V. League quá sức với các đội nghiệp dư khoác áo chuyên nghiệp

16:58, 24/03/2014

(TN) - Chuyện lên hạng rồi lại xuống hạng ngay sau mùa bóng đầu tiên kết thúc của bóng đá Việt Nam khi chuyển đổi theo hướng chuyên nghiệp hoá như là một chuyện không có gì lạ, bởi ai cũng biết không nhiều các đội bóng Việt Nam đầu tư cho bóng đá một cách bài bản mà chỉ theo kiều ngẫu hứng, đánh bóng tên tuổi của một số doanh nhân, doanh nghiệp mà thôi.

Các ông bầu của một số đội bóng khi thích bóng đá hoặc khi cần quảng bá thương hiệu nào đó thông qua bóng đá họ sẵn sàng bỏ ra nhiều tỷ đồng để sang tên, đổi chủ đội bóng, mua sắm cầu thủ để lên hạng chuyên nghiệp thi đấu. Khi bóng đá không còn hấp dẫn hay suy thoái kinh tế, các ông bầu rút khỏi bóng đá, buông đội bóng và kết quả thì ai cũng biết, đó là đội bóng giải thể hoặc xuống chơi ở hạng thấp hơn chỉ sau một mùa bóng được lên hạng cao nhất. 

 

Điểm lại số những đội bóng hoạt động theo kiều nêu trên có thể thấy đó là các đội: Navibank Sài Gòn, Xuân Thành Sài Gòn, K.Kiên Giang, Hoà Phát Hà Nội, Hà Nội ACB, K.Khánh Hoà, Nam Định… Những đội bóng này đa số đã bị giải thể, số ít đang thi đấu thất thường ở giải hạng nhất và hạng nhì mà thôi.

 

Tại mùa bóng 2014- giải vô địch hạng chuyên nghiệp quốc gia (V.League), để có đủ số đội tham dự giải, những cơ quan làm bóng đá đã nới tay cho tới 3 đội từ hạng nhất được thăng hạng, đó là: Than Quảng Ninh, Đồng Tâm Long An và Hùng Vương An Giang. Sau vòng đấu thứ 9, trình độ của các đội mới thăng hạng đã cho thấy họ không thể làm nên chuyện tại V.League mà chỉ có thể cố làm sao trụ hạng là thành công. Hiện tượng Than Quảng Ninh đã chấm dứt và trở về với đúng thực chất của đội bóng này khi 2 trận gần đây thua liên tiếp trước các đội bóng có thâm niên tại V.League là Hải Phòng và Hà Nội T&T. Hiện tại Than Quảng Ninh tuy có được 14 điểm, nhưng cùng lắm thì đội bóng này cũng chỉ trụ thành công mà thôi.

 

Còn Đồng Tâm Long An, một cựu “đại gia” những mùa bóng trước, sau khi khủng hoảng kinh tế, đội bóng không còn được đầu tư lớn đã trở lại đúng thực chất khi không có được lực lượng trẻ được đào tạo tốt kế cận nên khá lận đận. Vì vậy sau 9 vòng với 8 trận đấu chỉ có được 4 điểm, đứng ấp chót trên bảng xếp hạng. Cơ đồ này nếu không có được sự cải thiện mạnh mẽ vào lượt về thì Đồng Tâm Long An cũng nhiều khả năng trở lại hạng nhất để thi đấu vừa sức của đội bóng.

 

Thảm hại nhất đó là tân binh V. League 2014- Hùng Vương An Giang. Đội bóng vui mừng bao nhiêu khi thăng hạng thì nay lo lắng và buồn bã bấy nhiêu khi họ không đủ sức thi đấu tại V. League. Đội bóng miền sông nước Tây Nam bộ này thi đấu 9 trận chỉ có được duy nhất 1 điểm. Với tình thế này gần như chắc chắn Hùng Vương An Giang sẽ phải xuống hạng ngay trong mùa bóng đầu tiên được lên hạng chuyên nghiệp.

 

Vẫn biết giải đấu còn khá dài, nhưng bóng đá là môn thể thao cần có sự đầu tư khá nhiều tiền của và muốn tồn tại bền vững phải có được nguồn cung cầu thủ kế cận qua việc đào tạo trẻ. Bóng đá Việt Nam hiện nay đã cho thấy những câu lạc bộ: Sông Lam Nghệ An, Hà Nội T&T, nhất là Hoàng Anh Gia Lai là những đội bóng có được sự ổn định từ việc chủ động trong khâu đào tạo các tuyến cầu thủ trẻ. Vậy nên dù trong hoàn cảnh nào các đội bóng đó vẫn phát triển. Đó chính là cách làm bóng đá rất căn bản, chuyên nghiệp cần khuyến khích để chấn hưng bóng đá nước nhà. Còn cách làm bóng đá theo kiều “ăn xổi, ở thì” sẽ mãi mãi chi là một thứ bóng đá nghiệp dư khoác áo chuyên nghiệp và sớm rụi tắt mà thôi.