Sự đổ vỡ là cần thiết

14:06, 19/12/2012

Trong những ngày qua, dư luận người hâm mộ và các cơ quan thông tin đại chúng đều đã tốn khá nhiều công sức, giấy mực nói về chuyện suy thoái, đổ vỡ của nền bóng đá Việt Nam trên cả phương diện cấp quản lý, các giải thi đấu trong nước, các câu lạc bộ và đội tuyển quốc gia…

 Nhiều ý kiến cho rằng, đây là lỗi có tính hệ thống và là nỗi đau cho bóng đá nước nhà. Tuy nhiên cũng có không ít ý kiến cho rằng chính sự đổ vỡ của bóng đá vừa qua lại là một việc rất cần thiết, nó đặt ra sự bắt buộc phải làm lại cho bóng đá nước nhà phát triển, còn nếu cứ tồn tại kiểu như: được chút ít, còn mất thì nhiều và vẫn còn cái cớ để đổ lỗi, bao biện thì có lễ bóng đá Việt Nam sẽ đến lúc chẳng còn được ai để ý và rất khó chấn hưng trở lại. Theo chúng tôi, nhận định về sự cần thiết của sự đổ vỡ vừa qua là rất xác đáng và ở một khía cạnh nào đó có thể gọi là may mắn khi nó đã xảy ra không quá muộn.

 

Trước hết sau 12 năm làm bóng đá chuyên nghiệp, những cái được không thu được là bao, nhưng những mặt trái lại lộ quá rõ. Cầu thủ ngoại tràn lan trên sân cỏ quốc nội, trong đó có cả những cầu thủ không mấy xuất sắc do nhập tịch. Các đội bóng đua nhau mau bán, chuyển nhượng, đẩy giá cầu thủ lên quá giá trị thực tế để cốt nhằm có được tiếng tăm để quảng bá thương hiệu cho những ông chủ và cả với mục đích ngoài bóng đá. Tình trạng tiêu cực của trọng tài, các cầu thủ có xu hướng gia tăng, chất lượng các giải thi đấu kém hấp dẫn do tình trạng một ông chủ có nhiều đội bóng. Hậu quả là chất lượng đội tuyển quốc gia suy giảm, các cầu thủ không mặn mà cống hiến mà chỉ lo giữ chân cho mục tiêu làm giá. Cầu thủ bỗng dưng nhiều người trở thành tỷ phú, có huấn luyện viên cũng tự cho mình là giỏi, phải có lương cả trăm triệu mỗi tháng… Các cầu thủ có tiền nhưng ít được giáo dục, rèn luyện đã sa đà, ăn chơi và cũng không ít dính vào tệ nạn xã hội… Nay khi mà do suy thoái kinh tế, nhất là các nhà tài trợ đã chán bóng đá do nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân do quản lý bóng đá yếu kém, do cầu thủ đá “cuội” nhiều hơn đá thật. Tại các đấu trường sân cỏ khu vực là sân chơi vừa sức nhất, nhưng đội tuyển quốc gia và đội U-23 cũng không để lại được ấn tượng nào đáng kể, ngoài chức vô địch AFF cúp năm 2008 được cho là do may mắn nhiều hơn thực lực. Thực tế trên cái bong bóng bóng đá Việt Nam đã vỡ. Nhiều câu lạc bộ bị giải thể và có tới hơn 200 cầu thủ mất việc, số cầu thủ còn lại được thi đấu nhưng lương, thưởng, tiền lót tay bị giảm nhiều so với trước đây. Về các đội tuyển, bóng đá Việt Nam đã ngộ ra rằng: nếu không quan tâm cho các cầu thủ trẻ thi đấu cọ sát, không quan tâm đào tạo trẻ thì đội tuyển sẽ dần tiến đến hàng ngũ các đội kém nhất tại khu vực kém nhất của nền bóng đá thế giới.

 

Vậy nên sự đổ vỡ nêu trên được cho là cần thiết để bóng đá Việt Nam được làm làm lại từ đầu và biết được những điểm yếu, những chông gai để tránh. Rồi đây khi mà chúng ta có được những người quản lý bóng đá có tâm, có tầm, có tài; các cầu thủ trở về với giá trị đích thực và nhận thức ra rằng: chỉ có đá thật, chơi hết mình vì bóng đá họ sẽ được khán giả đến sân cổ vũ và qua đó sẽ được danh tiếng và cuộc sống tốt. Và chỉ có sự phát triển của cầu thủ người Việt mới làm cho đội tuyển Việt Nam mạnh lên, được người dân Việt Nam mến mộ, ủng hộ. Vì vậy chỉ có làm lại đội tuyển từ cái đầu đến đôi chân của cầu thủ thì chúng ta mới có được danh hiệu mà thôi.

 

Có lẽ Việt Nam không thiếu nhân tài bóng đá và cũng không kém bất cứ nơi nào trên thế giới về tình yêu bóng đá và lòng tự tôn dân tộc. Vì thế người hâm mộ luôn tin bóng đá Việt Nam sẽ được chấn hưng và sớm trở lại là một trong những thế lực mạnh tại khu vực và hướng ra tầm châu lục.