Không còn là mục tiêu lớn nhất, nhưng không thể phủ nhận tầm quan trọng của sân chơi SEA Games, khi đây vẫn cứ là bàn đạp chính để thể thao Việt Nam vươn lên chinh phục đấu trường châu lục và thế giới.
1. Ra đời từ năm 1959 dưới cái tên SEAP Games (Đại hội thể thao bán đảo Đông Nam Á), rồi chuyển thành SEA Games (Đại hội thể thao Đông Nam Á) vào năm 1977 ở kỳ Đại hội thứ 9 tổ chức ở Kuala Lumpur (Malaysia) - đây chính là đấu trường lớn nhất, quan trọng nhất của thể thao khu vực.
Tuy nhiên, cũng trải qua chiều dài hơn nửa thế kỷ, sân chơi này cũng bộc lộ ra nhiều vấn đề gây nhiều tranh cãi về chuyên môn và quy mô tổ chức lẫn chính mục tiêu của các đoàn thể thao quốc gia trong khu vực khi tham gia tranh tài.
Gây tranh cãi nhiều nhất và xuất hiện ở trước bất kỳ kỳ Đại hội nào, đó chính là "quyền lực" quá lớn của nước chủ nhà. Theo điều lệ của Hiệp hội Liên đoàn thể thao Đông Nam Á, thì nước chủ nhà SEA Games có quyền quyết định chính đến số môn, số nội dung thi đấu cụ thể tại Đại hội. Chính điều này đã tạo nên "kẽ hở lớn" để đoàn thể thao quốc gia đăng cai tổ chức giành nhiều hơn HCV nhờ việc đưa vào chương trình thi đấu phần lớn các môn thế mạnh của mình.
Không thể phủ nhận, cũng chính cái "kẽ hở" này đã khiến sức cạnh tranh của các kỳ SEA Games gần đây trở nên thấp hơn. Nhiều đoàn thể thao trong khu vực không còn thực sự mặn mà, hoặc đặt chỉ tiêu giành thứ hạng cao ở bảng xếp hạng huy chương.
SEA Games 27 diễn ra vào tháng 12 tới cũng không là ngoại lệ. Tại phiên họp của Liên đoàn Thể thao Đông Nam Á tại thành phố Nay Pyi Taw ngày 29-1 vừa qua, nước chủ nhà Myanmar công bố các môn thi đấu tại SEA Games 27 diễn ra ở nước này vào tháng 12 tới.
Theo đó, dự kiến 33 môn thi đấu sẽ được tổ chức tại Đại hội và đáng chú ý có khá nhiều môn, nội dung là thế mạnh của thể thao Việt Nam cũng như nhiều nước khác trong khu vực như: Thể dục dụng cụ, Đấu kiếm, Lặn... bị loại.
2. Với việc hàng loạt môn, nội dung thế mạnh không có trong chương trình thi đấu, theo tính toán của giới chuyên môn sẽ khiến thể thao Việt Nam mất đi khoảng 10 HCV và ngay cả mục tiêu đứng trong tốp 3 cũng trở nên khó khăn hơn khi vấp phải sự cạnh tranh của đoàn chủ nhà cùng các quốc gia mạnh trong khu vực như: Thái Lan, Malaysia, Indonesia...
Trước bối cảnh đó, vấn đề đặt ra lúc này cho thể thao Việt Nam là cần xác định chính xác hơn mục tiêu trong lần tham dự kỳ SEA Games này. Việc tiếp tục đứng trong tốp đầu của thể thao khu vực là điều cần thiết để tái khẳng định vị thế, nhưng rõ ràng, thể thao Việt Nam không cần phải giữ cái vị thế bằng mọi giá.
SEA Games lúc này cần phải được xác định là cơ hội cọ xát tốt về chuyên môn nhằm chuẩn bị cho các đấu trường cao hơn như ASIAD 17 năm 2014, Olympic 2016. Bao nhiêu tấm HCV ở đây rõ ràng không quan trọng bằng chất lượng của các tấm huy chương, chất lượng thành tích có mang tới bước đột phá hay không mà thôi.
Đặc biệt, vào năm 2019 tới đây, Việt Nam sẽ là chủ nhà của kỳ ASIAD 18 thì ngay từ lúc này, chúng ta đã cần phải xây dựng lực lượng trẻ có chất lượng và được "thử lửa" ngay chính từ kỳ SEA Games tới.
Hơn thế, ngay cả khi hàng loạt các thế mạnh vắng mặt thì với những môn thể thao còn lại như: Điền kinh, Thể hình, Canoeing, Cờ (cờ vua và cờ Tướng); Karatedo, Pencak Silat, Rowing, Wushu... đặc biệt là môn võ cổ truyền Vovinam, nếu có sự chuẩn bị dài hơi, khoa học, thì việc có mặt trong tốp 3 cũng hoàn toàn không khó.
Rồi nhắc tới SEA Games cũng không thể không nhắc tới bóng đá nam với giấc mơ Vàng đã dang dở cũng đã hơn nửa thế kỷ. Với sức tác động lớn tới xã hội, thành công và cả thất bại của đội tuyển U23 trên đất Myanmar vào cuối năm nay sẽ quyết định phần quan trọng đến sự thành bại chung của cả đoàn thể thao Việt Nam.