Xuất khẩu cầu thủ

08:34, 06/09/2011

Lâu nay, chuyện Việt Nam nhập khẩu cầu thủ bóng đá đã trở thành quen thuộc khi V. League đã đi được chặng đường 11 năm thực hiện chuyên nghiệp hoá. Tuy nhiên một thực tế đã và đang được nhiều người quan tâm đó là chuyện bóng đá Việt Nam xuất khẩu cầu thủ. Đây thực sự là một tín hiệu vui cho sự phát triển của bóng đá nước nhà và cũng là sự đi lên tất yếu của bóng đá chuyên nghiệp trong quá trình hội nhập bóng đá thế giới của Việt Nam.

Trước hết để có được sự quan tâm của các nền bóng đá trong khu vực và thế giới, bóng đá Việt Nam phải có bước tiến nhất định, khẳng định đẳng cấp của các giải đấu trong nước cũng như trình độ chuyên môn, thành tích của đội tuyển quốc gia. Tại giải vô địch quốc gia và giải hạng nhất, các câu lạc bộ của Việt Nam đã là nơi thu hút nhiều cầu thủ có chất lượng từ các nước châu Phi, Nam Mỹ, châu Âu đến đầu quân. Vì vậy chất lượng của giải thi đấu đã được nâng cao và đang được đánh giá là một trong những giải thi đấu hấp dẫn bậc nhất Đông Nam á. Trên phương diện đội tuyển quốc gia, đội tuyển Olimpíc, trong khoảng một thập kỷ qua cả hai đội tuyển đều đã có những tiến bộ đích thực. Đội tuyển bóng đá quốc gia đã vào vòng 2 tại Asian Cúp 2007 và đoạt AFF Cúp năm 2008; đội Olimpíc đoạt huy chương Bạc, Đồng tại nhiều lần tham dự Seagames...

 

Chính những tiến bộ đó, bóng đá Việt Nam đã được các nền bóng đá khác quan tâm. Đầu tiên là Trung phong Lê Huỳnh Đức đã đầu quân cho đội Lifan (Trung Quốc), tiếp đó là chân sút số 1 Việt Nam đã được thi đấu tại giải vô địch Bồ Đào Nha trong đội hình đội Leixoes… Mới đây, theo nhận định của nhiều nhà chuyên môn, Lê Công Vinh vẫn đang được một số câu lạc bộ của Cộng hoà Séc, Thái Lan quan tâm và sẵn sàng thương lượng để Công Vinh về thi đấu. Ngoài Lê Công Vinh, các cầu thủ có trình độ chuyên môn tốt như: Văn Quyết, Thành Lương, Trọng Hoàng … cũng luôn được nhiều câu lạc bộ trong khu vực, châu á chú ý và nếu ưng thuận sẽ có cơ hội được ra nước ngoài thi đấu.

 

Bóng đá Việt Nam đang phát triển đúng hướng. Tính từ thời điểm bóng đá Việt Nam thực hiện chuyên nghiệp hoá đến nay đã có bước tiến khá dài và trở thành một trong những quốc gia có nền bóng đá phát triển hàng đầu Đông Nam á. Các cầu thủ Việt Nam tuy thể hình nhỏ nhưng lại rất dẻo dai, khoé léo và có tư duy chiến thuật tốt. Nếu các cầu thủ Việt Nam được cọ sát trong môi trường bóng đá chuyên nghiệp, đẳng cấp cao sẽ ngày càng được nâng cao về trình độ chuyên môn. Đó chính là điều kiện để tăng thêm kinh nghiệm thi đấu, tính chuyên nghiệp cho các cầu thủ Việt Nam.

 

Hiện tại trong khu vực Đông Nam á mới chỉ có Thái Lan là nước có khá nhiều cầu thủ đi thi đấu tại nước ngoài, trong đó chủ yếu là tại khu vực và châu á; Việt Nam là nước mới bắt đầu có cầu thủ ra nước ngoài thi đấu. Điều này cho thấy bóng đá Đông Nam á vẫn là vùng trũng của châu á và thế giới. Vì vậy việc tạo điều kiện để các cầu thủ Việt Nam ra nước ngoài thi đấu là hết sức cần thiết và đáng hoan nghênh để bóng đá Việt Nam hội nhập nhanh với châu lục và thế giới.