Làng quê vui thú bóng chuyền

09:28, 13/12/2011

Hiếm có làng quê nào phong trào thể dục- thể thao (TDTT) lại rầm rộ như xã vùng cao Phương Giao (Võ Nhai). Đánh bóng chuyền đã trở thành thú giải trí tuyệt vời, nuôi dưỡng đời sống tinh thần lành mạnh của người dân nơi đây...

Trời vừa tạnh mưa, tranh thủ giờ nghỉ giải lao, những cô cậu học trò Trường THCS Phương Giao lại rủ nhau chơi bóng. Một góc sân trường nhộn nhịp, những pha tung mình đập bóng không hề kém cạnh “cầu thủ” nào khiến tôi không khỏi reo lên thích thú. Trong 3 năm trở lại đây, với nhiều thành tích đạt được trong Ngày hội Văn hóa huyện Võ Nhai 21-3 hàng năm, như giải Ba khối xã (2009 - 2010), giải Nhì khối xã (2011), bóng chuyền đã và đang dần chứng tỏ thế mạnh, trở thành phong trào văn hóa, TDTT nổi bật của Phương Giao.

 

Thành tích mới nhất là cuối tháng 10-2011 vừa qua, Trường THCS Phương Giao đã đoạt giải Nhất Hội khỏe Phù Đổng cấp huyện và được chọn tham gia Hội khỏe Phù Đổng toàn tỉnh thời gian tới. Tôi tìm đến Xuất Tác, một trong những xóm có phong trào chơi và xây dựng đội bóng khá nổi bật. Anh Dương Văn Điềm, Trưởng xóm Xuất Tác tiếp chuyện tôi và khoe ngay “Thời gian này, khi thóc đã hong khô đổ đầy bồ, ngô đã mang về đầy nhà, mọi người lại được dịp thong thả để vui hết mình với trái bóng. Trên 30 năm gắn bó, tôi cũng là một cầu thủ có hạng, đã có thời tôi và đội bóng của mình khuấy động phong trào bóng chuyền khiến người người náo nức. Đến nỗi cứ hễ nghe có trận đấu bóng giữa đội Phương Giao với các xã bạn là dù mùa màng bận rộn, bà con cũng nghỉ đi theo cổ vũ. Niềm vui còn lớn hơn bắt được vàng ấy chứ”.

 

Đã không còn tham gia chơi thường xuyên vì nhiều tuổi rồi, nhưng khi nhắc đến nó, đôi mắt trưởng xóm chợt như sáng hẳn. Bằng giọng điệu sôi nổi, anh chỉ tay về phía cầu thang, đứa cháu trai chưa đầy 3 tuổi đang tâng bóng vụng về rồi tiếp lời: Bóng chuyền đã trở thành người bạn thân thiết với mảnh đất này. Khi tôi lớn lên đã thấy ông, bố, cùng mọi người trong làng chơi rồi, chẳng có ai huấn luyện, cứ lớp trước dạy lớp sau mà thành truyền thống đến nay. Trẻ con giờ nhanh khôn lắm, mong sao chúng nó sẽ phát triển mạnh mẽ hơn bộ môn này, giữ lại được truyền thống ông cha đã dày công gây dựng. Chơi bóng chuyền vừa lành mạnh, có lợi cho sức khỏe lại dễ giao lưu kết bạn.

 

Là xã vùng cao, vùng xa của huyện Võ Nhai có địa bàn khá rộng, Phương Giao có tổng diện tích tự nhiên gần 6 ngàn ha. Cuộc sống của 918 hộ dân cơ bản trông chờ vào 540 ha ngô và 230 ha đất lúa cùng diện tích lớn rừng khoanh nuôi bảo vệ. Công việc thuần nông khá bận rộn, làm sao mà chơi bóng? Nghe tôi hỏi vậy, anh Hoàng Văn Đệ (xóm Xuất Tác) vui vẻ: “Chúng tôi sẽ ra đồng sớm hơn, thậm chí không nghỉ trưa, vì thế trừ được quỹ thời gian dư. Chiều nào không được đánh bóng là thấy người bứt rứt lắm nên mọi người tranh thủ làm thật nhanh”.

 

Chơi bóng từ khi mới 13 tuổi, đến nay dù đã có vợ con nhưng anh Đệ vẫn chưa hề vơi niềm đam mê với nó. Từng tham gia đội tuyển của huyện tham dự Đại hội Thể thao tỉnh năm 2005, từ 2000 đến nay luôn là trụ cột Đội bóng chuyền Phương Giao. Anh được biết đến là thành viên có lối chơi khá “cừ” và đáng nể, nghe được khen anh chỉ cười khiêm tốn “có lẽ do mình có chút năng khiếu, thấy các anh, các chú chơi thì thích lắm, chơi rồi thích thú, thấy vui và khỏe ra nhiều. Nhờ môn bóng chuyền mà nhiều nơi biết đến đất mình, có thêm nhiều bạn bè, anh em, mọi người đoàn kết với nhau hơn. Chỉ cần vài ba người cũng chơi, chơi ở chân ruộng khô chứ chẳng cầu kỳ sân bãi. Ở vùng quê này, bóng chuyền là thú vui tuyệt vời nhất, sau ngày lao động dài, được đánh bóng là mọi mệt nhọc bay biến cả thôi”.  

