Góc khuất của những bóng hồng thể thao

16:28, 07/03/2011

Là con gái theo nghiệp thể thao, họ không chỉ hy sinh tuổi thanh xuân và nhan sắc mà còn phải đối mặt với những chấn thương có khi sẽ đeo bám suốt cuộc đời.

 

Hai người đẹp một thời của thể thao Việt Nam là Phương Lan và Thúy Hiền đều yểu điệu thục nữ với vẻ đẹp trời cho. Nhưng nghiệp võ đã khiến cho họ phải đối diện với những chấn thương triền miên. Có những thời điểm cả hai phải dừng tập luyện để chữa trị chấn thương, và những ngày trái gió trở trời là những ngày mà vết thương của họ tái phát. Cả hai người đẹp cùng lận đận về đường chồng con. Thúy Hiền sau một lần đổ vỡ hôn nhân với cựu thành viên ban nhạc Quả Dưa Hấu đã lâu không xuất hiện trong làng thể thao. Còn Phương Lan cũng đang trong cảnh một mình lẻ bóng...

 

Là con gái ai cũng muốn thật xinh đẹp, nhẹ nhàng nhưng đã dấn thân vào nghiệp thể thao thì đến ngay cả dáng đi yểu điệu đôi khi cũng biến mất. Lâu dần họ thành quen với những vất vả, gai góc... Sau khi giành chiếc HC vàng cử tạ hạng cân 69 kg ở SEA Games 25, "voi còi" Phương Loan giơ đôi bàn tay thô ráp với những vết chai rắn đanh và ngón tay vẫn còn đau vì chấn thương. Cô gái có vóc dáng cao lớn và lúc nào cũng cười hồn nhiên đó nhiều lúc chỉ mong ước mình có đôi bàn tay nhỏ nhắn, trắng trẻo và mềm mại như bao người con gái khác. Nhưng những quả tạ khô cứng cùng những buổi tập quần nhau trên nền xi măng với đống dụng cụ tập nặng nề đã khiến cho ước mơ giản dị của Loan cùng bao nữ VĐV cử tạ khác không thành hiện thực.

 

Nguyễn Thị Thiết cũng vậy. Cô gái Hải Dương này, nếu không theo cử tạ, có lẽ vóc dáng cũng mảnh mai. Nhưng đã ôm lấy nghiệp vào thân thì họ phải chấp nhận cho việc thân hình hơi thô một chút, cơ bắp phát triển cuồn cuộn vì thành tích cao.

 

Phải tập luyện ngoài trời nhiều, quanh năm mưa nắng thất thường, các nữ cầu thủ bóng đá khó lòng mà giữ được nước da trắng trẻo. Thế hệ cầu thủ vàng, những người đầu tiên giúp cho bóng đá nữ của Việt Nam ngẩng cao đầu ở khu vực là những người bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Những Kim Hồng, Ngọc Mai, Minh Nguyệt, Bích Hạnh, Thúy Nga... người nào nước da cũng bị cháy nắng. Thời đó, các nữ cầu thủ này thậm chí còn không có khái niệm dùng kem chống nắng nên đến khi da ai nấy đều bị nhuộm màu thì không còn cách gì để chữa được nữa. Thế hệ cầu thủ nữ sau này, do đời sống khá hơn nên sự chăm chút cho sắc đẹp cũng nhiều hơn trước. Hầu hết các chị em đều có ý thức giữ gìn nên sự tàn phá của "tự nhiên" cũng bớt đi chút ít. Các nữ VĐV ở các môn đua thuyền, điền kinh cũng trong tình trạng tương tự. Cứ lâu dần rồi mãi cũng phải quen với nắng gió...

 

Võ sĩ lừng danh một thời Phạm Hồng Hà, người từng giành HC đồng Cup nữ thế giới và nhiều huy chương cao quý của châu lục và khu vực, thì tới giờ vẫn đơn bóng. Chị Hà đã có nhiều năm cống hiến cho karatedo Việt Nam, mải mê tập luyện và thi đấu quên cả chuyện yêu đương rồi thời thanh xuân trôi qua lúc nào không biết. Nhưng nhiều người khác cũng chung số phận với chị.

 

Ở đội tuyển bóng đá nữ thế hệ vàng, chỉ một số ít đã yên bề gia thất. Những Kim Hồng, Minh Nguyệt, Bích Hạnh, Thúy Nga tới giờ vẫn... đi về một mình. Hết thời đỉnh cao, Minh Nguyệt vẫn không thể quên trái bóng. Đang yên ổn với vai trò cô giáo dạy thể dục ở trường Tô Hoàng (Hà Nội), Nguyệt xin về Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Nội để đi theo đội bóng đá nữ Hà Nội, bất chấp vất vả khuya sớm, nắng, mưa với đồng thu nhập thấp. Đến nay Nguyệt vẫn bị chấn thương ở đầu gối hành hạ. Chị cho biết đã quen với những ngày trở trời phải cắn răng chịu đau đớn vì hậu quả của chấn thương.