Sẵn sàng cho Ngày hội của học sinh khuyết tật toàn quốc

16:40, 02/12/2013

Sáng mai 3-12, đúng vào Ngày Quốc tế người khuyết tật, Hội thi thể thao học sinh khuyết tật toàn quốc lần thứ V năm 2013 do tỉnh Thái Nguyên đăng cai tổ chức chính thức được khai mạc. 

Hội thi là dịp để các em học sinh khuyết tật được hoà nhập vào môi trường sống của cộng đồng, có điều kiện học tập, rèn luyện, giao lưu, vui chơi, giải trí cùng các bạn học sinh trường khác, qua đó giúp các em thêm lạc quan, yêu đời, hăng say học tập, rèn luyện, phát huy mọi năng lực sẵn có cũng như phát triển về thể chất, nhân cách, thẩm mỹ và kiến thức xã hội... Với sự tích cực, nỗ lực chuẩn bị của các cơ quan, đơn vị chức năng trong những ngày qua, có thể khẳng định Thái Nguyên đã sẵn sàng cho Ngày hội của học sinh khuyết tật toàn quốc.

 

Đồng chí Bùi Đức Cường, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) tỉnh Thái Nguyên, Phó trưởng Ban Tổ chức Hội thi cho biết: Với vai trò của cơ quan thường trực Hội thi, ngành đã nhanh chóng tham mưu cho lãnh đạo tỉnh ban hành chỉ thị giao nhiệm vụ cụ thể cho từng sở, ngành phối hợp với Sở GD&ĐT trong việc tổ chức Hội thi, đồng thời thành lập các tiểu ban giúp việc cho Ban Tổ chức. Các tiểu ban giúp việc cho Ban Tổ chức đã nỗ lực chuẩn bị tốt các điều kiện về địa điểm thi đấu cũng như nơi ăn ở, đi lại cho các đoàn thể thao về tranh tài tại Hội thi một cách an toàn tuyệt đối để Hội thi thực sự là ngày hội của các em học sinh khuyết tật, là nơi giao lưu, học hỏi, trao đổi kinh nghiệm học tập cũng như thi đấu thể thao của các em trên mọi miền của Tổ quốc...

 

Trung tâm Dịch vụ và Thi đấu thể thao tỉnh là một trong những thành viên của Tiểu ban cơ sở vật chất. Trung tâm được chọn làm địa điểm tổ chức Lễ khai mạc và là nơi thi đấu của 3 môn: bóng đá, cờ vua và kéo co. Trao đổi với chúng tôi, ông Đào Minh Giang, Giám đốc Trung tâm cho biết: “Đây là lần đầu tiên đơn vị được chọn để làm địa điểm tổ chức cho các học sinh khuyết tật thi đấu các môn thể thao. Trung tâm không có các phòng thi đấu chuyên biệt dành cho các vận động viên (VĐV) khuyết tật, vì thế đơn vị phải mua sắm mới hoặc thuê, mượn thêm nhiều trang thiết bị để đảm bảo an toàn thi đấu cho các VĐV. Đối với các phòng bố trí thi đấu môn đá bóng, kéo co, cờ vua, chúng tôi đều nhờ các chuyên gia của Vụ Công tác học sinh, sinh viên (Bộ GD&ĐT) tư vấn giúp. Đơn cử như môn bóng đá dành cho học sinh khiếm thị thì phải lắp đặt toàn bộ hệ thống đệm mút xung quanh sân thi đấu và bảo hiểm cột cầu môn…

 

Qua kiểm tra của Ban Tổ chức trước Lễ khai mạc 1 ngày thì các công việc chuẩn bị cho Hội thi từ Lễ khai mạc, bế mạc, địa điểm thi đấu đến nơi ăn, ở, các công trình phục vụ cho Hội thi, công tác bảo đảm an ninh trật tự, y tế… đều đã được chuẩn bị sẵn sàng để đón các đoàn VĐV về tranh tài. Trao đổi với anh Võ Minh Tuấn, cán bộ của Sở GD&ĐT tỉnh Đắc Lắc dẫn Đoàn VĐV tham gia thi đấu, anh rất cảm kích trước sự đón tiếp thịnh tình của đơn vị chủ nhà Thái Nguyên và sự chuẩn bị chu đáo về nơi ăn, chốn ở cho các thành viên trong đoàn Đối với các đoàn VĐV khác cũng vậy. Ngoài nhiệm vụ đăng cai tổ chức Hội thi, tỉnh Thái Nguyên cũng cử 50 VĐV, nhân cốt chính là học sinh Trường Giáo dục và Hỗ trợ trẻ em bị thiệt thòi tỉnh của tham gia thi đấu ở cả 6 môn của Hội thi, gồm: điền kinh, bật xa tại chỗ; cờ vua, bóng đá mi ni; kéo co, cầu lông và bóng bàn. Những ngày qua, dưới sự dẫn dắt của các huấn luyện viên, các VĐV tích cực tập luyện. Em Triệu Hà Duy, học sinh lớp 7 khiếm thị, bày tỏ quyết tâm: “Em tham gia thi đấu 2 môn là điền kinh và bóng đá. Hai môn này đối với chúng em khi tập luyện cũng như thi đấu có nhiều nguy hiểm, dễ bị chấn thương. Nhưng em cũng như các bạn trong đội sẽ nỗ lực hết sức để có thể giành Huy chương”.

 

Hội thi Thể thao học sinh khuyết tật toàn quốc diễn ra theo chu kỳ 2 năm một lần, nhằm tạo cơ hội cho các em học sinh khuyết tật được thường xuyên tập luyện, học tập, vui chơi, phát triển mọi năng lực sẵn có, tăng cường sức khoẻ, thêm lạc quan yêu đời và hoà nhập với đời sống xã hội. Đây cũng là hoạt động thiết thực góp phần thực hiện “Chiến lược phát triển giáo dục” và định hướng chọn giáo dục hoà nhập là hướng chủ yếu cho trẻ khuyết tật ở Việt Nam của Bộ GD&ĐT. Đồng thời qua đây tiếp tục hưởng ứng cuộc vận động học tập và rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại, cùng với đó là hướng mọi hoạt động của nhà trường vào sự nghiệp đổi mới GD&ĐT. Với sự nỗ lực chuẩn bị của tỉnh Thái Nguyên, chắc chắn Hội thi sẽ thực sự là Ngày hội của các em học sinh khuyết tật trên toàn quốc...