Võ Việt tưng bừng ra biển lớn

07:44, 03/08/2011

Kể từ khi Việt Nam đưa môn võ thuật của dân tộc thành môn thể thao thu hút thế giới tham gia, những kết quả đạt được nằm ngoài tưởng tượng của bất kỳ người làm võ nào.

Sau 4 ngày tranh tài sôi nổi tại nhà thi đấu Phú Thọ, TP. HCM, ngày 31/7, Giải vô địch thế giới Vovinam lần thứ 2 đã chính thức khép lại với chiến thắng chung cuộc dành cho đội tuyển nước chủ nhà. Ở lần tổ chức thứ 2, Giải vô địch Vovinam thế giới đã đánh dấu một bước trưởng thành của môn võ Việt Nam trên hành trình quốc tế hóa.

 

Tổng cộng có hơn 300 quan chức, HLV, VĐV của 21 quốc gia và vùng lãnh thổ như Indonesia, Iran, Nga, Algieri, Pháp, Italy, Ấn Độ, Đức, Ba Lan, Rumani, Belarus, Bỉ, Morocco… tới dự. So với giải lần 1 cách đây 2 năm tại nhà thi đấu QK7, số lượng các đoàn tham dự tăng gần gấp đôi. Các VĐV dự tranh 40 bộ huy chương biểu diễn quyền và đối kháng. Tại giải, chủ nhà Việt Nam tham dự đông nhất với 42 võ sĩ và bảo vệ thành công ngôi vô địch với 20HCV- 4HCB - 2HCĐ. Đoàn Iran xếp hạng nhì với 5HCV-2HCB-3HCĐ và hạng ba là đoàn Pháp (4V-3B). Được biết, giải vô địch châu Âu năm 2012 sẽ tổ chức tại Milan (Italy).

 

Thưởng thức những màn so tài ngoạn mục của các võ sỹ, khán giả Việt Nam còn ngập tràn cảm giác vui mừng và tự hào. Chỉ trong vòng 4 năm trở lại đây, kể từ khi Việt Nam phất cờ đẩy mạnh việc quốc tế hóa Vovinam, đưa môn võ thuật của dân tộc mình thành môn thể thao thu hút được thế giới đầu tư và tham gia thi đấu, những kết quả đạt được nằm ngoài tưởng tượng của bất kỳ những người “làm võ” nào. Trong thời gian ngắn, hệ thống các liên đoàn điều hành vovinam thể thao đã được hoàn thiện khá nhanh: cụ thể năm 2008 thành lập Liên đoàn Vovinam thế giới, năm 2009 thành lập Liên đoàn châu Á, năm 2010 thành lập Liên đoàn châu Âu, Liên đoàn Đông Nam Á và Ban vận động thành lập Liên đoàn châu Phi.

 

Đặc biệt, sau khi Vovinam được đưa vào chương trình thi đấu chính thức của Đại hội Thể thao trong nhà châu Á lần 3 (năm 2009 tại Việt Nam), các nước bắt đầu quan tâm và có kế hoạch đầu tư. Ở khu vực Đông Nam Á đến nay đã có 8 nước tập vovinam, trong đó 4 nước là: Việt Nam, Lào, Campuchia, Indonesia đăng ký dự môn Vovinam tại SEA Games 26.

 

Trên bình diện châu Á, sau màn Vovinam chào sân tại Đại hội Thể thao trong nhà châu Á lần 3, Phó Chủ tịch Hội đồng Olympic châu Á (OCA), ông Ali Abadi (người Iran) cũng rất yêu thích môn võ Việt Nam và ủng hộ việc phát triển vovinam trên toàn châu lục, hướng tới đưa môn này có mặt tại các sự kiện lớn mà OCA tổ chức.

 

Tổng Thư ký Liên đoàn Vovinam thế giới Võ Danh Hải nhận xét: “Giải vô địch thế giới lần 2 đã chứng tỏ một bước phát triển mới của Vovinam, đặc biệt khi mái nhà chung Vovinam được phủ ngày một nhiều hơn ở các châu lục và khu vực, giúp Liên đoàn Vovinam thế giới điều hành tốt hơn phong trào quốc tế. Bên cạnh đó, việc Vovinam có mặt trên những sân chơi lớn mà tới đây là SEA Games 26 - 2011 và Đại hội Thể thao võ thuật - trong nhà châu Á - 2012, góp phần tăng thêm sức ảnh hưởng quốc tế của môn thể thao made in Vietnam”. Ông Võ Danh Hải cho biết thêm, sau SEA Games 26, Liên đoàn Vovinam thế giới đang làm việc với nước chủ nhà Myanmar để tiếp tục đưa môn này vào kỳ SEA Games 27.

 

Chiến thắng của đoàn Việt Nam tại Giải vô địch Vovinam thế giới dự báo một mùa vàng của đoàn quân Vovinam trên đất Indonesia vào cuối năm nay. Bên cạnh việc chuẩn bị lực lượng VĐV, phía Việt Nam còn có một nhiệm vụ quan trọng: hỗ trợ Indonesia trong công tác tổ chức thi đấu môn này tại SEA Games 26. Cụ thể, vào tháng 9 tới, đội ngũ chuyên gia Vovinam Việt Nam sẽ tới hỗ trợ nước bạn Indonesia tổ chức giải Vovinam tiền SEA Games tại Jakarta. Đây cũng chính là bước thử quan trọng đối với BTC Vovinam SEA Games 26 trước khi bước vào sự kiện lớn./.