 

Nhắc về những thành quả của phong trào TDTT xã nhà trong mấy năm gần đây, Chủ tịch UBND xã Dương Hữu Kiều tỏ ý hứng khởi: “Tỷ lệ hộ nghèo Phương Giao còn cao, hơn 55%, nhưng đời sống tinh thần thì không hề nghèo nàn. Phong trào chơi bóng chuyền là tự phát, mọi người tham gia chơi đều trên tinh thần tự nguyện nên rất lành mạnh và sôi nổi. Từ những năm 1993, 14 xóm nhỏ trong xã bắt đầu lập đội bóng riêng và đẩy mạnh giao hữu. Vào các dịp lễ như 26-3, Tết Trung thu, Tết Nguyên đán… hàng năm, các xóm thường tự tổ chức đánh bóng giao lưu với nhau, có xóm còn mạnh dạn xin được lấy danh nghĩa đội bóng chuyền Phương Giao mời các xã bạn trong huyện đến thi đấu. Có thể nói phong trào chơi bóng chuyền ở đây lớn mạnh kiểu “nhà nhà đều có người chơi bóng”. Hàng năm vào dịp Tết, xã cũng hỗ trợ các xóm chút ít kinh phí, giúp họ mua bóng và lưới mới, mang tính chất động viên cổ vũ. Chúng tôi sẽ cố gắng duy trì phong trào truyền thống của địa phương, khuyến khích phát huy mạnh mẽ, đưa bóng chuyền thành phong trào đặc sắc, nổi bật của Phương Giao, nhằm xây dựng đời sống tinh thần đoàn kết, vui khỏe, có ích”.

 

Chị Hoàng Thị Đôi (xóm Xuất Tác) có chồng và con trai tham gia Đội bóng của xóm, không ngại ngần chị chia sẻ: Nếu có dịp lên đây vào những ngày Tết, chị sẽ cảm nhận được không khí rộn ràng. Người dân vui Tết, đó cũng là dịp để cả làng, cả xã được xem bóng chuyền “đã mắt” nhất. Có năm từ mùng 1 đến tận mùng mười Tết ngày nào cũng có đấu bóng chuyền, Tết ở đây tưng bừng nhộn nhịp hơn vì có phong trào này. Những hôm có đấu bóng, đến làng hiếm gặp người ở nhà, cả gia đình cùng nhau đi xem hết. Nhìn vào màn mưa đang ngớt dần, chị quay sang tôi cười hiền: nếu trời không mưa thì tầm giờ có người chơi rồi đấy, đám thanh niên ham đánh bóng bất kể mùa đông lạnh giá. Cả xã không có cầu thủ nữ nhưng chúng tôi luôn ủng hộ, tạo điều kiện để chồng và các con được gắn bó với môn thể thao này.

 

Chỉ mới chơi bóng chuyền 3- 4 năm trở lại đây, anh Dương Xuân Lai (xóm Đồng Dong) rất hào hứng với bộ môn này. Phụ trách công tác Đoàn xã, anh đã chủ động đề đạt, kêu gọi anh em đoàn viên tổ chức thi đấu đánh bóng nhằm mục đích gặp gỡ kết thân với nhiều đơn vị trong và ngoài xã. Hơn thế còn thi đấu với các đội bóng của huyện Bắc Sơn (tỉnh Lạng Sơn). Ngang qua trường THCS Phương Giao, anh chỉ cho tôi góc sân đánh bóng chuyền, hồ hởi: Trước kia, người Phương Giao chỉ chơi bóng trước Tết độ một tháng, nhưng giờ họ chơi dài hơn từ tháng 9 âm lịch, qua Tết Nguyên đán đến tận 30 tháng Giêng năm sau. Phong trào bóng chuyền giờ mạnh lắm, người chơi ngày càng nhiều, cứ lên cấp 2 là bọn trẻ biết chơi rồi. Cả xã chỉ mới được 4 xóm có sân đánh bóng thôi, có xóm chơi sân nhà văn hóa, có xóm thì mượn sân trường. Người chơi chỉ mong được chính quyền quan tâm phần sân bãi, có vậy mới hy vọng phát huy phong trào TDTT lành mạnh này rộng rãi và lâu bền đến mọi người được.Tuy chơi bóng không giỏi nhưng bản thân được là người Phương Giao tôi cũng thấy vui và hãnh diện.

 

Trong hơi lạnh miền rừng, tôi vẫn nghe xa xa đâu đó có tiếng đập bóng vang lên. Bên cạnh bếp lửa mỗi nếp nhà, khói lam chiều đã tỏa lan ấm áp, người người nói chuyện chơi bóng như nói về một điều thật đặc biệt, thật đáng tự hào…