Mùa bóng 2013 đã khép lại với rất nhiều ý kiến trái ngược nhau, trong đó có không ít ý kiến cho rằng mùa bóng này thất bại nhiều hơn thành công. Nhưng cũng không phải không có những nhận định cho rằng đây là một mùa bóng rất thành công trong một điều kiện có quá nhiều khó khăn. Theo chúng tôi thì những ý kiến nêu trên đều khá đúng, bởi mùa bóng 2013 đã kết thúc với nhiều điều đọng lại, cần phải suy xét, tìm ra hướng đi mới, cách làm mới để phục hưng bóng đá Việt Nam.
Trước hết công bằng mà nhận định thì trong tình hình khủng hoảng kinh tế, nhiều doanh nghiệp không có khả năng và không mấy mặn mà với bóng đá, thậm chí có hàng chục câu lạc bộ bóng đá tại các hạng chuyên nghiệp, hạng nhất, hạng nhì bị giải thể, hàng trăm cầu thủ thất nghiệp, nhưng Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) và Công ty cổ phần Bóng đá Việt Nam (VPF) vẫn tiếp tục tìm cách duy trì và tổ chức được tất cả các giải thi đấu bóng đá năm 2013 theo kế hoạch đề ra, trong đó có 2 giải quan trọng nhất là giải vô địch hạng chuyên nghiệp quốc gia và giải hạng nhất quốc gia. Cả 2 giải thi đấu đó đã đi đến trận đấu cuối cùng, xác định được các danh hiệu của giải đấu, các đội thăng hạng, các đội phải xuống hạng. Các giải thi đấu bóng đá vẫn thu hút được sự quan tâm của hàng triệu người hâm mộ theo dõi trên truyền hình và hàng vạn khán giả đến sân vận động theo dõi các trận đấu. Bóng đá vẫn là một môn thể thao không thể thiếu đối với người dân Việt Nam và luôn là môn thể thao mang tính cộng đồng cao nhất trong các môn thể thao đang được quan tâm tại Việt Nam.
Mặc dù trong tình hình kinh tế khó khăn nhưng vẫn có không ít doanh nghiệp, người hâm mộ vẫn hết mình vì sự phát triển của bóng đá nước nhà. Vì vậy các câu lạc bộ tuy không có được nguồn lực tài chính dồi dào như trước, nhưng vẫn có đủ mức lương, thưởng cần thiết để thu hút cầu thủ, thu hút các nhà tài trợ. Các doanh nghiệp, các địa phương làm bóng đá tử tế, vì công chúng, vì môn thể thao “vua” và trên hết họ làm bóng đá vì chính uy tín, thương hiệu của doanh nghiệp nên giải đấu nhiều khó khăn như mùa giải 2013 đã đi đến đích. Chính những doanh nghiệp đó, đội bóng đó mới là nơi thu được thành công lớn, bởi hình ảnh của họ đã khắc ghi trong lòng người hâm mộ. Có thể nêu tên các đội bóng đã gặt hái thành công là: Hà Nội T&T, SHB Đà Nẵng, Hoàng Anh Gia Lai, Sông Lam Nghệ An. Đây có thể nói là những câu lạc bộ bóng đá có tính chuyên nghiệp, tính bền vững hàng đầu của bóng đá Việt Nam hiện tại, và cũng là những nhân tố, là mô hình để các câu lạc bộ khác tìm hiểu, học tập và hướng tới.
Bên cạnh những tích cực nêu trên, kết thúc mùa bóng năm 2013 mọi người cũng ngộ ra rằng: Bóng đá không dành cho những người chỉ đến với bóng đá theo kiểu hứng chí, ăn xổi, mưu lợi trước mắt với mục đích đánh bóng thương hiệu. Những ông chủ đưa tiền cho bóng đá những mong có được mục đích trên đã phải bỏ cuộc chơi giữa chừng, phải bán tống bán tháo đội bóng, phải giải thể. Cái giá của họ không chỉ là thua thiệt về tài chính mà cái mất lớn hơn chính là thương hiệu của doanh nghiệp đó, thậm chí là tên tuổi của chính các ông chủ cũng bị ảnh hưởng do cách làm, cách hành xử của họ khi đến với bóng đá. Theo chúng tôi, việc Liên đoàn Bóng đá Việt Nam vẫn quyết tâm xử lý những vi phạm của các đội bóng, các trọng tài, các cầu thủ một cách nghiêm khắc, kể cả trong tình thế có đội bỏ giải là một việc làm cần thiết nhằm duy trì sự tôn nghiêm của luật chơi, tôn trọng khán giả và cũng là một bài học cho những ai đến với bóng đá mà không phải vì mục đích chung cho sự phát triển của bóng đá, cho người hâm mộ. Tại các quốc gia có nền bóng đá phát triển, những vi phạm như ở Việt Nam sẽ bị xử lý rất nghiêm khắc. Vì vậy, muốn cho bóng đá Việt Nam được chấn hưng, phát triển thì sự chuyên nghiệp trong thực hiện luật chơi; công tác trọng tài, chế tài xử lý các vi phạm của lãnh đạo các đội bóng, cầu thủ, trọng tài cũng cần phải vận dụng các cách làm bóng đá của các nước có nền bóng đá chuyên nghiệp, tiên tiến.
Tháng 10 năm nay, Đại hội Liên đoàn Bóng đá Việt Nam khoá mới sẽ được tổ chức. Đây là Đại hội dự báo sẽ có nhiều thay đổi về cả nhân sự và quy chế hoạt động của Liên đoàn. Người hâm mộ bóng đá nước nhà đang tin tưởng và hy vọng sau Đại hội, bóng đá Việt Nam sẽ có những bước phát triển mới.