Bóng chuyền nơi thôn dã

14:34, 09/03/2011

Đã thành lệ, cứ vào dịp 8-3, Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Tân Đức (Phú Bình) lại tổ chức giải bóng chuyền nữ. Hoạt động này không chỉ thu hút sự quan tâm, theo dõi của các chị mà giờ đã trở thành hoạt động văn hóa - thể thao mang tính cộng đồng, được mọi người dân trong xã tham gia, hưởng ứng.

 

Dịp 8-3 năm nay là lần thứ 5 hội viên Hội Liên hiệp phụ nữ xã Tân Đức tham gia thi đấu giải bóng chuyền nữ. Mặc dù những ngày này trời lất phất mưa, đường dẫn đến nhiều xóm lầy lội, trơn trượt nhưng tại các sân tổ chức thi đấu vòng bảng, vòng loại rồi bán kết, chung kết vẫn đông kín cổ động viên. Các vận động viên thể hiện rõ tính chuyên nghiệp thông qua việc am hiểu khá rõ luật chơi và mặc đồng phục thể thao, ghi rõ số thứ tự và tên xóm của mình. Tiếng reo hò, cũ vũ của những người đến xem làm náo nhiệt cả khoảng không gian rộng rãi. Chị Nguyễn Thị Dư, Chi hội trưởng Chi hội xóm Diễn Cầu - cổ động viên trận chung kết giữa 2 đội xóm Quẫn và xóm Tân Ngọc cho biết: Ngoài các trận làm vận động viên, trận đấu nào của các xóm tôi cũng đều tham gia cổ vũ. Qua đó, tôi cũng học hỏi thêm được kinh nghiệm của các đội mạnh. Với quan điểm vui - khỏe là chính, các vận động viên trong Đội của tôi lúc nào cũng tham gia thi đấu hết mình. Hiện, cả xóm tôi có hơn 20 người tham gia luyện tập bóng chuyền thường xuyên. Trừ những ngày mùa bận rộn, còn lại chiều nào cũng vậy, cứ vào khoảng 5 giờ, chị em trong đội bóng chuyền lại thu xếp công việc đồng áng, nhà cửa để tham gia chơi bóng từ 30 phút đến 1 giờ đồng hồ. Ngoài giải đấu chính thức do xã tổ chức, vào các dịp lễ, tết, hội hè, mấy xóm lân cận lại “rủ nhau” tổ chức thi đấu giao hữu. Kinh phí tổ chức do các đội tự đóng góp để trao giải cho đội giành giải Nhất, Nhì. Mỗi lần thi đấu như thế, các thành viên trong Đội lại thấy háo hức và tinh thần luyện tập càng thêm hăng hái.

 

Đến nay, xã Tân Đức đã có 18 đội bóng chuyền, trong đó 17 đội thuộc về 17 xóm và 1 đội là của câu lạc bộ nữ doanh nghiệp. Nói về quá trình hình thành, phát triển môn bóng chuyền nữ của xã, chị Đồng Thị Minh, Chủ tịch Hội LHPN xã Tân Đức chia sẻ: Ban đầu, việc đưa môn bóng chuyền vào các chi hội gặp không ít khó khăn, vì trên địa bàn huyện lúc đó, chưa xã nào có đội bóng chuyền nữ; hầu hết mọi người đều không am hiểu cách chơi… Nhưng với quyết tâm xây dựng cho được mỗi chi hội có 1 đội bóng chuyền nên Ban Chấp hành Hội LHPN xã đã quyết định lấy việc thành lập đội bóng là một trong những tiêu chí để bình xét danh hiệu thi đua cuối năm. Vì thế, cùng với đội bóng của CLB nữ doanh nghiệp, đã có 16/17 xóm thành lập được đội bóng. Do chưa thành phong trào nên có những xóm, thành lập đội bóng chỉ để lấy lệ, khi bước vào luyện tập rất ít người tham gia. Trước thực trạng đó, Hội LHPN xã tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến các chi hội, lấy một số chi hội mạnh để “làm gương” cho các chi hội yếu hơn; cùng với đó, Hội cũng khuyến khích, động viên “đấng mày râu” trong các gia đình hội viên tham gia nên dần dần đã tạo được phong trào ở các xóm. Sang năm thứ 2, xóm còn lại của xã cũng đã thành lập được đội bóng. Từ đó đến nay, vào mỗi buổi chiều, sân nhà văn hóa xóm lại là nơi tập trung để hàng chục chị em chơi bóng chuyền. Cũng kể từ đó, trong các giải thi đấu thể thao của huyện, năm nào, Tân Đức cũng tham gia nội dung bóng chuyền nữ và có 2 năm giành được giải cao. Ngoài các chị trong độ tuổi 30-40, nhiều người năm nay đã “ngoại ngũ tuần” vẫn ham mê luyện tập; không ít gia đình, cả vợ lẫn chồng và con cháu đều tham gia chơi.

 

Được làm cổ động viên trong trận bán kết giữa đội xóm Diễn và xóm Ngoài, chúng tôi thực sự ấn tượng với hình ảnh chị Dương Thị Long (vận động viên xóm Ngoài) tuy bị cụt cả một bàn tay nhưng chơi bóng rất tốt. Chị Long tâm sự: Chơi bóng giờ đã trở thành niềm vui hàng ngày của tôi. Ban đầu, tôi không tham gia. Nhưng sau vài lần làm cổ động viên thấy thích quá nên thử đánh. Thấy mình có thể chơi được nên rất mê.

 

Không chỉ rèn luyện sức khỏe, thông qua các buổi luyện tập, thi đấu, bóng chuyền đã và đang góp phần làm tăng thêm tinh thần đoàn kết trong các hội viên hội phụ nữ cũng như với các thành viên trong xóm. Nhiều xóm như Ngọc Lý, Quẫn, Diễn, Lềnh… bà con còn tự nguyện ủng hộ lên tới vài triệu đồng/năm để đội bóng có thêm kinh phí thi đấu giao hữu và mua sắm đồng phục. Từ phong trào bóng chuyền ở Tân Đức, đến nay, nhiều xã trên địa bàn huyện Phú Bình cũng đã thành lập được đội bóng chuyền nữ, như: Thanh Ninh, Tân Khánh, Tân Hòa…

 

Trong khi đời sống của đại bộ phận người dân còn gặp nhiều khó khăn, chưa có nhiều hình thức để vui chơi, giải trí thì phong trào bóng chuyền nữ đã và đang mang lại nhiều ý nghĩa và hiệu quả thiết thực trong việc nâng cao đời sống tinh thần của người dân xã Tân Đức, nhất là đối với những người phụ nữ vốn chỉ quen với việc chăn nuôi, trồng trọt, chạy chợ. Đây là mô hình hay, hiệu quả mà hội phụ nữ các xã trên địa bàn tỉnh có thể học hỏi kinh nghiệm để triển khai tại địa phương mình.