Cho tới bây giờ lại có ý kiến những gì Tiến Minh đang trải qua không phải là thành công, trong khi vài năm trước thì số đông gọi đấy là kỳ tích của cá nhân tay vợt này và cả cầu lông Việt Nam.
Thành công hay thất bại?
Tay vợt số một Việt Nam tỏ ra thẳng thắn trước mọi ý kiến trái chiều sau trận bán kết với Lee Chong Wei, nhất là xung quanh cái sự “tốp 5” của anh gần đây.
“Dần dà tôi không còn biết người ta đánh giá thành công hay thất bại dựa vào cái gì nữa? Tâm lý yếu ư? Đó có vẻ là cái nguyên do người ta dễ nghĩ ra nhất để lý giải việc thua trận. Người ta không thấy hay cố tình không biết, giữa tôi và các VĐV số 1, số 2 TG… có một sự khác biệt quá lớn” Tiến Minh lắc đầu ngán ngẩm.
Sự khác biệt ấy vẫn là ở khâu đầu tư - cái sự muôn đời “biết rồi, khổ lắm, nói mãi”. Tất nhiên, “nói mãi”, nhưng rốt cuộc đâu lại vào đó. Những chuyến du đấu, Minh vẫn một thân một mình trên đất người, không hề có bóng dáng HLV (không có tiền chi cho HLV đi theo VĐV), chứ đừng nói gì đến bác sĩ thể lực. Trong khi ấy, khỏi phải nói các đối thủ của anh như Lindan, Lee Chong Wei… luôn “hành quân” với một lực lượng hùng hậu nào HLV, nào chuyên gia thể lực, y tế…
Đó là chưa kể cả năm nay, không chỉ Tiến Minh luôn duy trì vị trí trong tốp 10, mà anh còn xếp thứ tư tại Asian Games 16, thành tích tốt nhất của cầu lông Việt Nam từ trước đến nay ở đấu trường này. Đáng nói hơn, tay vợt số 1 Việt Nam còn đại diện cho Việt Nam ghi tên vào danh sách 8 tay vợt mạnh nhất thế giới ở chung kết Super Series 2010 sắp tới ở Đài Bắc. “Tôi chỉ có thể nói, với Tiến Minh và Việt Nam, tham dự giải đấu danh giá này đã là một điều rất tốt rồi”. HLV Asep Suharno khẳng định.
Sự khác biệt giữa “tốp 100” và “tốp 10”
Không nản lòng trước những ý kiến trái chiều luôn tập trung vào mình sau mỗi trận đấu, Minh luôn miệt mài tập luyện và nghiêm khắc với chính mình. Vẫn biết thành công không đo được bằng danh hiệu, nhưng Tiến Minh vẫn thấy buồn khi mọi cố gắng của mình gần đây không được công nhận một cách đúng đắn. Thực sự đã có một sự khác biệt rất rõ rệt trong cái cách báo chí và người hâm mộ nói về anh ở hai thời điểm: cái thời của một Tiến Minh đầy sức trẻ, băng băng vào tốp 100 TG, với cái thời của một Tiến Minh đạt độ chín và ổn định trong tốp 10.
Đôi lúc Minh nhớ lại cái thời ấy, người ta đã cổ vũ cho anh ra sao, và ngán ngẩm cho hiện tại, khi mọi nỗ lực cho các giải đấu luôn bị nhìn phiến diện kiểu “điểm chuyên cần” , “tâm lý kém” hay “đã đến cái dốc bên kia của một VĐV”. “Tôi thực sự rất buồn khi mỗi lần đọc báo, lại thấy có người bảo Tiến Minh gây thất vọng, Tiến Minh tụt hạng… Có lẽ họ nên trực tiếp xem tôi thi đấu ở các giải Super Series để có đánh giá đúng hơn về tôi cũng như các đối thủ mà tôi phải gặp”.
Vì đó là… Minh
Người ta thường chỉ cảm thấy thất vọng khi họ đã quá kỳ vọng. Và có lẽ Tiến Minh là một trường hợp được kỳ vọng như thế.
Đơn giản vì đó là Tiến Minh, chàng trai trẻ đã điền tên Việt Nam lên bản đồ cầu lông thế giới, một thành tích mà trước anh chưa ai làm được, và sau anh, có lẽ không dễ tìm thấy người thứ hai. Chỉ điều đó thôi là quá đủ để anh được kỳ vọng, thậm chí là “bị” kỳ vọng.
Hỏi Minh rằng nếu anh không phải là một VĐV Việt Nam, mà là VĐV của một trong những cường quốc cầu lông như Indonesia, Trung Quốc, thì khả năng của anh có chắc sẽ tiến xa hơn? Minh chỉ mỉm cười. “Thật khó mà trả lời, nhưng tôi nghĩ với những điều kiện đào tạo, tập luyện tốt, mình sẽ thi đấu tốt hơn. Nói như thế không có nghĩa rằng với điều kiện hiện tại thì tôi không thể tiến bộ được nữa”.
“Tôi là một VĐV Việt