Khát vọng lưu truyền tinh hoa Việt

10:13, 10/03/2012

Vovinam - Việt võ đạo là một môn võ cổ truyền của dân tộc Việt Nam ta do võ sư Nguyễn Lộc sáng tạo ra năm 1938. Hiện nay, trên địa bàn Hà Nội, một số thành phố lớn và toàn quốc đã thành lập Liên đoàn Vovinam. Ở Thái Nguyên, môn võ này tuy chỉ mới xuất hiện từ cuối năm 2010 nhưng đến nay đã thu hút trên dưới 1.000 môn sinh là học sinh, sinh viên trong các trường luyện tập ở 12 câu lạc bộ (CLB). Người đưa môn võ này về Thái Nguyên và góp phần phát triển nó là huấn luyện viên Võ Xuân Thủy.

Từ niềm đam mê võ thuật… 

Gặp Thủy, tôi ấn tượng ngay bởi đôi mắt sáng, giọng nói trầm ấm của anh. Thật bất ngờ vì huấn luyện viên cao cấp có công đưa môn võ Vovinam (VVN) về Thái Nguyên lại rất trẻ. Sinh năm 1985 tại Văn Yên (Đại Từ), Thủy có niềm đam mê võ thuật từ nhỏ với mong muốn tập võ để rèn luyện sức khỏe. Năm 12 tuổi, Thủy đã luyện võ theo hướng dẫn của các bác, chú trong gia đình (đều ở trong quân đội). Mỗi khi có thời gian rỗi, Thủy lại ra mảnh vườn sau nhà tự luyện tập. Có hôm, Thủy đứng tấn, tập các bài quyền đến khuya, mồ hôi ướt đầm đìa và chỉ đến khi mẹ phải giục đi ngủ mới chịu nghỉ.

 

Tuổi thơ lớn lên, gắn liền với từng đường quyền, thế võ và không biết từ lúc nào Thủy đã đeo đuổi mơ ước trở thành thầy dạy võ. Năm học lớp 12, Thủy thi đỗ vào Khoa Thể dục Thể thao Trường Đại học Sư Phạm (Đại học Thái Nguyên). Trong 2 năm 2006 và 2007, Thủy dự thi giải đấu cấp tỉnh môn Karatedo, giành được giải Nhất và Nhì ở nội dung đối kháng. Vừa học tập ở trường, Thủy vừa đi theo thầy Nguyễn Lê Dũng (môn Karatedo) ở Sở VHTT&DL để trợ giảng các lớp huấn luyện của thầy tại Nhà Thiếu nhi Thành phố, Trường Đại học Nông Lâm (Đại học Thái Nguyên). Ghi nhớ lời thầy dạy “văn ôn, võ luyện” nên Thủy đã chăm chỉ luyện tập, ở môn Karatedo, Thủy đạt 3 đẳng cấp Quốc gia (Đai đen 3 đẳng); ở môn Taekwondo là đai đen 1 đẳng.

 

Ra trường năm 2008, với thành tích học tập tốt, Thủy được giữ lại khoa làm giảng viên, trực tiếp giảng dạy môn Taekwondo. Một năm sau, Thủy đi học Cao học ở Trường Đại học Thể dục Thể thao Từ Sơn (Bắc Ninh). Tại đây, Thủy có cơ hội gặp gỡ với các bậc đàn anh có tiếng trong môn VVN. Thủy đã dành 2 năm tham gia các lớp tập huấn về môn võ thuật mới này ở Hà Nội. Đầu năm 2010, Thủy may mắn gặp thầy Phạm Quang Long, Phó Chủ tịch Liên đoàn VVN Hà Nội và được thầy giới thiệu về Sở VHTT&DL Thái Nguyên để phát triển môn võ này tại tỉnh nhà.

 

Đến truyền dạy tinh hoa võ thuật Việt

 

Với cấp bậc Hoàng Đai II (huấn luyện viên cao cấp) môn VVN, Thủy không mở ngay lớp chiêu sinh mà rủ các bạn đã tập luyện 2 môn võ Karatedo và Taekwondo cùng mình trước đây tìm hiểu và trực tiếp đào tạo họ môn võ VVN để tạo đội ngũ trợ giảng. Cuối năm 2010, Thủy chính thức mở lớp, với gần chục người là giáo viên thể chất các trường trong Đại học Thái Nguyên tham gia. CLB VVN đầu tiên được mở là của Trường Đại học Sư phạm, nơi Thủy giảng dạy, thu hút trên 200 sinh viên luyện tập do 2 huấn luyện viên Võ Xuân Thủy và Phạm Văn Quân phụ trách. Học viên tham gia lớp học đóng góp học phí từ 50-80 nghìn đồng/người/tháng. Thời gian luyện tập từ 18h-20h. Với tinh thần “học đạo rồi mới học võ”, rèn luyện sức khỏe để trí lực phát triển, tinh thần minh mẫn giúp học tập được tốt hơn nên VVN đã lan tỏa và thu hút đông đảo học viên tham gia. Sau CLB VVN Trường Đại học Sư phạm, tháng 11-2011, CLB VVN Trường Đại học Công nghệ thông tin và Truyền thông, Trường THPT Nguyễn Huệ (Đại Từ), Trường Tiểu học Cam Giá (T.P Thái Nguyên), Trường Tiểu học Linh Sơn (Đồng Hỷ)… cũng được thành lập. Đến nay, đã có gần 3.000 học viên tham gia tập luyện môn võ này. Hiện có 12 CLB với gần 1.000 môn sinh thường xuyên luyện tập dưới sự dẫn dắt của 4 huấn luyện viên và 15 trợ giảng.

