Chuyện về chàng trai tật nguyền và những tấm huy chương

15:53, 13/11/2011

Cái tên Hoàng Phạm Thắng đã bắt đầu trở nên quen thuộc đối với nhiều người yêu thích môn thể thao cầu lông dành cho người khuyết tật, bởi liên tục từ năm 2006 đến nay anh đã giành được 16 huy chương các loại, trong đó có 6 huy chương thuộc về các giải đấu quốc tế. Mới đây, tại Đại hội thể thao người khuyết tật châu Á (ASIAN PARA Games) năm 2010 được tổ chức vào tháng 12/2010 tại Quảng Châu (Trung Quốc), Hoàng Phạm Thắng đã mang về cho đất nước tấm HCV ở nội dung đơn nam. Ít ai biết được rằng, để có được những thành công đó chàng trai tật nguyền Hoàng Phạm Thắng đã phải trải qua nhiều khó khăn, nỗ lực để có trong tay những thành công như ngày hôm nay.

Từ niềm đam mê thể thao

 

Một ngày đầu tháng 11/2011, chúng tôi đến Tổ dân phố 4, phường  Mỏ Chè T.X Sông Công, nơi Hoàng Phạm Thắng và gia đình đang sinh sống.

 

Tiếp chúng tôi, mẹ anh là bà Phạm Thị Thanh không giấu được xúc động khi kể về cậu con trai tật nguyền: Ngày 22/10/1979, khi sinh Thắng ra, bà đã phát hiện bên chân trái của con trai không được khỏe, chữa trị mãi cũng không thấy tiến triển, 4 tháng sau, chân trái của Thắng bị liệt hẳn, tìm hiểu ra mới biết đó là do di chứng chất độc da cam từ những ngày bố của Thắng cùng đồng đội tham gia chiến đấu ở chiến trường Quảng Trị. Bà ngậm ngùi: “Thấy con sức khỏe kém nên tôi luôn khuyến khích cháu tập thể dục thể thao để rèn luyện sức khỏe, năm mới lên 7 tuổi cháu hay xin mẹ cho đi xem và học đánh cầu lông với các cô chú ở Nhà máy Diezel, Tôi không ngờ cháu lại có năng khiếu đánh cầu. Các cô chú trong nhà máy rất quý và khen cháu đánh cầu nên tôi cũng thấy vui vì tập thể thao giúp cháu khỏe hơn”.  Năm Thắng lên 11 tuổi, bố Thắng bị bệnh rồi qua đời, từ đó gánh nặng gia đình dồn lên đôi vai người mẹ, tuổi thơ của Thắng vì vậy mà rất nhọc nhằn, bị liệt một chân nhưng hàng ngày Thắng vẫn cố gắng giúp mẹ trông em và làm các việc như: chăn trâu, hái rau má về độn cơm, đi bắt cua, bắt cá … Ý thức được sức khỏe của mình kém hơn những bạn khác nên em luôn tranh thủ mọi thời gian để tham gia tập thể thao rèn luyện sức khỏe. Có một kỷ niệm mà đến nay Bà Thanh không thể nào quên: “Hôm đó có giải thi đấu cầu lông ở Nhà máy, gần 12h trưa vừa đi học về, Thắng xin tôi được tham gia giải thi, nhà hết gạo, cô hàng xóm cho 3 củ khoai luộc, tôi bảo cháu ăn khoai rồi đi thi, thấy cháu cầm 1 củ trên tay, nghĩ con ăn nên tôi không để ý, hóa ra nó cầm xuống bếp để xem có còn rau má độn cơm không, thấy hết nó lại mang củ khoai để lại vào rổ nhường các em rồi nhịn đói đi đánh cầu. Khi chiều về tôi thấy cháu ôm theo một mớ rau má và khoe rằng đánh cầu xong con đi hái rau má luôn mẹ ạ, nhìn con mồ hôi nhễ nhại mà tôi trào nước mắt”. Kể về niềm đam mê thể thao của mình, Thắng cho biết: “Hôm đầu tiên xem các cô chú trong nhà máy đánh cầu em thích lắm, tối về em cứ lấy quạt nan ra để tập và tự hình dung lại để bắt chước, rồi cả đêm thao thức không ngủ được. Khi các chú dạy đánh cầu em rất vui, di chuyển một chân tuy khó nhưng niềm đam mê thể thao khiến em quên rằng mình là người tật nguyền. Thấy em đánh cầu tiến bộ trội hơn hẳn các bạn bình thường cùng trang lứa nên các cô chú trong Nhà máy rất quý, mỗi khi có giải đấu lại gọi em tham gia”. Cứ như vậy, Thắng tự nghiên cứu, học hỏi qua các cô chú trong nhà máy, qua sách báo về môn cầu lông, công với niềm đam mê sẵn có của mình, Thắng trở thành cây vợt có tiếng của Thị xã. Năm 1992, trong giải thi đấu cầu lông của Thị xã, Thắng đã giành giải nhất. Trong thời gian đi học chuyên nghiệp (1998 - 2001) tại Trường Cao đẳng hóa chất Phú Thọ, Thắng luôn có mặt trong đội tuyển của Khoa, của Trường, trong thời gian học ở trường, có lần Thắng còn đi bộ gần 5 km để xem giải cầu lông được tổ chức ở Nhà thi đấu Bãi Bằng.

 

…đến những tấm huy chương

 

Có năng khiếu về bộ môn cầu long, nhưng đến năm 2006 tài năng của Thắng mới chính thức được tỏa sáng khi Thắng được đứng trong đội tuyển của tỉnh Thái Nguyên tham gia giải thể thao Quốc gia giành cho người khuyết tật tại Hà Nội. Lần đầu đi thi, Thắng đã mang về tấm huy chương đồng đầu tiên, điều này càng thôi thúc, động viên Thắng gắn bó với môn thể thao này. Sau thành công đầu tiên của mình, các trận đấu mà Thắng tham gia được các nhà chuyên môn quan tâm theo dõi và quyết định chọn Thắng vào đội tuyển quốc gia để tham gia Giải vô địch châu Á - Thái Bình Dương ở Ma-lai-xi-a vào cuối năm 2006. Với tuổi trẻ, sức vóc tốt, lại chăm chỉ luyện tập, năm đó Thắng giành được tấm HCB châu Á đầu tiên ở nội dung đôi nam (giải này Thắng Đánh cặp cùng VĐV đàn anh Phạm Đức Trung). Khi hỏi về kỷ niệm lần đầu thi đấu quốc tế, Thắng hồ hởi cho biết: “Cảm giác đầu tiên của mình là rất run và lo lắng, trận đầu tiên gặp cầu thủ nước chủ nhà Ma-lai-xi-a, đây là một cầu thủ có kinh nghiệm thi đấu Quốc tế, cổ động viên lại đông nên cảm thấy bị sức ép tâm lý, lúc đó chỉ biết cố gắng hết sức, mỗi khi đánh được một quả là lại thấy trên khán đài vang lên những tiếng hô “Việt Nam - Hồ Chí Minh”, thế là tinh thần dân tộc lại trỗi dậy giúp mình thêm nghị lực để thi đấu. Trong trận đó mình đã thắng với tỷ số sát nút, nhưng bị căng cơ phải khiêng ra sân vì vận động quá sức”. Sau thành tích đó, Thắng tập trung nhiều thời gian, công sức cho môn cầu lông hơn. Những năm kế tiếp trong các giải quốc gia 2008, 2009, anh và Phạm Đức Trung luôn giành huy chương vàng ở nội dung đôi nam. Cuối năm 2009, khi tham dự Đại hội thể thao người khuyết tật Đông-Nam-Á ở Ma-lai-xi-a, Thắng bất ngờ đoạt giải HCV cá nhân. Đặc biệt, trong năm 2010 vừa qua, tại giải ASIAN PARA Games được tổ chức tại Quảng Châu (Trung Quốc), Thắng đã vượt qua nhiều đối thủ mạnh để trở thành nhà vô địch. Kể về giải thi đấu này anh cho biết: Mặc dù đã tham gia một số giải Quốc tế, nhưng giải lần này các nước tham gia đông hơn với nhiều cầu thủ mạnh nên mình cũng rất lo, có hai trận đấu mà mình thấy nhớ nhất đó là trận gặp cầu Ấn Độ (đây là một VĐV đã từng đoạt giải vô địch thế giới) trước đó mình đã được xem một số trận đấu của cầu thủ này và thấy họ thi đấu hoàn hảo, tuy nhiên khi vào trận sau một vài đường cầu mình đã trấn tĩnh lại và xử lý tốt các tình huống, kết quả là mình đã thắng. Trận thứ hai là trận chung kết gặp Tian Shiwei của nước chủ nhà Trung Quốc, đây là trận đấu rất căng thẳng, do sức ép tâm lý nên séc đầu mình đã để đối thủ dẫn trước 18-17. Rất may, được các cổ động viên cổ vũ tinh thần cùng với  sự chỉ đạo của các HLV trong từng pha thi đấu, mình dần lấy lại sự chủ động và thắng lại 21-19. Séc sau đó, mình tiếp tục thắng 21-9 và giành ngôi vô địch”. Chiến thắng của Phạm Hoàng Thắng trong trận chung kết trước đối thủ người Trung Quốc Tian Shiwei được các nhà chuyên môn đánh giá rất cao. Về kinh nghiệm thi đấu anh chia sẻ: Tham gia nhiều giải quốc tế, mình rút ra được nhiều kinh nghiệm, nhưng quan trọng nhất vẫn là tâm lý và kỹ thuật thi đấu, vì thể lực của mình không được như các vận động viên nước bạn nên cần phải có kỹ thuật và chiến thuật thi đấu hợp lý, như vậy mới có thể giành được giải cao.

 

Sau các giải thi đấu, anh lại trở về với tổ ấm của mình ở tổ 4, phường Mỏ Chè, T.X Sông Công, nơi  mẹ anh và vợ cùng hai đứa con đang hàng ngày rõi theo từng trận đấu của anh. Trở về nhà, anh lại bắt tay vào công việc tại Xí nghiệp luyện kim mầu 2 (Công ty TNHH một thành viên kim loại màu Thái Nguyên). Với anh tổ ấm gia đình và công việc luôn là nguồn động viên, là động lực lớn để anh có được những thành tích cao trong mỗi giải đấu. Về dự định trong thời gian tới anh cho biết sẽ cố gắng luyện tập để đạt được huy chương vàng của giải thể thao đông nam á dành cho người khuyết tật được tổ chức tại In- đô-nê-xi -a vào tháng 12/2011.