Bóng đá Việt Nam sẽ rơi xuống tốp cuối trong khu vực, nếu …

16:06, 22/11/2011

Nhìn nhận thẳng thắn và công bằng thì thất bại của đội tuyển bóng đá U- 23 Việt Nam là hoàn toàn xứng đáng với thực lực và vị trí thứ 4 cũng là một thành công may mắn. Thử hỏi nếu trong bảng B có thêm Singapore hay Thái Lan thay cho Philipin, Đông Timor thì liệu đội Việt Nam có vào được bán kết hay không ? Với màn trình diễn như vừa qua thì chắc là không thể.

Vậy nên chúng ta cũng không nên buồn hay đổ lỗi, chê trách cầu thủ hay HLV về kết quả quá kém cỏi đó. Họ thực sự lực bất tòng tâm trước sự tiến bộ, lớn mạnh của đối thủ, bởi sức ta kém, chỉ có thế; ta dậm chân tại chỗ, đi xuống còn bạn bè tiếp tục đi lên. Nếu cứ đà này có lẽ không lâu nữa, bóng đá Việt Nam sẽ rơi xuống tốp cuối của khu vực Đông Nam Á. Hiện nay với trào lưu nhập tịch, các đội Đông Timor, Philipin sẽ nhanh chóng có được sức mạnh không kém ta. Các nước khác như Lào, Myanmar với những tiến bộ trông thấy chắc chắn sẽ cạnh tranh mạnh mẽ với Việt Nam và rất có thể sẽ vượt qua Việt Nam như Myanmar vừa qua.

 

Bằng chứng là chúng ta thua Myanmar toàn diện trong 2 trận đọ sức tại vòng bảng và trận tranh Huy chương Đồng; Việt Nam cũng thắng quá chật vật trước Lào trong trận đấu cuối vòng bảng. Còn các đội khác được đánh giá là ngang hàng Việt Nam trong những năm qua như: Malaysia, Indonesia, Singapore cho thấy họ đã tiến rất mạnh mẽ. Ngoại trừ Thái Lan vẫn ở một đẳng cấp hơn hẳn trong khu vực, thì hãy nhìn các cầu thủ Malaysia, Singapore, Indonesia thi đấu cho thấy họ có một dàn cầu thủ thật sự có trình độ chuyên môn tốt, thể lực tuyệt vời, thể hình vượt trội và đặc biệt là tinh thần thi đấu và bản lĩnh trận mạc được tôi rèn. Các cầu thủ trẻ của các đội đó thi đấu rất chuyên nghiệp và với tinh thần quyết thắng. Trận chung kết bóng đá SEA Games 26 thật sự là một trận đấu đỉnh cao mà đội U - 23 Việt Nam phải ngước nhìn, người hâm mộ Việt Nam không biết bao giờ mới được chứng kiến các cầu thủ Việt Nam làm được như các cầu thủ Malaysia đã và đang làm.

 

Thấy được vị trí thực của mình qua thất bại, qua đó đứng dậy và làm lại để khẳng định vị thế của mình chính là điều mà người hâm mộ mong đợi ở những người có trách nhiệm làm bóng đá Việt Nam và cả lòng tự tôn vì màu cờ sắc áo của các cầu thủ. Có lẽ cái được coi là bóng đá Việt Nam phát triển trong thời gian qua đang thiếu thực tế. Chúng ta quá ảo tưởng với một giải vô địch quốc gia và hạng nhất được coi là hấp dẫn nhất khu vực khi mà các đội có tới phần nửa đội hình là các cầu thủ ngoại hay cầu thủ nhập tịch thi đấu. Vậy các cầu thủ trẻ Việt Nam lấy đâu ra cơ hội để nâng tầm kỹ thuật và bản lĩnh khi họ được gọi vào đội tuyển quốc gia? Hơn nữa, các cầu thủ cũng bị thị trường chuyển nhượng bóng đá Việt Nam làm lụn bại đi ý chí phấn đấu, cống hiến do họ chưa đủ tài đã được coi như những ngôi sao, tiền chuyển nhượng hàng tỷ đồng, tiền lương ngất ngưởng hàng chục triệu đồng… và sự ngộ nhận ấy vô hình chung làm cho không ít cầu thủ thi đấu giữ chân để chờ thời, là ngôi sao rồi thì luyện tập chểnh mảng, thi đấu điệu đà, đỏng đảnh, kiêu binh … Vì thế không khó lý giải khi mà có không ít cầu thủ thi đấu không hết mình trong đội tuyển, thậm chí có cầu thủ còn thoái thác nhiệm vụ khi được triệu tập vào các đội tuyển quốc gia.

 

Theo đánh giá của rất nhiều người hâm mộ thì hiện nay thu nhập của các cầu thủ bóng đá đỉnh cao tại Việt Nam ở mức các nước trung bình của châu Âu, nhưng đẳng cấp thì còn kém xa họ. Còn đối với các nước trong khu vực thì thu nhập của các cầu thủ Việt Nam là điều mơ ước. Vậy tại sao các cầu thủ vào hạng nghèo so với Việt Nam như Myanmar, Lào, Indonesia vẫn thi đấu hết mình với đội tuyển và tiến bộ rõ rệt. Có lẽ đã đến lúc chúng ta cần phải đưa bóng đá Việt Nam về đúng giá trị thực của nó và điều cốt lõi làm cho bóng đá phát triển không phải chỉ do tiền quyết định mà quan trọng hơn là phải có cơ chế và cách làm tiên tiến thích hợp hơn.

 

Thảo Linh