Chơi thể thao để khoẻ và vui

14:22, 26/03/2012

Đó là suy nghĩ của nhiều người dân ở phường Thịnh Đán (T.P Thái Nguyên) khi dành thời gian để chơi thể thao sau mỗi ngày làm việc.

Tuỳ từng lứa tuổi để lựa chọn môn thể thao phù hợp, các cụ ông thì chơi cờ tướng, cụ bà tập dưỡng sinh, người trung tuổi chơi cầu lông, khiêu vũ thể thao… Các chị em còn tập thể hình để giúp cho thân hình khoẻ đẹp.

 

 

Ông Lưu Văn Vất, Tổ trưởng tổ dân phố 15 rất tự hào về phong trào văn nghệ, thể thao của tổ. Với lợi thế có hai trường cao đẳng đóng trên địa bàn, bà con nhân dân lại nhiệt tình nên khi phường hoặc thành phố tổ chức thi đấu thể thao, văn nghệ, tổ đều có đội tham gia. Hiện tổ có 111 hộ dân thì có gần nửa số gia đình có người chơi thể thao với các môn: cờ tướng, cầu lông, bóng bàn, tập thể hình… Tổ đã thành lập được đội cầu lông với 8 thành viên, đội cờ tướng có 4 người...

 

Ông Vất cho biết: Bà con nhân dân đóng góp gần 60 triệu đồng để xây nhà văn hoá từ năm 2004. Từ khi có nhà văn hoá, mỗi buổi chiều mọi người lại cùng nhau đánh cầu lông, tối đến nhà văn hoá lại sáng đèn để đội văn nghệ tập luyện. Những hôm trời mưa, gió to không đánh cầu được ở sân ngoài trời, mọi người lại rủ nhau vào chơi nhờ nhà đa năng của Trường Cao đẳng Kinh tế tài chính và Trường cao đẳng Kinh tế kỹ thuật. Mọi người dân trong tổ đều ý thức được việc luyện tập thể thao rất tốt cho sức khoẻ nên họ chọn cho mình một môn thể thao phù hợp với điều kiện, sức khoẻ và tự giác tập luyện.

 

Chúng tôi đã gặp bác Nguyễn Thị Kháng, Chủ nhiệm Câu lạc bộ thể dục dưỡng sinh của phường khi bác đang chuẩn bị đón giáo viên hướng dẫn ở Hà Nội lên truyền đạt môn mới (môn truỳ) cho các thành viên. Bác Kháng bảo: Mỗi lần học bài mới phải mất 7 ngày liên tục. Hiện nay, chúng tôi đã tập được các bài: Thái cực quyền, quạt đôi, kiếm, võ quạt, vũ điệu thể thao. Đặc điểm của người già nếu không tập vài ngày sẽ quên, nên sáng nào chúng tôi cũng tập. Năm nào câu lạc bộ cũng kết nạp thêm hội viên mới, nhưng lại có những hội viên tuổi cao, sức yếu nên luôn duy trì ở con số 50 người. Có những hội viên bận việc (phải đi trông cháu, ban ngày đi làm đồng, đi chợ…), không tham gia tập luyện vào buổi sáng được, vì thế chúng tôi còn tập vào buổi tối tại sân của UBND phường và nhà văn hoá tổ 21. Nhiều người cao tuổi chia sẻ về tác dụng của những bải tập dưỡng sinh đã giúp cho họ có sức khoẻ dẻo dai, nhanh nhẹn, hạn chế một số bệnh như đau khớp, đau lưng… Mỗi buổi chúng tôi tập khoảng 1,5 tiếng, nên giờ các động tác rất thuần thục và thường biểu diễn khi phường tổ chức kỷ niệm các ngày lễ lớn hoặc hội thi văn hoá, thể thao…

 

Anh Nguyễn Hữu Quang, Chủ tịch UBND phường Thịnh Đán cho biết: Không chỉ có tổ 15 mà 22 tổ dân phố còn lại đều có phong trào thể thao quần chúng phát triển khá đồng đều. Năm 2009, phường được UBND tỉnh công nhận đơn vị tiên tiến về thể thao. Để duy trì kết quả này, chúng tôi chỉ đạo các tổ chức đoàn thể, tổ dân phố tích cực tuyên truyền trên hệ thống loa truyền thanh về tấm gương luyện tập thể thao của Bác Hồ, động viên nhân dân tích cực tập thể luyện để nâng cao sức khoẻ; tổ chức giải thi đấu thể thao cấp cụm, cấp phường để nhân dân được tham gia giao lưu, cọ xát, đồng thời nâng cao tinh thần đoàn kết, gắn bó ở mỗi tổ dân phố.

 

Tuy nhiên, còn khó khăn là chưa có trung tâm văn hoá để tổ chức các hoạt động tập trung nên khi muốn tổ chức phải nhờ nhà đa năng của các trường học, đơn vị trên địa bàn. Phường đã có văn bản đề nghị chuyển trụ sở vào khu vực tổ 4 (đường Đán - Hồ Núi Cốc) và xin quỹ đất để xây dựng trung tâm văn hoá thể thao, tạo điều kiện tổ chức các hoạt động. Đồng thời, khuyến khích thành lập các câu lạc bộ: Cờ tướng, cầu lông, xe đạp… để người dân cùng tham gia tập luyện, nâng cao sức khoẻ…

 

Có thể thấy, tự mỗi người dân thấy được tác dụng của tập luyện thể thao với sức khoẻ, cùng với sự quan tâm tạo điều kiện của chính quyền địa phương trong tổ chức thi đấu thể thao, văn nghệ… để các tổ dân phố có cơ hội giao lưu, học hỏi, trổ tài, tạo không khí vui tươi, đoàn kết, góp phần xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư.