Chặng đường chuyên nghiệp vẫn còn gian nan !

09:20, 30/08/2011

Trong thể thao, không gì chán bằng cảnh thi đấu cho vừa lòng nhau, thi đấu theo kiểu dàn xếp. Nhưng nếu thể thao chỉ có khốc liệt, thậm chí đến mức bạo lực thì nó không còn là thể thao đúng nghĩa nữa…    


V-League đi đúng hướng …

 

Chưa bao giờ giải V-League lại khốc liệt như mùa giải vừa qua. Hầu hết các vị trí trên bảng xếp hạng của mùa giải được quyết định bởi vòng đấu sau cùng.

 

Những vòng đấu cuối, khác với nhiều mùa giải, khán giả đến sân đông hơn. Trận đấu của SLNA- Hà Nội T&T quyết định chức vô địch, đông nghẹt khán giả. Thậm chí hàng vạn khán giả không vào được sân. Trận đấu, với nhiều cầu thủ vốn là gốc xứ Nghệ, đã diễn ra rất sòng phẳng, đến tận phút cuối cùng. Hà Nội T&T bị mất chức vô địch chỉ đến phút chót, khi họ vẫn hòa 1-1 và cú sút của họ trúng cột dọc của SLNA.

 

Cách đây dăm năm, có lẽ nằm mơ người ta cũng không thể tin rằng bóng đá Việt Nam có được sự khốc liệt và sòng phẳng đến thế.

 

Khán giả vốn đã quen với những chuyện đội bóng này sẽ thua, đội bóng kia sẽ thắng, sự can thiệp của ông nọ, bà kia. Những thứ luật “vàng”, sân nhà, sân khách. Chuyện trọng tài này là “người nhà” đội X, là “sát thủ” đội Y… V-League 2011 đã giảm rất nhiều những chuyện như thế. Không có ai dám tự mình vênh vang là mạnh nhất, nhưng cũng không có dại gì nhận mình là kẻ kém cạnh. SLNA vô địch trong nước mắt. Dù bị xuống hạng, nhưng rõ ràng Đồng Tâm Long An đã nỗ lực hết mình, sau khi hàng loạt trụ cột của họ ra đi (một điều mà có lẽ khán giả Long An khó hình dung nổi). V-League 2011 nóng bỏng ở mọi khoảng của bảng xếp hạng.

 

Sự cạnh tranh là kết quả của quá trình xã hội hóa bóng đá. Nhiều câu lạc bộ ăn lương của ngành, đá lấy thành tích, như bóng đá quân đội, bóng đá công an, đã chủ động nhường lại sân đấu thể thao cho xã hội. Dù rằng sự chia tay của họ để lại không ít sự trống vắng cũng như nỗi buồn với người hâm mộ, nhưng rõ ràng, gánh nặng về chi ngân sách để đoạt chức vô địch của các tỉnh các ngành không còn nữa. Thậm chí đội SLNA vô địch mùa này là một trong những đội mà tỉnh đầu tư thuộc diện ít nhất. Họ không cần mang tiền tỉnh đi để vận động các đội đá tích cực nữa. Một nền thể thao không dựa quá nhiều vào đồng thuế của dân, đó là thắng lợi của V-League trên đường chuyên nghiệp hóa.

 

Hàng loạt doanh nghiệp đã lấn sân vào thể thao, đặc biệt là ngành ngân hàng. Trận đấu của SLNA với Hà Nội T&T ở lượt đấu cuối cùng, được treo thưởng hàng chục tỷ đồng. Đó là điều mà liên đoàn khó lòng làm nổi, các tỉnh thành càng không.

 

Xét về khía cạnh những người “công nhân thể thao”, nhiều cầu thủ đã có thể sống được bằng đồng lương, bằng tiền thưởng từ chính nghề nghiệp của mình mà không mòn mỏi chờ lương thưởng từ sở, ngành. Tỉnh nào kinh tế phát triển, thu hút đầu tư nhiều, tỉnh đó thể thao nói chung, bóng đá nói riêng, có cơ hội phát triển hơn. Bóng đá Đà Nẵng đang lên, bóng đá Huế đi xuống, điều đó không đơn giản chỉ là thể thao. Nó còn góp phần vẽ nên bức tranh sinh động về kinh tế, xã hội.

 

… nhưng quá khốc liệt

  

Những con số thống kê đã nói lên sự khốc liệt thái quá của V-League 2011. Có tổng cộng 794 thẻ vàng (trung bình 4,36 thẻ/trận), 63 thẻ đỏ (trung bình 0,34 thẻ/trận) đã được rút ra. V-League 2010, số thẻ đỏ được sử dụng là 44 chiếc. Bạo lực luôn nằm trong tình trạng báo động đỏ, năm sau bạo lực hơn năm trước.

 

Người ta đã quá quen với những hình ảnh bạo lực trong các bản tin thể thao, cảm tưởng như phóng viên không còn ý tưởng gì hay hơn thế. Nhưng con số thống kê cho thấy không phải vậy. Bạo lực đã trở thành nỗi ám ảnh với tất cả. Một trận đấu có 3 cầu thủ vào viện (Hoàng Anh Gia Lai – Khánh Hòa, vòng 23), đó là gì, nếu không phải là bạo lực lan tràn ? Cuộc tranh chấp vị trí xếp hạng, đi liền với quyền lợi, tiền thưởng, chỗ làm, uy tín… khiến cho các đôi chân nặng nề trên sân cỏ, những cái đầu thành khó kiểm soát. Khi chuyên môn đã không thắng thế, bạo lực sẽ phát sinh.

