Chỉ biết hy vọng

08:48, 19/04/2012

Hôm nay (19.4), bóng bàn Việt Nam bước vào vòng loại Olympic 2012, khu vực châu Á. Cơ hội đoạt vé cho các tay vợt Việt Nam hầu như không có. Nhưng như người trong cuộc tự động viên nhau thì “còn thi đấu còn hy vọng”.

Tuột cơ hội lớn nhất

 

Trước đây, bóng bàn Việt Nam từng đặt hy vọng đoạt vé dự Olympic thông qua vòng loại khu vực Đông Nam Á, nhất là ở nội dung của nam. Chính ở đấu trường này, Đoàn Kiến Quốc đã hai lần giành ngôi vô địch để đoạt vé tham dự Olympic 2004 và 2008. Nhưng dạo ấy, đối thủ của Kiến Quốc không phải là các tay vợt Singapore. Các tay vợt Indonesia, Thái Lan cũng như của Việt Nam khác không đủ trình độ để ngăn cản Kiến Quốc giành chiếc vé duy nhất của khu vực, nhất là trong những trận đấu đòi hỏi bản lĩnh.

 

Trước vòng loại Olympic 2012, khu vực Đông Nam Á, Kiến Quốc tuyên bố chia tay đội tuyển quốc gia vì muốn dành cơ hội dự Olympic cho các tay vợt Việt Nam khác cũng như muốn tập trung thi đấu cho CLB PetroVietNam. Nhưng có lẽ, Kiến Quốc cũng tự nhận thấy khó có cơ hội giành vé dự Olympic lần thứ ba liên tiếp. Lúc ấy, đã có thông tin là các tay vợt Singapore sẽ dự giải. Đó cũng là tin xấu cho Ban huấn luyện đội tuyển bóng bàn Việt Nam, những người thừa hiểu sức mạnh của các tay vợt Singapore. Phụ trách bộ môn bóng bàn, Tổng cục TDTT Nguyễn Đức Long lúc ấy cũng không giấu nổi sự lo lắng vì sự xuất hiện của các tay vợt Singapore.

 

Thực tế, đến vòng loại Đông Nam Á, chỉ sau khi chứng kiến các tay vợt Singapore thi thố ở vòng đấu bảng, tất cả đã thừa hiểu cơ hội giành vé không thể đến với các tay vợt Việt Nam như Trần Tuấn Quỳnh, Đinh Quang Linh, Mai Hoàng Mỹ Trang, Nguyễn Thị Việt Linh. Những tay vợt Singapore, đều được nhập quốc tịch từ Trung Quốc thi đấu như vào chỗ không người. Hệ quả là không tay vợt Việt Nam nào vào được trận chung kết. Khá nhất chỉ là Trần Tuấn Quỳnh, Mai Hoàng Mỹ Trang- vào bán kết.

 

Chẳng ai thất vọng vì thành tích trên bởi các tay vợt Việt Nam thua kém hơn hẳn các đồng nghiệp Singapore. Vạn bất đắc dĩ, bóng bàn Việt Nam phải hướng đến Vòng loại Olympic 2012 khu vực châu Á.

 

Mong manh hy vọng

 

Vòng loại khu vực châu Á diễn ra từ ngày 19 đến 22-4 tại Hong Kong (Trung Quốc) có đến 8 suất nam, 8 suất nữ. Vé thì nhiều nhưng cơ hội giành vé lại ít hơn hẳn. Nếu vòng loại khu vực Đông Nam Á chỉ có vài nước tham dự thì vòng loại lần này đông hơn hẳn và đương nhiên cao thủ cũng nhiều hơn. Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc… sẽ cử đến đội hình mạnh nhất, tạo nên một sân chơi đầy sức cạnh tranh. Đặc điểm của các vòng loại Olympic, khu vực châu Á là vậy. Mỗi đội tuyển chỉ được cử tối đa 2 tay vợt, đồng nghĩa mỗi quốc gia chỉ có tối đa 2 vé ở mỗi nội dung. Thế nên, các đoàn như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc… sẽ cố gắng giành tối đa số vé bằng việc cử đến những tay vợt mạnh nhất. Số vé tham dự Olympic tăng thì số tay vợt trình độ cao tham dự cũng tăng lên, cơ hội cho các tay vợt Việt Nam mỏng hơn hẳn.

 

Trong khi đó, từ sau vòng loại Olympic 2012 khu vực Đông Nam Á đến nay, các tay vợt Việt Nam đều không có sự chuẩn bị công phu, có thể tạo nên đột biến về chuyên môn. Các tay vợt vẫn tập trung tại Trung tâm huấn luyện thể thao quốc gia Hà Nội dưới sự dẫn dắt của các HLV nội. Niềm hy vọng lớn nhất dành cho Trần Tuấn Quỳnh thay vì các tay vợt nữ hoặc một Đinh Quang Linh luôn yếu bóng vía ở nội dung đơn tại sân chơi quốc tế. Nhưng thực tế, Quỳnh không được chuẩn bị đầy đủ về chuyên môn. Chuyến tập huấn tại Nam Ninh (Trung Quốc) cùng CLB Hà Nội T&T của tay vợt này diễn ra không như dự kiến. Lẽ ra, Trần Tuấn Quỳnh sẽ có gần 1 tháng tập huấn tại Trung Quốc để mài giũa các ngòn đòn nhưng cuối cùng chỉ có gần chục ngày tập huấn nước ngoài. Tất cả bắt nguồn từ việc thay đổi kế hoạch tham dự Giải vô địch bóng bàn thế giới, diễn ra vào cuối tháng 3 vừa qua. Ban đầu đội tuyển bóng bàn Việt Nam định tham dự nhưng đến phút cuối lại thôi vì không đủ kinh phí. Thế là Trần Tuấn Quỳnh chỉ tập huấn chủ yếu ở Việt Nam, vốn không mang lại đột phá về chuyên môn cho VĐV. Không kể, sau vòng loại Olympic 2012, khu vực châu Á sẽ diễn ra Giải vô địch quốc gia. Như thế kế hoạch chuẩn bị cho việc bảo vệ chức vô địch đơn nam quốc gia của Trần Tuấn Quỳnh cũng bị ảnh hưởng.

 

Vì thế không lạ khi các tay vợt Việt Nam dự vòng loại lần này với tâm thế khác hẳn lần dự vòng loại Olympic 2012,khu vực Đông Nam Á vừa qua. Đơn thuần chỉ là tham dự cho đủ mặt, thi đấu hết mình và trông chờ sự may mắn từ kết quả bốc thăm để lọt vào nhóm 8 tay vợt mạnh nhất.