Những khoảng tối, sáng

15:01, 12/01/2013

Năm Nhâm Thìn - “năm con Rồng” - vốn được cho là sẽ nhiều may mắn. Vậy mà trong lĩnh vực bóng đá, một môn thể thao được nhiều người ưa thích nhất hành tinh, trong đó có người Việt Nam ta, lại gặp nhiều khó khăn, xui xẻo, làm rầu lòng bao người hâm mộ. Một năm với khá nhiều hoạt động nhưng bóng đá Việt Nam có nhiều khoảng tối lộ diện và những khoảng sáng ngày càng ít đi, lại mờ nhạt hơn.

Về những khoảng tối, có thể kể đến trước tiên đó là sự đi xuống của bóng đá nước nhà về chuyên môn và thành tích. Sau nhiều lần tranh cãi và không thể hạn chế được tiêu cực tại các giải đấu, Công ty cổ phần Bóng đá Việt Nam (VPF) ra đời để lãnh nhiệm vụ điều hành giải đấu chuyên nghiệp và hạng nhất. Lúc đầu có khá nhiều kỳ vọng vào mô hình này, nhưng nay thì người hâm mộ lại rất thất vọng. Sự bất đồng, cãi vã giữa Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) và VPF về bản quyền truyền hình, rồi tình trạng một ông chủ 2 đội bóng, tình trạng “vừa đá bóng vừa thổi còi” vẫn chưa có biện pháp khắc phục. Vì vậy VPF bị đánh giá là không điều hành giải đấu thành công và có quá nhiều hạn chế, khiếm khuyết.

 

Tiếp đó, do không ít các ông bầu không còn mặn mà với bóng đá, trong đó có cả sự thất vọng với cung cách điều hành của những người làm quản lý bóng đá; mặt khác do ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế, nên tại các giải đấu có tới 8 đội bóng bị giải thể hoặc chuyển giao, trong đó có cả những đội bóng khá danh tiếng như: K.Khánh Hòa, Navibank Sài Gòn, Câu lạc bộ bóng đá Hà Nội. Vì vậy, tại mùa bóng năm 2013, Giải chuyên nghiệp chỉ có 12 đội tham dự, còn Giải hạng nhất chỉ có 8 đội tham dự. Tình trạng này gây nên cảnh không ít cầu thủ, huấn luyện viên thất nghiệp, chán chường.

 

Năm qua cũng có những sự kiện làm hoen ố hình ảnh bóng đá Việt Nam. Trường hợp cầu thủ Huy Hoàng - mặc áo tuyển thủ quốc gia - “say rượu” gây tai nạn, “múa may, ca hát” trong xe ô tô là hình ảnh rất phản cảm và gây nhiều tranh cãi. Rồi không ít cầu thủ có hành vi vô văn hóa trên sân cỏ, đánh lộn lẫn nhau; cổ động viên thì hành hung trọng tài đến mức phải ra tòa… Cuối năm, hy vọng cuối cùng vớt vát lại uy tín cho bóng đá nước nhà chính là việc Đội tuyển quốc gia tham dự AFF Cúp 2012. Được đánh giá là ứng cử viên nặng kí cho chức vô địch, nhưng sự kỳ vọng đó chỉ là ảo tưởng, các cầu thủ Việt Nam thi đấu như mơ ngủ, với lối đá èo uột, rắm rối, và quan trọng nhất là tinh thần thi đấu của Đội tuyển quá kém, thiếu quyết tâm. Từ chỗ được đánh giá là ứng viên của chức vô địch, Đội tuyển Việt Nam bị loại ngay từ vòng đấu bảng, chỉ giành được 1 điểm sau 3 trận đấu. Sau giải, Huấn luyện viên trưởng Phan Thanh Hùng là người được thông cảm nhất khi ông tuyên bố từ chức. Nhưng lạ thay tất thẩy những người có trách nhiệm khác về thất bại của Đội tuyển đều “án binh bất động”, coi như vô can. Vậy nên khoảng tối lại thêm tối…

 

Khoảng tối nhiều, nhưng trong năm qua bóng đá Việt Nam cũng có những khoảng sáng để mà an ủi và hi vọng. Năm 2012, đội tuyển bóng đá nữ Việt Nam đoạt chức vô địch bóng đá nữ Đông Nam Á và cũng là lần thứ 6 đoạt chức vô địch. Đội tuyển Futsal Việt Nam đoạt chức Á quân Đông Nam Á. Tuy nhiên điểm sáng được cho là lung linh và nhiều hi vọng nhất chính là Học viện bóng đá HAGL kết hợp với câu lạc bộ Arsenal của Anh đã chuẩn bị cho ra lò lứa cầu thủ có chất lượng tốt, trong đó có 4 tai năng trẻ đã được đi thử việc, luyện tập tại câu lạc bộ Arsenal. Đây có thể coi là một thành công lớn, mở ra hướng mới cho đào tạo tài năng bóng đá của Việt Nam trong thời gian tới để hội nhập bóng đá đỉnh cao của khu vực, châu Á và thế giới.