Tổ chức ASIAD, Việt Nam chắc chắn lỗ

08:15, 13/04/2012

Kinh phí dự trù tổ chức ASIAD ban đầu là 120 triệu USD, đã tăng lên thành 150 triệu và có thể phát sinh thêm, khiến nhiều ý kiến cho rằng Việt Nam không nên đăng cai sự kiện này trong thời buổi khủng hoảng kinh tế.

Ông Hoàng Vĩnh Giang, người xây dựng đề án đăng cai ASIAD 2019 thừa nhận chủ nhà không thể thu về đủ số tiền tổ chức bỏ ra, dù có nguồn thu từ bản quyền truyền hình và các thương quyền khác. Nhưng ông cho rằng lợi ích từ việc đăng cai Olympic không thể chỉ tính bằng tiền, mà phải bằng cả những giá trị không thể lượng hóa như hệ thống nhà thi đấu mới cho xã hội, cú hích phát triển trình độ cho thể thao Việt Nam và quảng bá đất nước với thế giới.

 

Bộ Văn hóa – Thể thao- Du lịch đã thông qua chủ trương đăng cai tổ chức Đại hội thể thao châu Á (ASIAD) 2019, và giao Ủy ban Olympic Việt Nam tiếp tục hoàn thiện đề án để trình Chính phủ phê duyệt. Hồ sơ xin đăng cai ASIAD sẽ phải gửi lên OCA trước hạn chót 15/5/2012.

 

Đề án tổ chức ASIAD do Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Ủy ban Olympic Việt Nam Hoàng Vĩnh Giang chịu trách nhiệm xây dựng. Ban đầu, kinh phí tổ chức được tính là 120 triệu USD với chủ trương hạn chế tối đa việc xây dựng công trình thể thao mới. Sau khi cùng đại diện OCA rà soát tình hình cơ sở vật chất tại Việt Nam, kinh phí tổ chức đã được tăng lên thành 150 triệu USD, tương đương 3.491 tỷ đồng. Danh sách các công trình cần được xây mới ngoài sân xe đạp lòng chảo và khu đua thuyền, có thêm sân bóng chày, hệ thống sân tennis, bóng bầu dục…

 

So với dự trù kinh phí tổ chức của các quốc gia khác, con số 150 triệu USD tính cả quá trình chuẩn bị lẫn tổ chức Asiad của Ủy ban Olympic Việt Nam đưa ra là rất thấp (Malaysia dự trù hơn 500 triệu USD, Đài Loan – TQ 650 triệu USD). Lý giải việc có con số thấp đến vậy, ông Hoàng Vĩnh Giang cho biết: “Việc đăng cai Asiad được tính tiết kiệm đến tối đa xây dựng công trình thể thao mới, sử dụng 90% công trình thể thao có sẵn và không có chi phí xây dựng đường sá, vì ăn theo quy hoạch giao thông của Chính phủ. Làng VĐV ở quận Long Biên đã có đơn vị nhận thầu 100%, Nhà nước không phải mất tiền”.

 

Sau SEA Games 22 năm 2003 và Asian Indoor Games 3 năm 2009, đây là lần thứ ba Việt Nam muốn đứng ra đăng cai một sự kiện thể thao quốc tế lớn. Khác với SEA Games 22, khi chủ trương xin đăng cai nhận được sự ủng hộ nhiệt liệt của cả nước, ý tưởng đăng cai ASIAD gặp nhiều ý kiến phản bác, nghi ngờ vì cho rằng đây là đấu trường quá lớn đối với thể thao Việt Nam. Nhiều lần tham dự sân chơi này, nhưng Việt Nam tiến bộ rất chậm và trầy trật trong việc giành HC vàng.

 

Sự hội nhập chậm chạp cộng thêm khủng hoảng kinh tế khiến đề án này sau khi được thông qua về mặt chủ trương đã phải đối diện với nhiều phản đối và nghi ngờ ngay từ giới thể thao.

 

Một trong những nguy cơ nhiều người lo ngại nhất là kinh phí sẽ phát sinh trong quá trình thực hiện. Kinh nghiệm tổ chức SEA Games 22 cho thấy, kinh phí bỏ ra tăng từ con số dự trù 1.200 tỷ đồng đến tận 4.700 tỷ đồng.

 

Đồng thuận với chủ trương Việt Nam đăng cai ASIAD, nhưng nguyên Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban TDTT Hà Quang Dự cho rằng: “Phải tính làm sao với mức chi phí phù hợp nhất nền kinh tế của đất nước, tiết kiệm thuế, tài nguyên đất nước, và không được vay nợ nước ngoài để tổ chức Đại hội”.

 

Đề án tổ chức ASIAD “siêu rẻ” còn chờ Chính phủ và Bộ Tài chính phê duyệt.