 

Nếu bạo lực ngoài sân, cảnh sát sẽ tham gia. Còn trong sân bóng thì sao ? Vai trò của trọng tài, giám sát, ban tổ chức giải mang tính quyết định. Sự can thiệp của lực lượng an ninh, dù đồng phục hay thường phục, là điều tối kỵ. Các trọng tài gánh chịu một sức ép không nhỏ, khi mọi mũi dùi đều chĩa vào họ. Theo thống kê, có 15 trọng tài bị phản ứng đến mức trận đấu phải tạm dừng. 2 trọng tài bị tấn công đến mức lượng an ninh can thiệp. 5 trường hợp HLV bị cấm chỉ đạo từ 2-4 trận. Tuy vậy, nếu trận đấu bị vỡ, chắc chắn không chỉ do các trọng tài. Giọt nước tràn ly. Cuộc cạnh tranh quá khốc liệt cuối cùng đã bùng nổ trên sân vận động mà thôi.

 

Mọi nẻo đường phải hướng về khán giả

 

Bóng đá nếu chỉ là cuộc đua lợi nhuận, từ bán vé, từ tài trợ, bóng đá chỉ còn là hình thức, là một cái bóng nhạt nhòa. Nếu làm bóng đá, chỉ là để đánh bóng thương hiệu, khi đó bóng đá chỉ còn là một món hàng khuyến mãi. Nếu bóng đá chỉ là thành tích, nó sẽ là một thảm họa, các đội bóng không có thành tích sẽ rơi “tự do” không ai thèm đoái hoài. Nếu đá bóng chỉ có lương và thưởng, mỗi trận đấu sẽ đơn giản là một cơ hội để kiếm tiền. Những cái bẫy, của một nền thể thao bị thị trường hóa ở dạng thô thiển nhất, sẽ chăng ra và nuốt chửng các đội bóng lẫn các cầu thủ. Đó là tình trạng của V-League thời gian qua.

  

Khi doanh nghiệp nào đó buông bỏ đội bóng, cũng đồng nghĩa tất cả sẽ chìm vào bóng tối mãi mãi. Mà với doanh nghiệp, chuyện phá sản là chuyện rất bình thường. Nền bóng đá không thể chỉ xây dựng dựa trên lưng các đại gia. Những đại gia kinh tế của Việt Nam, lại gánh trên nó không ít những sức ép khác.

 

Các chuyên gia đã nhận xét rất chí lý, khi phần lớn tiền thưởng mùa vừa qua dành cho đội bóng, là nhằm có kết quả tích cực, nhằm vào chiến thắng trước mắt. Năm 2011, tiền đầu tư cho các đội bóng trẻ không đáng là bao. Các trung tâm đào tạo bóng đá trẻ như Nghệ An, Đồng Tháp, Đồng Tâm, Nam Định… đều gặp không ít khó khăn. Thậm chí cả Đồng Tâm và Nam Định đều trượt dài vì thiếu cầu thủ chất lượng. Các nhân tố mới, cầu thủ trẻ suất sắc như Trọng Hoàng, Văn Quyết, hiếm hoi như lá mùa thu.

 

Các cầu thủ ngoại vẫn là con bài chủ trong các ván bài của V-League. Dĩ nhiên, trong thời toàn cầu hóa, không có đội bóng nào trên thế giới chỉ dựa vào cầu thủ do CLB đào tạo, nhưng nhìn tổng thể, nền bóng đá của Việt Nam phải do các cầu thủ Việt Nam đảm nhiệm. Đó là chưa kể hệ lụy từ lối đá “ăn xổi ở thì” của các cầu thủ ngoại. V- League 2011, án phạt nặng nhất lại thuộc về cầu thủ Samson của Cao su Đồng Tháp (treo giò 5 trận). Trong khi đó, V-league với nhiều cầu thủ ngoại, chẳng qua là bến đỗ, trước khi họ tìm được giải bóng đá tốt hơn. Điển hình là Samson Kayode, cầu thủ đã ghi 43 bàn tại V-League trong màu áo TĐCS Đồng Tháp sau đó đã đầu quân cho Atletico Madrid.

 

V-League phải khốc liệt, ngày càng khốc liệt. Nhưng nó không nên là sự khốc liệt của thành tích, của tiền thưởng, chuyển nhượng. Nó phải khốc liệt dựa trên tình yêu của người hâm mộ, sự an tâm cống hiến của các cầu thủ, huấn luyện viên, trọng tài… Cảm giác của người yêu bóng đá, đó là mỗi chiều cuối tuần được thưởng thức những “bữa tiệc” bóng đá, chứ không phải là những màn đánh đuổi nhau trong và ngoài sân cỏ.

 

Không ngạc nhiên, nếu không nói là hợp lý khi kết thúc V-League 2011, ước tính trung bình mỗi trận đấu, có trên 7.300 người đến sân, thấp hơn số khán giả trung bình của mùa giải trước khoảng 1.000 người/trận. Các khán giả có vẻ như đã mệt mỏi, chán ngán sau những trận bóng đá hấp dẫn thì ít mà lo lắng thì nhiều. Nên các sân nhiều khán giả như Lạch Tray, Vinh, Bình Dương đã sụt giảm từ 2.000-4.000 khán giả mỗi trận.

 

Đã bao giờ bóng đá Việt Nam quan tâm đến việc khán giả bình chọn trận đấu nào đẹp nhất từng vòng đấu hay chưa ? Số lượng bán vé sụt giảm từng trận, có đáng để liên đoàn bóng đá quan tâm hay không ?

 

V-League cần thay đổi căn bản từ cách thức xây dựng nên nó. Chuyên nghiệp hóa, không đơn giản là chuyển từ bóng đá bao cấp sang bóng đá thị trường. Chuyên nghiệp, tức là phải hướng bóng đá đến khán giả. Như cách nói nôm na của người xứ Nghệ: “Đá cho dân sướng, đá cho dân yêu”.