Thể thao Việt Nam không thể trong chờ vào may mắn

10:34, 05/08/2012

Vẫn biết tại Thế vận hội thể thao thế giới(Olympic) thì thể thao Đông Nam á luôn là vùng trũng. Các đoàn thể thao Đông Nam á tham dự chỉ với mục đích để học hỏi, hội nhập là chính, còn để có được vị thế qua việc đoạt huy chương sẽ là vô cùng khó khăn. Tuy nhiên đã tham dự thì mục tiêu có được huy chương luôn là mong muốn cao nhất mà mỗi đoàn thể thao tham dự, và ngay tại Olympic London 2012, một số quốc gia vùng Đông Nam á cũng đã có được những tấm huy chương quí giá, qua đó khẳng định bước tiến của thể thao nước họ và còn làm rạng danh cho cả nền thể thao trong khu vực.

Tại Olympic London 2012, tay vợt cầu lông người Malaysia Lee Chong Wei đã thi đấu rất xuất sắc, được vào thi đấu trận chung kết đơn nam và đã chắc chắn đoạt huy chương Bạc; đoàn thể thao Indonesia cũng đã đoạt 1 huy chương Bạc, 1 huy chương Đồng môn cử tạ; Thái Lan cũng xuất sắc để có được 1 huy chương Bạc cử tạ nữ và Singapore có được 1 huy chương Đồng môn bóng bàn nữ. Như vậy khu vực Đông Nam á đã có 4 quốc gia có được huy chương tại Olympic London. Đây là một tiến bộ của thể thao Đông Nam á. Tuy nhiên trong niềm vinh dự này lại không có tên Việt Nam, bởi tại Olympic London 2012, đoàn thể thao Việt Nam không có được huy chương nào. Đây có thể nói rằng thể thao Việt Nam đang thua kém các nước trong khu vực khi tham dự tại sân chơi thể thao lớn nhất hành tinh.

 

Nhìn nhận lại sự phát triển của thể thao Việt Nam trong quá trình hội nhập khu vực và thế giới, cho thấy đã có những bước tiến nhất định. Tại khu vực Đông Nam á, thể thao Việt Nam trong khoảng 1 thập kỉ qua luôn ở trong tốp các nước mạnh nhất, nhiều kì đại hội thể thao khu vực đoàn thể thao Việt Nam luôn đứng thứ 3. Tại Olympic London 2012, thể thao Việt Nam cũng đã có 18 vận động viên đoạt chuẩn tham dự Olympic. Tuy nhiên đủ chuẩn dự Olympic với việc đoạt được huy chương tại Olympic lại là hai vấn đề còn qúa khác nhau. Để có được huy chương tại Olympic, buộc vận động viên phải có một đẳng cấp cao trên mức chuẩn khá nhiều, đồng thời lại phải gặp may mắn trong qua trình thi đấu. Vì thế đoàn thể thao Việt Nam tham dự Olympic London 2012 có số vận động viên và các môn thi đấu cao nhất từ trước đến nay nhưng lại không thể có được huy chương. Điều này cho thấy thể thao Việt Nam còn thua kém một số nước trong khu vực về đào tạo các vận động viên thành tích cao. Chúng ta mới chỉ quan tâm đến việc làm sao có số vận động viên đạt chuẩn đến tham dự Olimpic mà chưa quan tâm đúng mức đến việc có vận động viên đủ đẳng cấp để có huy chương như các nước cùng có nền thể thao trong khu vực như Malaysia, Thái Lan, Indonesia, Singapore. Các nước trên đã có những vận động viên thực sự đủ sức cạnh tranh huy chương về một số môn và họ đã có được thành quả.

 

Thể thao thành tích cao đòi hỏi phải có nhân tài và được dày công đào tạo, khổ luyện từ rất sớm, với những người thầy giỏi. Có những môn phải huấn luyện ngay từ lúc vài ba tuổi, với những huấn luyện viên tầm cỡ thế giới thì mới mong có được huy chương tại Thế vận hội. Chính vì vậy để thể thao Việt Nam có được những tấm huy chương tầm cỡ thế giới cần phải có chiến lược đào tạo đỉnh cao từ rất sớm đối với những vận động viên năng khiếu như những quốc gia khác. Sự chủ động đó sẽ tạo cho thể thao Việt Nam có được vị thế trên sân chơi khu vực và thế giới bằng thực lực chứ không chỉ trông chờ vào may mắn.