Đó là nhận xét của báo chí thể thao Châu Á ngay bên lề các trận đấu cuối của Cúp Bóng chuyền nữ Châu Á 2012, mới diễn ra tại Kazakhstan. Lần đầu tiên lọt vào bán kết, vượt qua hai đối thủ sừng sỏ là Nhật Bản và Hàn Quốc, đội tuyển nữ Việt Nam (ĐTVN) xứng đáng được xem là nhân tố mới của sân chơi truyền thống này.
Khơi nguồn
Bóng chuyền Việt Nam (BCVN) từng giành nhiều thành tích tại đấu trường khu vực. Rõ nhất là trận thắng 3-0 của đội BC nam miền Bắc trước đội chủ nhà Indonesia ở Đại hội Ganefo 1963, đội nữ giành hạng ba tại Ganefo Châu Á năm 1966, chỉ xếp sau Trung Quốc và Triều Tiên. Tuy nhiên, do nhiều yếu tố khác nhau mà phải tới SEA Games 2001 BCVN (nữ) mới lại có thêm tấm HCB. Kể từ đó, trong 6 kỳ SEA Games liên tiếp, các cô gái Việt Nam luôn giữ được hạng nhì, sau Thái Lan dù về chuyên môn thì còn có khoảng cách đáng kể so với họ.
Vượt qua Thái Lan là câu hỏi chưa có lời giải. Với những đội hàng đầu châu lục như Hàn Quốc, Nhật Bản, gặp lần nào là BCVN chấp nhận thất bại lần ấy. Cho đến giải năm 2012 này…
Cú đúp tuyệt vời
Bảng xếp hạng thế giới mới nhất cho thấy xếp sau Mỹ (số 1) và Braxin (số 2) là Nhật Bản. Hạng 11,12 là Hàn Quốc và Thái Lan. Thứ hạng ấy dự báo cuộc chơi của ĐTVN sẽ đầy giông tố.
Thực tế khác xa dự đoán của giới chuyên môn thế giới. Sau trận thắng Iran, một đội bóng "đồng cân đồng lạng", và thua Trung Quốc - ứng cử viên cho chức vô địch, ĐTVN đã tạo bước ngoặt đầu tiên với trận thắng ĐT Nhật Bản gồm nhiều cầu thủ tuyến hai song vẫn do HLV vừa dẫn đội dự Olympic 2012 trở về huấn luyện, tuổi bình quân là 22,5. Lọt vào tứ kết với vị trí nhì bảng, các cô gái Việt Nam đụng ngay ĐT Hàn Quốc. Với sự xuất sắc vượt trội của Ngọc Hoa, Kim Huệ, Đào Thị Huyền, Phạm Thị Yến, ĐTVN đã có trận thắng lịch sử với tỷ số 3-2 (25-17, 23-25, 14-25, 25-22, 15-11) trước một ĐT Hàn Quốc ra sân với đội hình vừa tham dự Olympic 2012, chỉ vắng chủ công Kim Yeon- Koung (10). Lần đầu tiên BCVN lọt vào tới bán kết Cúp Châu Á. Dù tại trận bán kết ĐTVN thua nhanh 0-3 (22/25, 24/26, 17/25) trước dàn cầu thủ xuất sắc của Thái Lan với những cái tên quen biết như Onuma, Winlavan, Pleumjit, Nootshara, Malika… nhưng với những gì đã thể hiện, các cô gái Việt Nam xứng đáng được coi là bất ngờ thú vị nhất ở giải này.
Vĩ thanh
Vẫn biết giành chiến thắng lịch sử trên sàn đấu đã khó, giữ vững phong độ và chứng minh rằng những trận thắng vừa qua không phải là may mắn còn khó hơn nhiều. Người hâm mộ hào hứng đón nhận chiến thắng của BCVN tại sân chơi Châu Á nhưng phía sau niềm vui là nỗi băn khoăn trước bước đi sắp tới của BCVN.
Băn khoăn là phải bởi nhìn vào đội hình hiện tại, có thể thấy ĐT nữ Việt Nam vẫn ra sân với nhiều "lão tướng". Sự trẻ hóa không hiện hữu, cho thấy chưa được quan tâm đúng mức. Nếu chú ý sẽ thấy hầu hết các đội tham dự giải này đều đã tung nhiều gương mặt trẻ vào sân, có lẽ là chỉ trừ chúng ta.
Thứ hai, những cải tiến về lối chơi cần được tiếp tục vận dụng và sáng tạo thêm bởi chỉ có kỹ - chiến thuật tốt mới có thể bù đắp cho sự thiếu hụt về sức bền và chiều cao. Bài học quý báu từ đội nữ Thái Lan vẫn còn nguyên tính thời sự. Họ có chỉ số bình quân về chiều cao hạn chế nhưng vững vàng ở tốp đầu thế giới là do đâu?
Thứ ba, là dù chơi tốt ở sân chơi châu lục nhưng điều đó không có nghĩa là bóng chuyền nữ Việt Nam thảnh thơi ở SEA Games 27 tới. Ở đó, ngoài Thái Lan vẫn sừng sững thách thức, BCVN cần chuẩn bị kỹ lưỡng để đối đầu với một ĐT nữ Indonesia trẻ trung giàu tiềm năng, và kể cả chủ nhà Myanmar.