Bóng đá Việt Nam đã đến lúc phải thay đổi

09:52, 21/12/2010

Dường như các cổ động viên đã chấp nhận thất bại của đội nhà một cách bình tĩnh, nhưng nó cũng đặt ra cho những người làm bóng đá Việt Nam một nhiệm vụ phải làm sao lấy lại sự tin tưởng từ chính những khán giả nhà.

 

Khi trọng tài Kim Sang Woo nổi còi kết thúc trận bán kết lượt về trên sân Mỹ Đình cũng chính là thời điểm đội tuyển Việt Nam chính thức trở thành nhà cựu vô địch Đông Nam Á. Bảo vệ chức vô địch còn khó hơn đoạt chức vô địch và điều đó đã được chứng minh khi chúng ta vấp ngã trước Malaysia-một đối thủ vốn bị đánh giá là dưới tầm. Các cổ động viên đã tiếc nuối cho một giải đấu không thành công của đội nhà nhưng sốc thì không bởi điều này đã được dự báo từ rất sớm.

 

Cách đây 2 năm, đội tuyển Việt Nam có loạt trận giao hữu kém cỏi trước khi vào giải nhưng lại giành được cúp vàng Đông Nam Á. Trước AFF Suzuki Cup 2010, đội bóng của ông Calisto cũng trải qua chuỗi 11 trận, chỉ thắng 1 còn toàn hòa và thua nhưng lần này, cái kết có hậu như năm 2008 đã không lặp lại. Phong độ trồi sụt, hàng công chơi bế tắc, hàng thủ lỏng lẻo… khiến đội tuyển Việt Nam đi theo một đồ thị hình sin, vừa thắng tưng bừng lại thua mất mặt. May mắn không thể mãi song hành và ở thế chân tường, chỉ yếu tố quyết tâm về tinh thần không đủ để đưa đội bóng của HLV Calisto đi đến trận đấu cuối cùng.

 

Ở giải đấu năm nay, ông thầy người Bồ Đào Nha đã đưa vào danh sách tham dự giải vô địch Đông Nam Á những nhân tố nhưng nhìn vào đội hình ra sân của đội tuyển Việt Nam, tuyệt đại đa số các vị trí trụ cột đều là những người đã tham dự đấu trường này cách đây 2 năm.

 

Hai năm chưa phải là quãng thời gian dài trong cuộc đời thi đấu của các cầu thủ nhưng xét về phong độ đỉnh cao, mọi chuyện hoàn toàn khác. Thủ môn Hồng Sơn, cặp hậu vệ Phước Tứ, Như Thành các tiền vệ Minh Phương, Tài Em, rồi cả Tấn Tài, Vũ Phong… đã ở sườn dốc phía bên kia của sự nghiệp nhưng chưa có người thay thế xứng tầm.

 

Thêm 2 tuổi, thêm những chấn thương khi khoác áo câu lạc bộ đã ảnh hưởng rất nhiều tới màn trình diễn của các cầu thủ ở đấu trường cao nhất của bóng đá khu vực. Chúng ta có những tuyển thủ hàng đầu Đông Nam Á về kỹ thuật cá nhân, về khả năng phối hợp nhỏ nhưng đội tuyển Việt Nam lại thiếu những cầu thủ có khả năng gây đột biến và các vị trí dự bị đều chưa đáp ứng được yêu cầu chuyên môn.

 

Khi Quang Thanh, Việt Cường hay Tài Em vắng mặt, đội tuyển đã không còn duy trì được sức mạnh cần thiết. Nền tảng mang lại thành công cách đây 2 năm là hàng phòng ngự vững chắc đã không còn với hàng loạt tình huống sai lầm của cặp trung vệ Như Thành – Phước Tứ và cả hai thủ thành Hồng Sơn, Tấn Trường.

 

Khi Công Vinh, Văn Quyến chấn thương, câu hỏi về khả năng ghi bàn của đội bóng đã được đặt ra và thực tế cho thấy, Anh Đức, Việt Thắng hay Quang Hải chưa phải là câu trả lời tối ưu. Quá nhiều những cơ hội bị bỏ lỡ và chúng ta không nằm ngoài quy luật của bóng đá – tấn công nhiều mà không ghi được bàn thắng thì sẽ bị thủng lưới.

 

Hai thất bại tại AFF Suzuki Cup 2010 trước PhilippinesMalaysia chỉ ra rằng đội tuyển Việt Nam đã không tìm ra được cách tiếp cận trận đấu. Trước những đối thủ vốn bị coi là chiếu dưới, các chân sút của chúng ta hừng hực tấn công, dứt điểm để rồi phải nhận những cú hồi mã thương.

 

Có cảm giác đội bóng đã húc vào một bức tường bê tông được tạo ra bởi các cầu thủ phòng ngự được tổ chức tốt của đối phương như những nhát búa đều đặn mà không phải là những mũi khoan sắc bén có khả năng xuyên phá cao. Bế tắc cũng dẫn đến sự mất bình tĩnh mà người mất bình tĩnh nhất là các cầu thủ trẻ vốn luôn thi đấu với tinh thần hừng hực quyết tâm như Thành Lương và Trọng Hoàng – hai cầu thủ đã phải nhận thẻ đỏ ở giải đấu năm nay.

 

Sau một chiến thắng, có rất nhiều lời khen ngợi được đưa ra và sau một thất bại, cũng sẽ có rất nhiều lý do để giải thích. Bóng đá Việt Nam đã bước lên đỉnh cao của khu vực và để duy trì được đỉnh cao đó, chúng ta phải vận động và thay đổi. Không thể đi mãi một lối mòn với chiến thuật phòng ngự - phản công, với sơ đồ 4-5-1 bởi cách chơi đó liệu có còn thích hợp nếu những trụ cột hiện nay từ giã đội tuyển quốc gia.

 

Thất bại tại AFF Suzuki Cup cho thấy, ngay cả ở 1 khu vực vốn bị coi là “vùng trũng” của bóng đá khu vực thì tính cạnh tranh cũng không hề thấp. Một miếng đánh dù hiểm nhưng dùng mãi cũng mất hiệu quả, lúc này đã là hơi muộn để đội tuyển Việt Nam thay đổi một cách toàn diện để có cơ sở trở lại với ngôi vô địch Đông Nam Á và tiến lên các đấu trường cao hơn của bóng đá quốc tế.