Thành tích của những vận động viên "nhí"

09:33, 29/12/2011

Tham gia tập luyện từ nhỏ, với năng khiếu “trời ban” và sự chăm chỉ luyện tập nên chỉ sau một thời gian ngắn đã giành được huy chương (HC), thậm chí là HC Vàng; nhiều vận động viên (VĐV) đạt kiện tướng… đó là những học sinh, VĐV “nhí” Trường Năng khiếu Thể thao.

Chỉ sau 6 tháng tập luyện, em Từ Xuân Giáp (xóm 7, xã Phúc Hà, T.P Thái Nguyên), VĐV Đội điền kinh đã mang lại chiếc Huy chương Đồng đầu tiên môn đi bộ cự ly 1.500m tại Giải Vô địch điền kinh các nhóm tuổi được tổ chức ở T.P Hồ Chí Minh tháng 6-2010. Một năm sau đó, Giáp đã xuất sắc giành HC Vàng ở bộ môn này tại Giải vô địch điền kinh các nhóm tuổi tổ chức T.P Vinh (Nghệ An) cuối năm 2011. Được biết, tại giải lần này, Thái Nguyên có 7 VĐV tham gia thi đấu thì đã giành được 1 HC Vàng, 1 HC Đồng, 1 VĐV đạt cấp 1 quốc gia; xếp thứ 15 trong tổng số 53 đoàn tham gia Giải. Em Giáp nói: Khi được chọn để tham gia Đội điền kinh của Trường em đã tập luyện rất nghiêm túc và quyết tâm giành thành tích sớm. Mỗi ngày, em tập khoảng 2 tiếng buổi sáng, 3 tiếng buổi chiều, thời gian còn lại em dành để học văn hóa. Hiện nay, em đang học lớp 10 Trường THPT Dương Tự Minh, năm nào em cũng đạt học sinh tiên tiến. Là con trai duy nhất trong nhà có 5 chị em nên từ nhỏ em đã được chiều chuộng, không phải đụng tay chân việc gì. Ra đây, em phải tự lập tất cả, em thấy mình trưởng thành hơn, tự giác hơn.

 

Những năm trước, điền kinh Thái Nguyên được biết đến với cự ly ngắn, cự ly trung bình (100m, 200m) nhưng vài năm gần đây việc tuyển chọn VĐV rất khó bởi đặc thù của VĐV điền kinh là phải có tố chất thể lực tự phát, sức bền, nhanh, mạnh, khéo, vì thế xu hướng đào tạo tới đây là nội dung ném đẩy, cự ly dài… Anh Hà Văn Vinh, Huấn luyện viên Điền kinh cho biết: Chúng tôi thường đến các xóm, xã vùng sâu, vùng xa của huyện Võ Nhai, Định Hóa, Phú Bình để tuyển chọn VĐV nhưng có khi đi mấy chuyến mới tìm được một hai em. Tuy nhiên, khi các em "lọt vào tầm ngắm" thì nhà trường, Phòng Giáo dục huyện lại không muốn cho đi vì còn tham gia các giải phong trào của trường, của địa phương. Trong khi để đánh giá được khả năng của VĐV, ngoài việc quan sát bằng kinh nghiệm thì phải mất khoảng 2 năm đào tạo mới nhận định chính xác. Hiện nay, Đội Điền kinh có 11 VĐV, chúng tôi đã mạnh dạn đưa môn đi bộ vào luyện tập và em Giáp là VĐV đầu tiên tập luyện sau một thời gian ngắn và giành HC Vàng. 

 

