Thành công đến từ khổ luyện

09:06, 02/03/2014

SEA Games 27 đã khép lại một năm đầy biến động của thể thao Việt Nam. Người hâm mộ đã được trải qua nhiều cung bậc cảm xúc, từ những nỗi buồn, lo âu đến không ít niềm vui hân hoan. Hãy cùng Nhân Dân hằng tháng điểm qua một vài gương mặt đã không ngừng nỗ lực để đem về vinh quang cho thể thao Việt Nam tại kỳ đại hội lớn nhất khu vực vừa qua.

“Tiểu tiên cá” Nguyễn Thị Ánh Viên

 

Cái tên Nguyễn Thị Ánh Viên có lẽ không còn xa lạ với người hâm mộ bởi những kỳ tích mà cô gái 17 tuổi này mang về cho thể thao Việt Nam nói chung, bơi lội nước nhà nói riêng. Có thể nói 2013 là năm đáng nhớ với Ánh Viên khi cô trở thành nữ tuyển thủ bơi lội đầu tiên của Việt Nam đoạt HCV SEA Games và cũng là nữ kình ngư đầu tiên của ta phá hai kỷ lục của đại hội.

 

Tuy vậy, dường như Ánh Viên vẫn chưa thật sự hài lòng với thành tích này khi mà em có thể làm tốt hơn thế trong các buổi tập. Không chỉ có Ánh Viên nghiêm khắc với bản thân, ngay cả HLV trưởng Đặng Anh Tuấn cũng tỏ ra không hài lòng khi cô gái trẻ người Cần Thơ này kết thúc nội dung thi đấu của mình. Không hề ngoa ngôn khi nói việc Ánh Viên thi đấu tại SEA Games có thể xem như một hành động theo kiểu “dùng dao mổ trâu để giết gà”, bởi Ánh Viên từng khẳng định được năng lực ở những sân chơi hàng đầu thế giới và châu lục như Olympic, giải vô địch thế giới hay Đại hội thể thao trẻ châu Á.

 

Con đường đến với vinh quang luôn trải đầy chông gai. Ánh Viên cũng không phải là ngoại lệ. Ngoài tố chất, cô gái trẻ này cũng đã phải trải qua rất nhiều buổi tập luyện khắc nghiệt dài ngày ở Mỹ. Không chỉ là những bài tập thể lực hay chuyên môn, có lần Ánh Viên đã phải bật khóc trước chế độ dinh dưỡng của chương trình đào tạo. Mỗi bữa, Ánh Viên phải ăn một cân thịt bò, 50 con tôm, một đĩa mì to và một đĩa rau trộn. Ngoài ra, em phải uống hai lít sữa mỗi ngày chưa kể trái cây và các loại nước ép. Đối với Ánh Viên, bữa ăn không phải lúc để hưởng thụ mà là một bài tập.

 

Tuổi 17, cái tuổi ngây ngô học trò, đàn đúm bạn bè, rồi cả làm điệu... nhưng đối với Ánh Viên hầu như xa lạ. Hai năm liền, em phải đón Tết qua... ti-vi với những chuyến tập huấn xa nhà. Năm nay, em đã có được những thành tích đáng nhớ trong sự nghiệp, chúc Ánh Viên sớm chinh phục thêm nhiều đỉnh cao mới!

 

Xạ thủ Nguyễn Thành Ðạt

 

 

Khi con gái chào đời, nhà tân vô địch SEA Games này đang đi tập huấn ở Hàn Quốc. Cho đến khi xạ thủ sinh năm 1984 hoàn thành xuất sắc nội dung súng trường 50 m đem về chiếc HCV đầu tiên cho môn bắn súng, anh cũng chia sẻ ngay rằng, ước muốn duy nhất là được bay ngay về Thanh Hóa để gặp con.

 

Nguyễn Thành Đạt đam mê bắn súng từ nhỏ, bất cứ loại súng gì, anh cũng mê tít. Từ nhỏ, bắn ná thun, sau này bắn súng hơi theo các anh, các chú trong khu phố, Nguyễn Thành Đạt luôn gây sửng sốt vì khả năng thiện xạ. Có thể nói người có ảnh hưởng lớn nhất với Nguyễn Thành Đạt chính là mẹ của anh, bởi cha anh mất khi anh mới gần năm tuổi. Năm 1998, mẹ anh đã đưa anh đến xin học tại Trường Thể thao Thanh Hóa để xin cho anh học bắn súng vì trước đó ngày nào Thành Đạt cũng đến xem các đàn anh tập bắn súng. Những ngày đầu tập bắn súng anh chỉ ăn rồi đi chạy, tập tạ nâng thể lực, tập điều hòa nhịp tim do thể lực chưa đủ để làm chủ được khẩu súng. Nhưng chỉ hơn một năm sau khoảnh khắc tuyệt vời nhất khi Thành Đạt đã cầm khẩu súng, siết cò.

 

Được gọi vào ĐTQG lần đầu tiên năm 2010 cũng thế, thế nhưng, Nguyễn Thành Đạt cũng không có nhiều thành tích nổi trội. Trong khi đó, BHL đội tuyển bắn súng còn phải ưu tiên cho nhiều tên tuổi khác. Cơ may đến với Thành Đạt khi xạ thủ Vũ Thành Hưng lớn tuổi chia tay đội tuyển, và anh đã không làm HLV Phan Anh Dũng cùng với các chuyên gia Hàn Quốc thất vọng tại kỳ SEA Games vừa qua.

