"Chất Nghệ" trong đội bóng Sông Lam Nghệ An

09:56, 05/04/2011

Không mạnh miệng, không rầm rộ, đội bóng xứ Nghệ âm thầm vượt qua hàng loạt đối thủ tên tuổi để bước lên ngôi đầu sau vòng đấu thứ 9. Đó là một kỳ tích thực sự, nếu biết rằng Sông Lam Nghệ An (SLNA) bây giờ chỉ là đội bóng thuộc diện "nhà nghèo" ở V-League.

 

SLNA đúng nghĩa là như thế và không phải bây giờ mà kể cả trong quá khứ đội bóng xứ Nghệ luôn thuộc diện khó khăn nhất nhì giải đấu cao nhất của bóng đá Việt, kể từ khi lên chuyên. Cảnh chạy tài trợ để kiếm thêm kinh phí để hoạt động lúc nào cũng là nỗi ám ảnh của lãnh đạo đội bóng này. Và cũng vì chuyện kinh tế, gần như mùa bóng nào SLNA cũng phải đứng nhìn hàng loạt những cái tên xuất sắc nhất của mình ra đi.

 

Tiền thưởng, lương ngoại trừ một vài ngoại lệ dành cho Huy Hoàng hay vài cái tên ít ỏi khác (với những cống hiến, tầm ảnh hưởng) thì phần còn lại so với V-League là một khoảng cách xa vời vợi.

 

Cứ thử dùng một phép so sánh, nếu mỗi trận thắng của Navibank SG có giá cả tỷ đồng thì thầy trò HLV Nguyễn Hữu Thắng chỉ nhận được 1/3 con số đó. Trận đấu nào quan trọng, thắng hay thắng đẹp thì vượt khung cũng chỉ chừng 600 triệu.

 

Hoặc lương của đa phần những cái tên thường đá chính ở xứ Nghệ mùa này (không tính ngoại binh) trung bình chỉ hơn chục triệu/ tháng. Và nếu so với rất nhiều đồng nghiệp khác ở V-League thì con số đó chẳng thể gọi là nhiều, dù xét về năng lực chuyên môn những Trọng Hoàng, Quang Tình, Ngọc Anh... nếu ở đội bóng khác chắc chắn phải nhận được nhiều hơn thế.

 

Đó là về chuyện kinh tế, còn về con người vài mùa bóng qua phương án để SLNA lấp những chỗ trống của người đi chỉ là sản phẩm từ lò đào tạo của mình với những cầu thủ trẻ để chinh chiến ở V-League. Bởi thế, chuyện SLNA chơi thăng hoa sau 9 vòng đấu đã qua quả thực là một kỳ tích.

 

Nhưng đó cũng là chất Nghệ. Với mảnh đất miền Trung đầy gió Lào như ở Nghệ An người ta bảo rằng: Phải có nghị lực thì mới sống được. Chẳng cứ gì các ngành nghề, hay cuộc sống bóng đá cũng thế.

 

Rất thẳng mà nói rằng, nếu chỉ với toàn cầu thủ trẻ như thế đá ở V-League có lẽ SLNA chẳng sớm thì muộn cũng xuống hạng Nhất. Mà Nam Định như là một ví dụ điển hình.

 

Bóng đá Thành Nam có nhiều điểm tương đồng với đội bóng xứ Nghệ, đó là sử dụng toàn là các cầu thủ xuất phát từ lò đào tạo của mình, và cũng chẳng giàu hơn ai hay mùa nào cũng phải đối chọi với cảnh chảy máu nhân tài.

 

Nhưng bây giờ, Nam Định đang vật lộn ở giải hạng Nhất sau khi xuống hạng ở mùa bóng trước. Còn SLNA thì vẫn đang thăng hoa ở giải đấu cao nhất của bóng đá Việt thì đủ để thấy sự khác biệt về bản lĩnh cũng như tinh thần màu cờ sắc áo.

 

Từ chuyên môn vốn rất ổn (vốn được đào tạo cơ bản tốt từ lò Sông Lam) của các cầu thủ, ngoại binh phù hợp với lối chơi. Và trên cả, từ cầu thủ đến người hâm mộ đều rặt chất Nghệ, đều dành tình yêu cho đội nhà cộng với các đối thủ sa sút, chuyện SLNA lên ngôi đầu bảng sau 9 vòng đấu rõ ràng không phải chuyện gì quá ngạc nhiên.

 

Chỉ mong rằng, tinh thần đó bản lĩnh đó của các cầu thủ xứ Nghệ tiếp tục duy trì và biết đâu cuối mùa bóng này khi tròn 10 năm sau ngày SLNA đăng quang V-League chức vô địch sẽ chuyển về miền Trung.