Bóng đá Việt Nam: Bài học từ những vị khách

08:33, 03/02/2011

Với nhiều giải đấu, cả chính thức và giao hữu, diễn ra trong năm 2010, bóng đá VN có cơ hội được đón tiếp nhiều ĐT nước ngoài đến thi đấu. Hầu hết trong số họ đều để lại những kỷ niệm đẹp và cả những bài học để chúng ta phải suy ngẫm, nhất là sau khi ĐTVN thất bại tại AFF Suzuki Cup 2010.

Đầu tiên phải là ý chí

Một trong những nguyên nhân quan trọng dẫn đến thất bại của ĐTVN tại AFF Suzuki Cup 2010 được chỉ ra là hầu hết các trụ cột, vốn đã từng nâng cao chiếc Cúp vô địch tại sân Mỹ Đình 2 năm trước, đã không còn giữ được nguyên vẹn khát khao cống hiến.
 
CHDCND Triều Tiên xứng đáng là người thầy lớn đối với chúng ta trên khía cạnh sức mạnh tinh thần. Ở một đất nước cho tới trước năm 2010 vẫn chưa có giải chuyên nghiệp nhưng CHDCND Triều Tiên luôn nằm trong nhóm có trình độ bóng đá hàng đầu châu lục. Chỉ riêng việc đó đã cho thấy ý thức vượt khó của họ lớn như thế nào.
 
Một đội bóng đã từng tham dự World Cup và chạm trán với những ngôi sao hàng đầu thế giới như Kaka, Ronaldo... mà vẫn có thể giống như những chiến binh trong cả 2 giải đấu giao hữu tại VN thì quả là điều rất đáng khâm phục. Đằng sau đó hẳn phải là cả một sự tự hào lớn lao khi được khoác lên mình chiếc áo đấu mang màu cờ Tổ quốc.
 
Thứ đến là kỷ luật
 
Nhưng CHDCND Triều Tiên còn là một ví dụ sinh động khác về tính kỷ luật. Điều này có thể là sản phẩm của “hoàn cảnh lịch sử”. Bởi, giống như Việt Nam cách đây chưa lâu, thể thao quân đội có những ảnh hưởng rất lớn đến thể thao nói chung và bóng đá Triều Tiên nói riêng.
 
Cách các cầu thủ Triều Tiên tập luyện hay thi đấu giống hơn với hình ảnh của những người lính trên thao trường. Thay thế cho những tiếng cười đùa là những khẩu lệnh ngắn gọn, rõ ràng và những cái gật đầu dứt khoát. Kết thúc buổi tập của họ bao giờ cũng là những màn tập trung nghe chỉ đạo rồi hô vang những khẩu hiệu như là một cách thể hiện quyết tâm.
 
Không nhất thiết phải cứng nhắc như một “trại lính” nhưng rõ ràng trong bóng đá, kỷ luật là sức mạnh. Không có gì phải nghi ngờ về điều này. Trong khi đó, nội quy của HLV Calisto đã không ít lần bị học trò vi phạm và đúng là có tồn tại một thứ tâm lý “sợ” cầu thủ trong suốt quãng thời gian trước và trong AFF Suzuki Cup 2010.
 
Tính chuyên nghiệp cũng rất quan trọng
 
Các nhân viên của VFF làm nhiệm vụ dẫn đoàn cho biết, ĐT Singapore là một trong số ít các đội bóng để lại ấn tượng rất tốt đẹp trong những lần đến VN bởi sự chuyên nghiệp của mình.
 
Tính chuyên nghiệp của ĐT Singapore được thể hiện rõ nhất ở nhận thức rất “văn minh” của họ về bóng đá: đơn thuần là một trò chơi chứ không phải là một cuộc chiến. Dù thành công hay thất bại thì thầy trò HLV Avramovic luôn giữ được sự điềm tĩnh của mình. Bóng đá VN trước đây đã từng có một khẩu hiệu rất nổi tiếng: “Thắng không kiêu, bại không nản” nhưng có vẻ bây giờ nó đã bị lãng quên hoặc thay thế bằng những giá trị khác. Tuy chiến thắng trước Singapore nhưng có cảm giác ĐTVN mong manh và dễ bị tổn thương hơn nhiều.
 
Bên cạnh đó, nếu giành ngôi vô địch AFF Suzuki Cup 2010 có thể ĐTVN sẽ còn là quán quân trong khu vực về tiền thưởng. Bởi chỉ ngay sau khi giành thắng lợi 7-1 trước ĐT Myanmar, 7 tỷ đồng thưởng “cứng”, tương đương 360.000 USD đã được treo (và có thể còn nhiều hơn nữa với các khoản “mềm”). Nhưng ĐT Malaysia đã cho tất cả thấy không phải cứ nhiều tiền thì mới là bóng đá chuyên nghiệp. Với 5.000 ringgit mỗi người (tương đương khoảng 1.600 USD), tiền thưởng của thầy trò HLV Rajagobal quả là “muỗi” so với hầu bao của các tuyển thủ ĐTVN trong trường hợp bước lên ngôi cao nhất.
 
Cuối cùng là chiến thuật
 
Không có gì bất ngờ với việc CHDCND Triều Tiên 2 lần vô địch tại Cúp 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội và VFF SONHA Cup, vì với đẳng cấp của mình, họ dư sức làm được điều đó. Nhưng quả là ngạc nhiên với cách ĐT U23 Hàn Quốc (thực chất là U21) thi đấu tại VFF SONHA Cup và ĐT Philippines và ĐT Malaysia thi đấu tại AFF Suzuki Cup 2010.
 
Cả 3 đội bóng này đều lựa chọn những chiến thuật biết mình, biết người và uyển chuyển thay đổi theo tình thế. Đó là lý do họ thu lại được những kết quả không tồi (U23 Hàn Quốc, Philippines) hoặc thành công mỹ mãn (Malaysia). Điều đáng suy ngẫm nằm ở chỗ, đó đều là những đối thủ có tuổi đời trung bình ít hơn ĐTVN và bị đánh giá thấp hơn chúng ta trước giờ bóng lăn.
 
Không tính đến bi kịch của một sự tự tin có phần thái quá, hơn 3 năm qua, ĐTVN đã luôn trung thành với sơ đồ chiến thuật 4-5-1 và các biến thể của nó. Đó là chiến thuật đã đưa ĐTVN đến ngôi vô địch ĐNA và có thể thấy rằng HLV Calisto có niềm tin mạnh mẽ để duy trì một mô hình đã mang lại thành công. Nhưng việc áp dụng chiến thuật một cách quá cứng nhắc cuối cùng đã triệt tiêu khả năng thích ứng của ĐTVN trong từng trận đấu với từng đối thủ cụ thể.
 
Có lẽ nhiều khi không nhất thiết phải “đi một ngày đàng” (sang tận Ấn Độ hay Kuwait để đá những trận giao hữu không có nhiều ý nghĩa về chuyên môn) mà vẫn có thể “học cả sàng khôn” ngay tại sân nhà!