hàng phòng ngự.

 

 Với hàng tiền đạo không thể ghi bàn, ông Calisto “đổ tội” cho V.League: “Ở sân chơi V.League, các chân sút nội thường rất khó khăn trong việc ghi bàn, kết liễu đối thủ. Vì thế, việc ĐTQG phải sống chung với căn bệnh này cũng là điều tất yếu”. Tuy nhiên cũng cần thấy rằng, ngay cả ở các đội tuyển quốc gia khác, việc các cầu thủ không thi đấu tốt ở CLB nhưng khi lên tuyển vẫn có phong độ rất cao là điều không lạ lẫm. Tất nhiên, so sánh là khập khiễng, những cũng cần nghiêm khắc nhìn lại căn bệnh “dứt điểm kém” của các tuyển thủ bắt nguồn từ V.League hay từ một nguyên nhân nào khác (chẳng hạn như sự cơ động và tính hợp lý trong những pha dàn xếp tấn công), hoặc chỉ do phong độ nhất thời. Nhưng điều chắc chắn là HLV Calisto và ban huấn luyện ĐTVN còn có nhiều việc phải làm trong thời gian tới để cải thiện lối chơi cũng như phong độ cho các tuyển thủ.

 

Giải đấu quan trọng nhất không còn xa và hy vọng đến lúc đó chúng ta sẽ được thấy một bộ mặt khác tích cực hơn của ĐTVN./.