 

Trải qua khá nhiều gian truân trong sự nghiệp, còn gì hạnh phúc hơn khi người bố trẻ đã chuyển hóa thành sức mạnh ở trên bục bắn. Nhìn khuôn mặt rạng rỡ của Nguyễn Thành Đạt trong niềm vui chiến thắng, ít ai nghĩ hành trình của tấm HCV đầu tiên của môn bắn súng tại SEA Games lần này lại gian nan, và nhiều sự hy sinh thầm lặng đến thế! Hy vọng anh sẽ tiếp tục gặt hái được nhiều thành công trong tương lai!

 

“Cô gái vàng” wushu Dương Thúy Vi

 

 

Có lẽ Dương Thúy Vi chính là câu trả lời rõ ràng nhất cho những câu hỏi về “khoảng trống” của Wushu Taolu khi các đàn chị đã lần lượt giải nghệ. Cô gái 20 tuổi này chính là người đem về chiếc HCV đầu tiên cho đoàn Việt Nam tại SEA Games 27.

 

Đây mới là lần thứ ba Vi tham dự đấu trường thể thao Đông - Nam Á. Tại SEA Games 26, Thúy Vi chỉ giành được HCĐ, một thành tích không quá ấn tượng với nhiều người, nhưng với riêng Thúy Vi lúc đó mới 18 tuổi lại là một điều đáng khích lệ, đánh dấu một sự trưởng thành cần thiết so với SEA Games 25 khi Vi còn quá non. Luôn nỗ lực rèn luyện bản thân và Vi có thêm nhiều mục tiêu cũng như thành công trong sự nghiệp. Trong bộ sưu tập của mình, Thúy Vi đã có được gần 60 huy chương các loại. Ngoài HCV SEA Games 27, đáng kể nhất là HCV Giải trẻ thế giới, HCV giải trẻ châu Á, HCV Asian Indoor Games, HCV Đại hội Thể thao toàn quốc, HCV Giải Wushu trẻ toàn quốc, HCV Liên hoan võ thuật truyền thống thế giới.

 

Thúy Vi đến với Wushu như một sự tình cờ. Hồi tám tuổi, khi thầy giáo dạy Wushu cho anh họ Thúy Vi đến chơi, thấy Vi có tố chất, thầy liền cho Vi làm một bài kiểm tra nhỏ và cô đã “bén duyên” với Wushu từ đó. Những năm tháng gắn bó với Wushu đã giúp Vi cứng cáp hơn cùng với tinh thần dũng cảm. Đối nghịch với vẻ ngoài nhỏ nhắn, Vi lại rất có cá tính, độc lập và mạnh mẽ. Wushu là một môn tương đối giàu thử thách, vì các em phải tập trung tập luyện từ khi còn nhỏ, không được gia đình bao bọc như phần lớn các bạn cùng trang lứa. Nhưng với Vi, đó là niềm đam mê vô điều kiện.

 

Đôi lúc Vi cũng cảm thấy Wushu chưa bao giờ khó khăn đến thế. Chấn thương nặng nhất của Thúy Vi là khi dự giải trẻ thế giới ở Indonesia năm 2008, Vi đang thi đấu nội dung Thương thuật và bị chệch cổ chân khi tiếp đất. Rất đau nhưng Vi đã cố gắng hoàn thành bài thi và phải để bác sĩ cùng các đồng đội bế ra.

 

Ước mơ của Vi thật giản dị khi muốn làm một HLV Wushu trong tương lai. Bước sang năm mới, chúc Vi sẽ có thêm nhiều bước tiến mới trong sự nghiệp!

 

Kình ngư trẻ Lâm Quang Nhật

 

 

Trong danh sách những VĐV đoạt HCV của đoàn Việt Nam tại SEA Games 27 vừa qua thì có lẽ Lâm Quang Nhật là cái tên ít được biết tới nhất. Thế nhưng, kình ngư sinh năm 1997 này lại gây nên một “cú sốc” khi xuất sắc về nhất tại cự ly 1.500 m tự do nam. Thành tích của Quang Nhật khi về nhất ở nội dung khó của bơi lội thật sự là một thành công ngoài sức tưởng tượng bởi từ trước tới nay, ở đấu trường SEA Games bơi lội Việt Nam chỉ giành được thành tích cao ở các đường bơi ngắn và trung bình. Ngây ngô như cái tuổi 16, sau khi “lập công”, Nhật chia sẻ rất hồn nhiên rằng em không bị áp lực về thành tích ở cự ly bơi này và em chỉ “nhắm mắt, nhắm mũi” nỗ lực hết mình để hoàn thành bài thi tốt nhất có thể.

 

Năm 2013 khép lại với Nhật như một câu chuyện cổ tích khi rất nhiều “lần đầu tiên” được Quang Nhật thực hiện. Không chỉ là người đầu tiên bơi 1.500 m tự do dưới 16 tuổi, Nhật còn là VĐV bơi của TP Hồ Chí Minh đầu tiên đoạt HCV SEA Games. Chắc chắn, thành tích tại SEA Games 27 này chưa phải là điểm dừng của Quang Nhật, 16 tuổi và tương lai còn rộng mở phía trước. Là VĐV trẻ tuổi nhất trong lịch sử bơi lội Việt Nam giành HCV tại một kỳ SEA Games, Quang Nhật bày tỏ quyết tâm khi cho biết trong tương lai, mình sẽ tiếp tục đầu tư mạnh vào nội dung cự ly dài. Hy vọng sau Quý Phước, Ánh Viên, trường hợp của Quang Nhật cũng sẽ được đầu tư tập luyện một cách bài bản và có chiều sâu để qua đó trở thành niềm hy vọng tiếp theo của bơi lội Việt Nam trong tương lai gần.