Cơ hội “ngàn năm có một”

10:11, 06/02/2011

"Nếu không quyết liệt cạnh tranh để giành quyền đăng cai ASIAD 18 dự kiến tổ chức vào năm 2019, không biết đến bao giờ chúng ta mới có cơ hội đăng cai Á vận hội - Đại hội thể thao tầm cỡ, được đánh giá là "chỉ dưới tầm Thế vận hội Olympic". Vì vậy, hơn lúc nào hết, rất cần sự chỉ đạo sát sao của lãnh đạo các cấp, sự vào cuộc rốt ráo của các ngành để tận dụng tốt cơ hội "ngàn năm có một" này" - Phó Chủ tịch kiêm TTK UB Olympic Việt Nam Hoàng Vĩnh Giang nhấn mạnh khi trao đổi với báo giới trong những ngày đầu xuân.

 

 - Có hơi quá lời khi nói đây là cơ hội “ngàn năm có một” không, thưa ông?

 

- Tôi không nói quá đâu. Nếu không cố gắng, tập trung quyết liệt để giành quyền đăng cai Á vận hội lần thứ 18-2019 thì sẽ rất lâu, rất lâu nữa chúng ta mới có cơ hội. ASIAD 17 sẽ diễn ra tại Incheon - Hàn Quốc vào năm 2014. Các kỳ tiếp sau, Hội đồng Olympic châu Á (OCA) đổi lịch tổ chức ASIAD vào năm lẻ, theo chu kỳ 4 năm 1 lần, coi như bước đệm chuẩn bị cho Olympic. Thế nên, ASIAD 18 sẽ diễn ra vào năm 2019. Trước đây, chúng ta có đối thủ rất “nặng ký” trong cuộc đua giành quyền đăng cai ASIAD năm 2019 là Hồng Công (Trung Quốc). Nhưng theo thông tin mới nhất, Hồng Công đã chủ động hướng việc xin đăng cai ASIAD 19-2023. Các kỳ tiếp đó sẽ có các đối thủ đầy tiềm lực, như Nhật Bản chẳng hạn, vào cuộc. Khó có cơ hội cho Việt Nam ở các kỳ sau năm 2019 lắm...

 

- Theo ông, Việt Nam có nhiều cơ hội giành chiến thắng trong cuộc đua này ?

 

- Chúng ta có khá nhiều thuận lợi. Thứ nhất, ta có được sự ủng hộ của các nhân vật quan trọng như Chủ tịch Ủy ban Olympic châu Á (OCA) Sheikh Ahmad Al Fahad Al-Sabah, Phó Chủ tịch danh dự OCA Wei Jizhong. Các nhân vật này khi trao đổi với Bộ trưởng Bộ VH,TT&DL Việt Nam Hoàng Tuấn Anh và bản thân tôi đã khẳng định: “Nếu Chính phủ Việt Nam quyết tâm đăng cai ASIAD 18-2019, chúng tôi sẵn sàng ủng hộ”. Họ còn “bật đèn xanh” khi khuyên chúng ta không cần xây mới SVĐ, mà nên tập trung cải tạo, bảo đảm môi trường, giao thông, nâng cấp các cơ sở tập luyện, bể bơi đủ tiêu chuẩn của OCA. Vì vậy, ước tính kinh phí chỉ bằng khoảng 30% so với đầu tư xây mới; và lễ khai mạc, bế mạc vẫn có thể tổ chức ở SVĐ Quốc gia Mỹ Đình. Thứ hai, ta có lợi thế khá rõ khi cạnh tranh với các đối thủ. Hiện tại, có 4 thành phố là ứng cử viên đăng cai ASIAD 18, gồm Hà Nội - Việt Nam, New Delhi - Ấn Độ (đã tổ chức 2 lần), Dubai - UAE, Băng Cốc - Thái Lan (đã tổ chức 4 lần). New Delhi tuy có cơ sở vật chất tốt nhưng khả năng đầu tư kinh phí không nhiều, không có chiến lược chăm sóc sức khỏe toàn dân thông qua TDTT, tình hình an ninh, môi trường, thời tiết... không được đánh giá cao bằng Hà Nội. Còn Dubai, để tổ chức được ASIAD, họ cần xây mới nhiều công trình thi đấu trong bối cảnh nhân lực không dồi dào, tình nguyện viên thì đi thuê là chính. Băng Cốc đã đăng cai 4 lần rồi, vả lại, tình hình an ninh trật tự không ổn định bằng Hà Nội...

