Kế hoạch đăng cai Asiad 18 của Việt Nam: Giấc mơ rất gần

13:54, 16/05/2011

Tại Hội nghị thường niên 2011 của Ủy ban Olympic Việt Nam, một mục tiêu quan trọng đã được khẳng định, đó là việc Việt Nam sẽ thực hiện chiến dịch vận động đăng cai Asiad 18 (năm 2019). Chúng ta đang rất tự tin vào khả năng hiện thực giấc mơ của mình.

 

Sẵn sàng vào cuộc

 

Hồ sơ xin đăng cai của Việt Nam đã gửi đến Hội đồng Olympic châu Á (OCA), sau khi được phê duyệt của Chính phủ. Đây là mục tiêu quan trọng của Thể thao Việt Nam trong chiến lược phát triển giai đoạn 2011-2020. Theo Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Uỷ ban (UB) Olympic Việt Nam – Hoàng Vĩnh Giang, nếu được Chính phủ phê duyệt với một chương trình hành động rõ ràng, cụ thể, chiến dịch của chúng ta mới có sức thuyết phục. Do đó, Ủy ban Olympic Việt Nam trong thời gian tới sẽ lên phương án xây dựng kế hoạch cho chiến dịch một cách cụ thể, sau đó sẽ trình lên Chính phủ. Được biết, OCA sẽ chính thức quyết định trao quyền cho quốc gia đăng cai Đại hội. Từ nay đến lúc đó, Việt Nam sẽ tiến hành các bước chuẩn bị cũng như vận động hành lang. Ông Giang khẳng định, Việt Nam sẵn sàng vào cuộc ngay khi được trao quyền đăng cai.

 

Asiad là một đại hội lớn của châu lục, là cú hích cho sự phát triển toàn diện của những nước đăng cai nên hầu hết các cường quốc ở châu Á đều tập trung cho cuộc đua giành quyền tổ chức sự kiện này. Tin vui với Việt Nam khi đối thủ lớn là Malaysia đã bất ngờ xin rút do chi phí tổ chức quá lớn. Đón nhận thông tin này, ông Giang vui mừng cho biết: “ Vậy là cơ hội đăng cai với Việt Nam đã rộng mở hơn. Gần như chúng ta chỉ có một đối thủ cạnh tranh duy nhất là Dubai (UAE). Tuy họ có tiềm lực về tài chính mạnh hơn chúng ta nhưng lại không có được những cơ sở vật chất về thể thao như Hà Nội. Hiện nay chúng ta đang có những bước vận động và chuẩn bị hết sức chu đáo bởi kết quả được OCA dự kiến sẽ công bố trong tháng 7 tới. Hy vọng Hà Nội sẽ giành được vinh dự này để tạo đà thúc đẩy sự phát triển của thể thao Việt Nam trong tương lai”.

 

Khó khăn nào cũng có cách giải quyết

 

Nhiều ý kiến tỏ ra lo ngại khi cho rằng, hiện tại Việt Nam chưa đủ điều kiện để tổ chức một kỳ đại hội tầm cỡ như Asiad (do những khó khăn về kinh nghiệm tổ chức, cơ sở vật chất, kinh phí và sự phát triển của thể thao...). Hơn nữa, chỉ khoảng 5-6 năm chuẩn bị cho một sự kiện hàng đầu châu lục sẽ khó kịp với Việt Nam. Về vấn đề này, ông Giang cho biết: “Chúng ta đã tạo ra được uy tín lớn với OCA trong lần tổ chức thành công AIG 3 năm 2009, trước đó là SEA Games 23. Ngoài ra, yếu tố chính trị ổn định sẽ là lợi thế không nhỏ của Việt Nam”. Tuy nhiên về kinh phí và công tác tổ chức lại không hề đơn giản. Nếu được đăng cai, nước chủ nhà sẽ phải bỏ ra một khoản chi phí khổng lồ và đó là bài toán không hề đơn giản chút nào. Đó là những khó khăn được nhìn thấy rất rõ nhưng theo ông Giang tất cả đều có cách giải quyết. “Việc Chính phủ đồng ý cho phép Việt Nam xin đăng cai thì cũng đã có những tính toán cụ thể. Và nếu Việt Nam được đăng cai đó chỉ là một trong những công việc đầu tiên cần được giải quyết. Trong khi đó, những công việc chuẩn bị khác như đào tạo huấn luyện viên, vận động viên, chuẩn bị cơ sở vật chất... thì trong 8 năm, Việt Nam hoàn toàn có thể chuẩn bị kịp”, ông Giang khẳng định.

 

Vẫn còn quá sớm để khẳng định mục tiêu lớn này của thể thao Việt Nam có thể trở thành hiện thực hay không. Tuy nhiên chắc chắn trong thời gian tới, Việt Nam sẽ là một trong những quốc gia tham dự chiến dịch vận động để đăng cai Á vận hội lần thứ 18.