Bóng đá Việt Nam đã thực sự chuyên nghiệp hoá ?

15:14, 30/08/2011

Bóng đá Việt Nam đã 11 năm thực hiện chuyên nghiệp hoá với một giải vô địch quốc gia gồm 14 đội bóng mạnh nhất tham dự. Tuy nhiên để có thể nhìn nhận một cách chính xác, khách quan nhất cho việc thực hiện bóng đá chuyên nghiệp ở Việt Nam vẫn còn nhiều băn khoăn. Vậy nên câu hỏi: Bóng đá Việt Nam đã thực sự chuyên nghiệp hoá ? vẫn chưa có được câu trả lời thoả đáng.

Trước hết phải ghi nhận rằng từ khi thực hiện hoạt động theo chuyên nghiệp hoá, giải thi đấu bóng đá của Việt Nam đã có bước khởi sắc nhanh chóng. Chất lượng giải đấu, tính cạnh tranh ngày càng cao và đã được coi là một trong những giải thi đấu bóng đá hấp dẫn nhất khu vực Đông Nam á. Các đội bóng chuyên nghiệp Việt Nam đã là miền đất hứa cho nhiều cầu thủ trên khắp thế giới tìm đến đầu quân. Tại đây các cầu thủ có chất lượng được trả lương cao, thưởng lớn khi có được thành tích thi đấu tốt. Sống tại Việt Nam có môi trường hoà bình, mến khách, trọng nhân tài, giá cả sinh hoạt lại rất rẻ, trong khi thu nhập của cầu thủ ngoại tính bằng tiền USD nên các cầu thủ ngoại có thể làm giàu khi thi đấu bóng đá tại Việt Nam. Về các cầu thủ nội và các huấn luyện viên khi làm việc tại V. League cũng có thu nhập vào hàng hậu hĩnh khi có lương tháng từ vài chục triệu đồng đến cả trăm triệu đồng/tháng; khi chuyển nhượng, cầu thủ giỏi có thể có thu nhập hàng tỷ đồng. Việc sống và làm giàu từ bóng đá chuyên nghiệp đã tạo cho nghề đá bóng là một nghề hạng sang và là niềm mơ ước cho lớp trẻ. Nhiều câu lạc bộ đã quan tâm nhiều hơn tới đào tạo các cầu thủ trẻ để phát triển đội bóng và cũng là một trong những hình thức đầu tư thu lợi nhuận từ chuyển nhượng cầu thủ… Thông qua bóng đá, các doanh nghiệp, các nhà băng, các nhà đầu tư đã quảng bá thương hiệu, tên tuổi của doanh nghiệp, quảng cáo sản phẩm hàng hoá …để thúc đẩy sản xuất, kinh doanh. Những nét đặc trưng nêu trên chính là những kết quả đích thực nhất khi bóng đá Việt Nam thực hiện chuyên nghiệp hoá.

 

Tuy nhiên để có thể thực sự khẳng định tính chuyên nghiệp hoá của các câu lạc bộ theo chúng tôi sẽ còn không ít vấn để các câu lạc bộ cần phải tích cực thực hiện trong quá trình đi lên của mình. Trước hết, tiếng là chuyên nghiệp hoá nhưng tài chính để các câu lạc bộ đang hoạt động với số tiền không hề nhỏ. Một số đội bóng hàng đại gia có thể chi lên tới cả trăm tỷ đồng cho một mùa bóng, trong đó chi phí cho chuyển nhượng cầu thủ, trả lương, thưởng rất cao. Các chi phí tài chính đó hầu hết đều do các doanh nghiệp tài trợ chính hoặc những ông chủ đội bóng chi trả. Nguồn thu từ bóng đá có lẽ không đáng kể. Hiện nay tại các đội bóng chuyên nghiệp của Việt Nam chỉ có 2 đội là B. Bình Dương và Hoàng Anh Gia Lai có được thu nhập từ quảng cáo trên sân, trên áo cầu thủ khoảng trên 10 tỷ đồng/ mùa bóng. Còn các câu lạc bộ khác số tiền quảng cáo không nhiều. Các hoạt động khác mà bóng đá chuyên nghiệp trên thế giới đã và đang tích cực làm và thu bộn tiền là quảng bá hình ảnh các cầu thủ ngôi sao, bán áo, khăn thi đấu và các kỉ vật, biểu tượng lưu niệm, bán bản quyền truyền hình… của câu lạc bộ chưa được quan tâm và cũng chưa có cơ hội phát triển tương xứng ở Việt Nam. Tại một số câu lạc bộ đã triển khai thực hiện nhưng do chưa làm tốt công tác truyền thông, quảng bá và bản thân các câu lạc bộ, các cầu thủ cũng chưa đủ tầm vóc để thu hút sự quan tâm của người hâm mộ. Chính vì vậy việc sôi động trên thị trường chuyển nhượng, trả lương thưởng cao, chi phí thi đấu lớn của đội bóng đều phụ thuộc rất lớn vào sự quan tâm đầu tư của các ông chủ quản lí đội bóng, của doanh nghiệp. Sự đầu tư này sút giảm, đội bóng sẽ teo tóp, thậm chí bị giải thể. Các câu lạc bộ chuyên nghiệp chưa thể sống, làm giàu từ bóng đá. Đây có thể coi như tính chuyên nghiệp trong bóng đá Việt Nam còn thiếu đi tính bền vững trong sự phát triển của mình.

 

Để bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam tiến nhanh, vững chắc và thực sự chuyên nghiệp hoá sẽ còn cần nhiều thời gian. Tuy nhiên thời gian đó kéo dài bao lâu sẽ phụ thuộc rất nhiều vào việc tạo ra cơ chế hoạt động thông thoáng hơn, tính kỉ luật nghiêm khắc hơn để hạn chế tiêu cực; các đội bóng, các cầu thủ cũng phải biêt xây dựng thương hiệu chuyên nghiệp qua tinh thần và sự trung thực trong thi đấu. Từ đó tạo uy tín và sự hấp dẫn để kéo khán giả đến sân cỏ, kéo các doanh nghiệp tham gia quảng cáo sản phẩm, quảng bá thương hiệu thông qua đội bóng. Khi mà bóng đá đủ sức lôi cuốn khán giả một cách mạnh mẽ thì đội bóng sẽ lôi kéo, thu hút được nhiều ngôi sao sân cỏ đến đầu quân. Khi ấy các hoạt động phát triển tài chính của câu lạc bộ sẽ có cơ hội ăn nên làm ra, và bóng đá Việt nam sẽ thực sự là một trong những nền bóng đá chuyên nghiệp phát triển.