 

- Như thế, Hà Nội - Việt Nam là ứng viên sáng giá nhất?

 

- Rất hứa hẹn. Nhưng như đã phân tích, có được sự ủng hộ và thuận lợi khách quan là một chuyện, giành được quyền đăng cai hay không còn phụ thuộc rất nhiều vào các nhân tố chủ quan, sự quyết tâm của Chính phủ và lãnh đạo Thủ đô Hà Nội. Tôi nghĩ, cơ hội của Hà Nội - Việt Nam ở thời điểm hiện tại là 50\50.

 

- Nhưng đăng cai Á vận hội có thực sự là bài toán hiệu quả không, thưa ông? Chúng ta sẽ phải đầu tư rất nhiều, trong bối cảnh còn nhiều nhiệm vụ đặt ra cho phát triển kinh tế - xã hội và thể thao Việt Nam chưa ở tầm châu lục...

 

- Doha, sau khi đăng cai ASIAD 15-2006 đã trở thành một trung tâm mới của vùng Trung Đông, không hề kém so với Dubai - UAE, vốn được mệnh danh là “Hòn ngọc vùng Vịnh”. Còn Quảng Châu, với sự đầu tư cho ASIAD 16, đã trở thành một thành phố lớn với bộ mặt mới, giao thông tốt, cảnh quan xanh - sạch - đẹp, dân trí tăng, kinh tế tăng trưởng, thu hút du lịch mạnh mẽ, tạo nền tảng cho một cuộc nhảy vọt mới. Đăng cai ASIAD là việc đại sự, một cú hích toàn diện cho sự phát triển của quốc gia. Chính vì vậy, Chính phủ đã ban hành Quyết định số 2198/QĐ-TTg ngày 3-12-2010, do Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân ký, về việc phê duyệt Chiến lược phát triển TDTT Việt Nam đến năm 2020, trong đó xác định một trong các đề án trọng điểm cần thực hiện trong giai đoạn 2010-2015 là đề án đăng cai tổ chức Đại hội thể thao châu Á lần thứ 18-2019 tại Việt Nam.

 

Như vậy, cách đặt vấn đề ở đây không phải là “có nên đăng cai ASIAD hay không”, mà là “ta phải làm gì để có thể giành quyền đăng cai và đăng cai thành công”.

 

- Theo ông, đâu là những bước đi cần thiết để Việt Nam có thể nắm chắc cơ hội giành quyền đăng cai ASIAD 18?

 

- Thời gian gấp lắm rồi. Tháng 7-2011, tại Tokyo, OCA sẽ quyết định nước giành quyền đăng cai ASIAD 18-2019. Nhưng hồ sơ phải được hoàn thiện và gửi OCA trước 31-3. Quan trọng nhất lúc này là sự chỉ đạo của Chính phủ đối với Bộ VH,TT&DL và lãnh đạo thành phố Hà Nội cũng như một số tỉnh, thành phố vệ tinh để có được Quy hoạch tổng thể quốc gia cho việc đăng cai ASIAD. Chúng ta không cần xây mới SVĐ, nhưng cần lựa chọn đâu là khu liên hợp thể thao chính: Mỹ Đình có đáp ứng được yêu cầu tổ chức lễ khai mạc, bế mạc không hay cần xây một khu liên hợp thể thao mới? Rồi thì hệ thống giao thông trong nội thành Hà Nội, các cầu qua sông Hồng, xa lộ từ Hà Nội đi các tỉnh lân cận… Những vấn đề ấy đều cần sớm xác định.

 

Chúng ta cũng cần có kế hoạch bàn về kinh phí nộp cho OCA lựa chọn nhân sự cho việc vận động đăng cai, đặc biệt là những người có khả năng giao tiếp không cần thông qua phiên dịch...

 

- Với những việc ông vừa nói, hẳn sẽ có những ngày đầu năm rất bận rộn. Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi.