Wushu Thái Nguyên vươn lên trong khó khăn

09:24, 26/10/2011

Không có địa điểm tập luyện riêng, dụng cụ tập luyện đều tự túc, thậm chí khi tham gia thi đấu, các bậc phụ huynh tự nguyện đóng góp nguồn kinh phí…

Không có địa điểm tập luyện riêng, dụng cụ tập luyện đều tự túc, thậm chí khi tham gia thi đấu, các bậc phụ huynh tự nguyện đóng góp nguồn kinh phí… nhưng huấn luyện viện (HLV), vận động viên (VĐV) bộ môn Wushu taolu (Trường Năng khiếu thể thao tỉnh) đã khắc phục mọi khó khăn, vượt qua 28 tỉnh, thành phố dành giải Nhì toàn đoàn (sau đoàn Hà Nội) tại Giải Wushu trẻ toàn quốc vừa diễn ra tại Thái Nguyên.

 

Chúng tôi có mặt ở nơi tập luyện của thầy và trò môn Wushu taolu tại nhà vòm thuộc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, đây cũng là địa điểm tập luyện của HLV, VĐV môn Karatedo, Takewondo. Một không gian tập luyện thiếu ánh sáng, thảm tập đã cũ… nhưng cũng phải chia thành 3 ca. HLV Dương Mạnh Lương chia sẻ: Do các VĐV Wushu taolu đều đang trong lứa tuổi học sinh nên các VĐV phải chọn ca 3 để tập huyện (từ 17 giờ đến 19 giờ các ngày trong tuần, trừ Chủ nhật). Sân tập không đủ ánh sáng đã ảnh hưởng rất nhiều đến việc luyện tập của các VĐV, hơn nữa, dụng cụ, binh khí luyện tập hàng ngày lại không có (chỉ được trang bị khi tham gia các giải đấu). Thảm tập cũng không đủ tiêu chuẩn đối với VĐV Wushu về độ đàn hồi, không có lưới bảo hiểm nên dễ gây chấn thương khi thực hiện các động tác trên không. Mái nhà vòm lợp bằng nhựa, qua thời gian đã ải, vỡ nên những ngày mưa phải nghỉ tập… Ngày thường tập luyện đã vậy, nhưng thời gian chuẩn bị tham gia giải đấu (giải trẻ tổ chức 1 lần/năm) thì thầy và trò cần tập trung cao độ để tập luyện trong thời gian khoảng 2 tháng. Tuy nhiên, tất cả đều được thực hiện trên tinh thần xã hội hóa trong khi các bộ môn thể thao thành tích cao khác có kinh phí tập huấn thi đấu riêng.

 

Hiện nay, môn Wushu taolu có 20 VĐV (9 VĐV được phong VĐV cấp I Quốc gia), trong đó có 15 VĐV được hỗ trợ tiền ăn 30.000 đồng/ngày và tiền công tập luyện 15.000 đồng/ngày (26 ngày/tháng), còn lại 5 VĐV tham gia đội tuyển phải tự túc hoàn toàn. Ông Tống Duy Cương, Hội trưởng Hội cha mẹ học sinh lớp Wushu cho biết: Trước khi tham gia các giải đấu, Hội cha mẹ học sinh cùng với HLV phải họp bàn thống nhất số tiền đóng góp để cùng với Nhà trường đưa các VĐV đi thi đấu. Ngoài đóng góp tiền cho con tham gia thi đấu, thì mỗi VĐV đều có 1 phụ huynh đi kèm (tự túc ăn ở, đi lại… trong suốt thời gian diễn ra giải). Trang phục thi đấu, các bậc phụ huynh đều tự mua sắm (khoảng 1 triệu đồng/bộ). Năm nay là năm thứ 6 con trai tôi tham gia tập luyện bộ môn này, nhiều lúc chúng tôi cũng thấy nản khuyên con nghỉ để tập trung học văn hóa, nhưng các cháu rất thích môn thể thao này nên đành chiều con vậy!

 

Chị Nguyễn Thị Phúc (thị trấn Chùa Hang, Đồng Hỷ) có con trai tham gia tập luyện được 2 năm cho rằng: Các cháu đam mê nên cha mẹ khắc phục khó khăn, chứ một tuần 6 buổi chiều đưa đón con, ngồi vạ vật ngoài đường chờ đợi cũng vất vả nhưng đổi lại thấy con khỏe mạnh, nhanh nhẹn, hoạt bát lại thấy vui và có thêm động lực để động viên các cháu tập luyện tốt hơn…

 

Khi trò chuyện có bậc phụ huynh còn nói rằng: Kêu khổ làm gì có thay đổi được gì đâu. Nhìn lên mái nhà thấy cả trời, mấy tháng nay rồi mà không thấy sửa chữa; bóng đèn không đủ ánh sáng, sân tập trơn trượt… cũng may mà có HLV giỏi, nhiệt tình nên hai năm nay nhiều người mới biết đến đội tuyển Wushu trẻ Thái Nguyên.

 

HLV Dương Mạnh Lương, sinh năm 1984, là VĐV Wushu đạt được nhiều thành tích, 5 năm liền là Kiện tướng Quốc gia, giành Huy chương (HC) Vàng Giải Vô địch Wushu toàn quốc, HC Vàng Đại hội TDTT toàn quốc năm 2002 và đã từng là VĐV Đội tuyển Quốc gia từ năm 2001-2003. Năm 2003, anh bị chấn thương, về Thái Nguyên thi đỗ Khoa Giáo dục thể chất, Trường Đại học Sư phạm. Tốt nghiệp đại học năm 2007, anh về làm cộng tác viên của Trung tâm TDTT tỉnh (Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch), tham gia huấn luyện 3 nội dung: quyền (trường quyền, nam quyền, thái cực quyền), binh khí ngắn (kiếm thuật, đao thuật, nam đao), binh khí dài (côn thuật, thương thuật, nam côn). Đầu năm 2010, HLV môn Wushu chuyển công tác, nên anh được giao nhiệm vụ dẫn dắt, huấn luyện đội tuyển. Anh rất lo lắng, vì đây là thử thách đầu tiên của thầy và trò nhưng cũng là dịp để anh khẳng định năng lực của mình với các cấp lãnh đạo. Với suy nghĩ đó, anh đã dành nhiều thời gian, tâm huyết để truyền đạt cho các học trò của mình những kiến thức đã tích lũy được trong gần chục năm tập luyện, thi đấu. Từ kinh nghiệm thực tế, trực tiếp thi đấu đạt kết quả cao của mình, anh dễ dàng chuyển tải những "bí quyết" cho các VĐV trẻ. Kết quả, tại Giải Wushu trẻ toàn quốc năm 2010 tổ chức tại Thủ đô Hà Nội, đoàn Thái Nguyên có 20 VĐV tham gia thì đã xuất sắc giành được 31 HC các loại, đứng thứ Nhì toàn đoàn; tại Giải Wushu trẻ toàn quốc năm 2011 diễn ra tại Thái Nguyên, đoàn VĐV Thái Nguyên cũng xuất sắc giành 8 HC Vàng, 9 HC Bạc, 11 HC Đồng, xếp thứ Nhì toàn đoàn. Anh Lương cho biết thêm: Để đào tạo được một VĐV tham gia thi đấu đạt được thành tích thì ngay từ khâu tuyển chọn VĐV kế cận cũng phải thực hiện rất kỹ lưỡng, thậm chí đến các trường mẫu giáo để tuyển chọn. Các cháu từ 5-9 tuổi sẽ được huấn luyện để tham gia thi đấu lứa tuổi dưới 13. Nhiều VĐV 2 năm liền dành HC Vàng lứa tuổi dưới 13 như: Khương Thị Thùy Trang, Nguyễn Tùng Bách, Nguyễn Hiền Thương, Nghiêm Trọng Tùng… Đây chính là lực lượng kế cận để tham gia Giải ở lứa tuổi trên.

 

Đồng chí Tạ Đình Chiến, Phó Hiệu trưởng Trường Năng khiếu thể thao nhận xét: Từ khi giao cho HLV Dương Mạnh Lương dẫn dắt đội tuyển Wushu taolu thì Thái Nguyên đã được xướng tên ở vị trí cao nhất (đạt HC Vàng) tại giải toàn quốc và có thành tích vượt lên nhiều tỉnh, thành phố có truyền thống cũng như kinh phí đầu tư đào tạo VĐV, như: T.P Hồ Chí Minh, Quảng Ninh, Vĩnh Phúc… Tuy nhiên, bên cạnh sự nhiệt tình, tâm huyết, có năng lực của HLV, sự say mê luyện tập của VĐV thì vấn đề cơ sở vật chất để luyện tập cũng rất quan trọng, tôi nghĩ rằng, nếu được quan tâm đầu tư hơn nữa về sân tập, binh khí, chế độ… thì vị trí số 1 của đội tuyển Wushu tao lu Thái Nguyên là trong tầm tay…