Chọn thời điểm thích hợp cho việc lớn

10:26, 18/04/2014

Thời gian qua, dư luận xã hội đồng loạt rộ lên nhiều ý kiến về việc nước ta dành quyền đăng cai Asiad Games (Đại hội thể thao châu Á) lần thứ 18, tổ chức vào năm 2019. Ý kiến ủng hộ có và cũng không ít ý kiến phản đối, cho rằng Việt Nam chưa nên đăng cai sự kiện thể thao lớn nhất châu lục này.

Ý kiến ủng hộ cho rằng đây là cơ hội để chúng ta quảng bá hình ảnh đất nước, học hỏi để nâng cao trình độ thể thao nước nhà vốn đang là vùng trũng của châu Á; rằng Việt Nam đã chiến thắng trong cuộc đua để được chọn là nước đăng cai…

 

Những ý kiến phản đối cho rằng trong điều kiện khủng hoảng kinh tế toàn cầu còn chưa hồi phục, kinh tế Việt Nam còn ở mức thấp, cơ sở hạ tầng yếu kém… rằng chúng ta còn rất nhiều vấn đề cần phải đầu tư để phát triển sản xuất, đầu tư cải thiện đời sống dân sinh. Vì vậy nếu đầu tư cho Asiad thì sẽ ảnh hưởng đến kinh tế đất nước, nợ công sẽ tăng cao...

 

Quan điểm của không ít nhà quản lý kinh tế và thể thao nước nhà cũng cho rằng chúng ta nên dừng đăng cai tổ chức Asiad 18 và nên chọn thời điểm thích hợp để đăng cai tổ chức cho hiệu quả và có được sự đồng thuận nhiều hơn của xã hội.

 

Tổ chức Asiad là một việc lớn, đòi hỏi phải có sự đầu tư tương xứng, vì vậy dư luận xã hội rất quan tâm và cho rằng khi chọn làm một việc lớn như tổ chức Asiad nên có sự tính toán kỹ lưỡng và đúng là nên chọn thời điểm sao cho phù hợp, có được sự đồng thuận cao trong toàn xã hội. Trước hết, việc Việt Nam được chọn đăng cai là một tín hiệu tốt cho đất nước, nhưng cuộc đua dành quyền đăng cai thực chất cũng chỉ là giữa Việt Nam và Indonesia. Như vậy có thể nói rằng trong điều kiện kinh tế khó khăn, việc có nhu cầu đăng cai Asiad chưa thật sự thu hút nhiều quốc gia trong châu lục. Mặt khác, trên thực tế cũng không ít quốc gia sau khi tổ chức Asiad đã trở thành quốc gia nợ nần chồng chất, suy thoái kinh tế do phải chi phí quá lớn. Với nước ta hiện nay nếu tổ chức Asiad với tinh thần tiết kiệm là rất tốt, nhưng nếu vì tiết kiệm mà tổ chức sụt sùi thì hiệu quả quảng bá hình ảnh đất nước sẽ không thể cao. Còn nếu đầu tư tương xứng thì sẽ phải bỏ ra một nguồn tài chính không hề nhỏ, trong đó có việc đầu tư cơ sở vật chất, cơ sở thi đấu... mà sau đó sẽ chưa biết sử dụng như thế nào khi Assiad kết thúc. Hiện nay, không ít công trình phục vụ SEA Games mà nước ta xây dựng khi đăng cai vẫn còn để lãng phí, xuống cấp nhiều.

 

Một vấn đề nữa cũng cần đặt ra đó là trình độ thể thao của Việt Nam còn rất thấp kém so với các nước trong châu lục. Khi mà nước ta là chủ nhà thì với trình độ thể thao yếu kém nhiều so với các đoàn bạn, sức thu hút, quảng bá sẽ ra sao? Thực tế hiện nay trình độ thể thao Việt Nam rất khó có được huy chương Vàng tại Asiad. Vậy vị thế thể thao nước nhà có được cải thiện tương xứng với những gì chúng ta bỏ ra đăng cai Asiad?

 

Việc có tổ chức Asiad hay không là một việc lớn và sẽ được quyết định của Chính phủ. Tuy nhiên việc chọn thời điểm thích hợp, đó là khi nước ta có nền kinh tế vững mạnh, trình độ thể thao đã phát triển ở một mức khá trong châu lục, khi đó chúng ta tổ chức Thế vận hội châu Á chắc chắn sẽ gặt hái nhiều thành công. Vì vậy trước việc Thủ tướng Chính phủ đã quyết định giao cho các Bộ, ngành liên quan, T.P Hà Nội triển khai các bước để rút đăng cai Asiad 18 đã được dư luận xã hội đồng tình rất cao và đó chính là quyết định sáng suốt, kịp thời của Chính phủ trước lựa chọn thời điểm làm một việc lớn của đất nước sao cho phù hợp, hiệu quả và có được sự đồng thuận cao của toàn xã hội.