Huấn luyện viên môn Taekwondo Dương Cảnh Đức lại rất tự hào khi nói về học trò của mình là VĐV Nguyễn Đức Phúc, năm nay mới gần 10 tuổi nhưng đã giành được rất nhiều HC, trong đó gần đây nhất, Phúc giành 2 HC Vàng (cá nhân và đồng đội), 1 HC Bạc (đôi nam nữ quyền) tại Giải Taekwondo học sinh khu vực phía Bắc năm 2011 tổ chức tại tỉnh Bắc Kạn. Tham gia tập luyện từ khi lên 5 tuổi, Phúc là cậu học trò ngoan ngoãn, chịu khó, thông minh nên được các thầy quý mến và quan tâm dìu dắt. Sau 2 năm tập luyện, Phúc được các thầy cho đi cọ sát tại Giải Taekwondo trẻ toàn quốc và em đã giành được HC đầu tiên. Đội tuyển Taekwondo có 13 VĐV các em đều ở lứa tuổi tiểu học nhưng thành tích của các em thì thật đáng nể. Hàng năm, 100% VĐV đạt danh hiệu học sinh giỏi. Năm 2011, tại Giải Taekwondo học sinh khu vực phía Bắc có 12 đoàn tham gia, Thái Nguyên có 17 VĐV tham dự, giành được 34 HC (7 HC Vàng, 17 HC Bạc, 10 HC Đồng), xếp thứ nhất toàn đoàn.

 

Những học trò môn Wushu taolu do Huấn luyện viên Dương Mạnh Lương  dẫn dắt lại được biết đến với những tấm HC Vàng và sự nhiệt tình, trách nhiệm của thầy trong chuyển tải "bí quyết" của mình cho các em, bởi thầy đã 5 năm liền là kiện tướng quốc gia. Tại Giải Wushu trẻ toàn quốc năm 2010 tổ chức tại Thủ đô Hà Nội, đoàn Thái Nguyên có 20 VĐV tham gia thì đã xuất sắc giành được 31 HC các loại, đứng thứ Nhì toàn đoàn; tại Giải Wushu trẻ toàn quốc năm 2011 diễn ra tại Thái Nguyên, các học trò cũng xuất sắc giành 8 HC Vàng, 9 HC Bạc, 11 HC Đồng, xếp thứ Nhì toàn đoàn. Anh Lương cho biết thêm: Để đào tạo được một VĐV tham gia thi đấu đạt được thành tích thì ngay từ khâu tuyển chọn VĐV kế cận cũng phải thực hiện rất kỹ lưỡng, thậm chí đến các trường mẫu giáo để tuyển chọn. Các cháu từ 5-9 tuổi sẽ được huấn luyện để tham gia thi đấu lứa tuổi dưới 13. Nhiều VĐV 2 năm liền dành HC Vàng lứa tuổi dưới 13 như: Khương Thị Thùy Trang, Nguyễn Tùng Bách, Nguyễn Hiền Thương, Nghiêm Trọng Tùng… Đây chính là lực lượng kế cận để tham gia Giải ở lứa tuổi trên.

 

Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Vũ Anh Thắng, Hiệu trưởng Trường Năng khiếu thể thao cho biết: Nhà trường được giao chỉ tiêu đào tạo 150 học sinh hệ nội trú và 40 học sinh nghiệp dư với các môn thể thao: cầu lông, wushu, điền kinh, cử tạ, taekwondo, karatedo, vật (nam, nữ), võ cổ truyền, bóng bàn, cờ vua, bóng đá (U11, U12, U15). Năm 2011, Trường tham gia 14 giải thể thao khu vực và toàn quốc đã giành được 134 HC (vượt 24% kế hoạch), trong đó có 34 HC Vàng, 40 HC Bạc, 69 HC Đồng; 5 VĐV đạt kiện tướng (vượt 25%); 19 VĐV cấp I (vượt 58%), 14 cờ thưởng; cung cấp 30 VĐV cho đội tuyển của tỉnh và Quốc gia. Trong thành tích đó, có đóng góp không nhỏ của VĐV, huấn luyện viên các môn thể thao đã nỗ lực hết mình, khắc phục khó khăn về cơ sở vật chất, địa điểm tập luyện, kinh phí tham gia Giải (một số VĐV tham gia giải từ nguồn xã hội hóa)… để giành thành tích cao nhất. Tuy nhiên, hiện nay chúng tôi còn băn khoăn, một số môn thể thao Trường đào tạo nhưng khi các VĐV đạt thành tích thì tuyến trên không có, cụ thể: cờ vua Trường đào tạo nhưng Trung tâm không có; Trung tâm có môn đua thuyền, boxing nhưng Trường không có; Trường có môn đi bộ nhưng Trung tâm không có… Như vậy, sẽ khó tìm những VĐV kế cận để đào tạo từ nhỏ mới mong có thành tích cho những lứa tuổi trên.