Tìm kiếm HLV cho bóng đá VN: Cần có sự dung hoà

18:46, 05/03/2011

HLV trưởng Calisto đã nói lời chia tay, nhưng con tàu bóng đá Việt Nam không vì thế mà thiếu đi vị thuyền trưởng khi ngay phía trước đã là những chuyến hải hành quan trọng ở các đấu trường như SEA Games 26, vòng loại World Cup 2014, Olympic London 2012... chính vì thế, VFF (Liên đoàn bóng đá Việt Nam) đã sớm bắt tay vào cuộc tìm kiếm mới với thách thức đã cũ.

 

Từ bài toán "thầy ngoại"

 

Sử dụng HLV nước ngoài dẫn dắt đội tuyển quốc gia, không hề là câu chuyện mới nếu nhìn ra làng cầu quốc tế, đặc biệt là với những nền bóng đá còn đang phát triển. Với năng lực và trình độ cùng kinh nghiệm huấn luyện đỉnh cao, chính các HLV nước ngoài đã góp phần tạo nên bước chuyển lớn về chuyên môn cũng như thành tích.

 

Bóng đá Việt Nam cũng không là ngoại lệ. Trong chặng đường tròn 20 năm trở lại và hội nhập với đấu trường quốc tế (kể từ lần tham dự SEA Games 1991), thành công của bóng đá Việt Nam luôn có sự hiện diện của các ông thầy ngoại. Đó là Karl Heiz Weigang (Đức), người cùng đội tuyển nam quốc gia giành tấm HCB SEA Games đầu tiên tại SEA Games 1995 ở ChiangMai (Thái Lan); là Afred Riedl, HLV có nhiều thành tích nhất ở cả SEA Games lẫn giải vô địch Đông Nam Á và từng đưa đội tuyển Việt Nam vào đến tứ kết Asian Cup (giải vô địch châu Á)... và không thể không nhắc đến ông Calisto, khi ở lần thứ 2 dẫn dắt đội tuyển nam quốc gia, vị HLV người Bồ Đào Nha này để lại dấu ấn lớn với chức vô địch AFF Cup 2008.

 

Tuy nhiên, chính trong 2 thập kỷ đó, việc bóng đá Việt Nam sử dụng đến cả gần chục ông thầy ngoại, trong số đó có người "quay đi, quay lại" tới 3 lần cũng đã chỉ ra cái khó của bài toán ngoại lực này. Những cái lợi về chuyên môn là hiện hữu, nhưng rõ ràng để tìm kiếm được 1 HLV nước ngoài mang đến hiệu quả thực sự luôn là cuộc hành trình khó khăn. Cũng cần phải nói thêm rằng, chính HLV Calisto sau chục năm gắn bó với bóng đá Việt Nam trên nhiều cương vị, mới gặt hái được thành công cùng đội tuyển quốc gia.

Được biết, sau khi HLV Calisto từ chức, VFF sớm lên kế hoạch tìm người thay thế và bước đầu đã có những ứng cử viên nặng ký là người nước ngoài. Tuy nhiên, ở đây vẫn là bài toán đã cũ - HLV có năng lực giỏi, trình độ đạt tầm quốc tế, thì giá không hề rẻ và cũng chưa chắc có đủ sự hiểu biết cần thiết về bóng đá Việt Nam lẫn khu vực, châu lục. Còn với các HLV quen thuộc với bóng đá Đông Nam Á, nếu không vượt qua nổi người tiền nhiệm Calisto thì sẽ là thất bại. Khó chính là ở chỗ đó.

 

Đến nguồn nội lực bị "bỏ quên"

 

Tất nhiên, chưa thể so sánh trình độ với các ông thầy ngoại, nhưng cũng không thể phủ nhận rằng, bóng đá Việt Nam cũng chẳng thiếu những HLV nội đã khẳng định được tài năng của mình dù cơ hội dành cho họ là không nhiều.

 

Hầu hết đều giữ vai trò trợ lý, tuy nhiên, khi được trực tiếp nắm quyền chỉ đạo, các HLV nội cũng kịp để lại nhiều dấu ấn. Đó là HLV Mai Đức Chung, người rất thành công với đội tuyển nữ đã cùng đội U23 nam giành chức vô địch Merdeka Cup 2008 khi vượt qua đội chủ nhà Malaysia, sau đó còn góp công lớn trong việc đưa đội U23 lần đầu tiên vào đến vòng loại Olympic Bắc Kinh 2008 khu vực châu Á cuối cùng. Hay đó còn là HLV Phan Thanh Hùng cùng đội Olympic giành chức vô địch Cúp 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội, vượt qua vòng loại bảng ASIAD 16.          

 

Ngoài những lớp HLV lão làng này, bóng đá Việt Nam còn khá nhiều những gương mặt HLV trẻ đầy tiềm năng, nhiệt huyết và đều trưởng thành từ sân cỏ như Lê Huỳnh Đức, Hữu Thắng, Văn Sỹ, Công Minh... đã và đang gặt hái thành công cùng các CLB tại sân chơi trong nước.

 

Có thể sẽ là sức ép lớn nếu ngay vào thời điểm hiện tại sử dụng thầy nội cho cương vị HLV trưởng. Tuy nhiên, nếu nhìn sang bóng đá Malaysia vừa gặt hái những thành công lớn bằng nguồn nội lực này với 2 chức vô địch liên tiếp tại SEA Games 26 (Lào 2009) và AFF Cup 2010 cùng vị HLV bản xứ là K. Rajagobal thì đó là cách làm mà bóng đá Việt Nam cũng cần phải nghiên cứu, tìm hiểu để rút ra những bài học cho riêng mình.

 

Malaysia đã có cả một thời gian dài chấp nhận tụt lại về thành tích để rồi bùng nổ trên sân chơi quốc tế bằng lứa cầu thủ trẻ và vị HLV nội tài năng nhờ chính sự tin tưởng cùng các cơ chế, chính sách phù hợp.

 

Tóm lạị, bóng đá Việt Nam vẫn mới chỉ ở tầm khu vực và trước khi nghĩ chuyện tiến xa hơn, điều quan trọng là xây chắc nền móng của mình. Sự dung hoà chính là ở chỗ này, nên chăng bên cạnh việc vẫn sử dụng HLV ngoại, thì VFF cũng cần trao nhiều hơn nữa cơ hội cho các HLV nội để hướng tới sự phát triển mang tính bền vững, lâu dài.