 

Một ngày cuối tuần, nhận lời mời của Thủy, tôi vào Trường Đại học Sư phạm và được chứng kiến các thành viên trong CLB VVN của Trường luyện tập. Mặc dù thời tiết lạnh và có mưa phùn nhưng các môn sinh trong trang phục màu xanh ngọc đều rất say sưa, miệt mài với những đường quyền, thế võ cương, nhu của VVN. Sau một thế võ, mồ hôi còn ướt đầm trên áo, em Trần Ngọc Anh, 8 tuổi, học sinh lớp 3A1, Trường Tiểu học Nha Trang (T.P Thái Nguyên) cười vui với chúng tôi: Em tham gia học võ VVN từ hơn 1 năm nay. Em rất thích học môn võ này vì nó dễ học, dễ nhớ. Từ khi luyện võ, em có được sức khỏe tốt, không hay bị ốm như trước đây nữa. Còn em Đặng Xuân Duyệt, lớp Thể dục Thể thao K45, Trường Đại học Sư phạm thì cho hay: Em tham gia học VVN từ những ngày đầu thầy Thủy mở lớp. Thầy Thủy là một giáo viên tâm huyết với nghề, rất nhiệt tình giảng dạy, chỉ bảo cho các môn sinh. Chúng em rất kính trọng và gọi thầy Thủy là sư phụ vì ngoài dạy võ, thầy còn dạy chúng em cách ứng xử, biết yêu thương và giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn.

 

Trò chuyện với chúng tôi, Võ Xuân Thủy cho biết: VVN là môn võ thuần Việt, có tác dụng rèn luyện sức khỏe rất tốt. Hơn nữa, các động tác của nó được sáng tạo đều phù hợp với vóc dáng người Việt Nam nhỏ bé nhưng nhanh nhẹn, khéo léo nên dễ luyện tập. Tuy nhiên, đây là môn võ thuật mới ở tỉnh vì vậy để phát triển môn võ này chúng tôi gặp phải không ít khó khăn về kinh phí cho đội luyện tập, biểu diễn. Chúng tôi thông qua các tổ chức Đoàn thanh niên, Hội Sinh viên trong các trường để biểu diễn, giới thiệu về môn võ này và chiêu sinh học viên. Vào dịp học sinh được nghỉ hè, thông qua Phòng Văn hóa Thông tin các huyện, VVN Thái Nguyên sẽ biểu diễn và chiêu sinh học viên các trường. Ở một số địa bàn học viên tham dự có hoàn cảnh khó khăn, chúng tôi dạy miễn phí (lớp ở xã Hà Thượng, Phục Linh - huyện Đại Từ).

 

Để góp phần truyền bá môn võ thuật này tới đông đảo công chúng tỉnh nhà, đầu năm 2011, Võ Xuân Thủy và các thành viên trong CLB VVN Thái Nguyên đã thành lập trang Web của VVN tại địa chỉ: VovinamThainguyen.vn. Cũng trong năm này, Thủy đã tham mưu để Sở VHTT&DL tổ chức 4 kỳ thi nâng đai cho các học viên, mời các HLV nổi tiếng ở Hà Nội làm Ban Giám khảo.

Tuy mới có mặt tại Thái Nguyên nhưng VVN đã đạt được những kết quả kể. Tháng 12-2010, Giải đấu vô địch VVN khu vực phía Bắc lần thứ Nhất, Sở đã cử 7 vận động viên của các CLB VVN tham dự. Đoàn Thái Nguyên đoạt được 2 Huy chương Vàng, 3 Huy chương Đồng (đứng thứ 7 trong tổng số 24 đoàn tham gia). Tại Hội khỏe Phù Đổng lần thứ VIII năm 2012 được tổ chức tại T.P Cần Thơ vào cuối tháng 7 đến đầu tháng 8, Đoàn Thái Nguyên lần đầu tiên tham gia thi đấu nội dung này.

 

Nói về dự định thời gian tới, Thủy tâm sự: Chúng tôi sẽ tiếp tục mở lớp chiêu sinh đào tạo môn võ VVN ở địa bàn các huyện. Chúng tôi rất mong muốn sẽ được các cấp chính quyền quan tâm tạo điều kiện, nhất là Sở VHTT&DL để phát triển mạnh hơn nữa môn võ này trong địa bàn tỉnh. Nhìn vào ánh mắt và lời nói của Thủy, tôi tin rằng, với lòng đam mê, sự ham học hỏi, Thủy sẽ đạt được mơ ước đưa tinh hoa võ thuật Việt phát triển mạnh, đồng thời sẽ có nhiều thế hệ vận động viên Thái Nguyên tham gia tranh tài và đạt thành tích cao môn VVN ở các giải Quốc gia và khu vực như những môn thể thao khác.