Chuyện ở CLB sống vui, sống khỏe

15:02, 14/04/2014

Nhận xét về Câu lạc bộ Hướng dẫn viên thể dục dưỡng sinh tỉnh (CLB), các thành viên tự hào, bảo: Đó là một CLB sống vui, sống khỏe, sống có ích cho bản thân mình và xã hội.

Theo bà Nguyễn Thị Hồi, Chủ nhiệm CLB: Hầu hết thành viên CLB đều ở tuổi trung, cao niên.  Người cao tuổi nhất đã ngoài tuổi 80, thấp nhất cũng hơn 50 tuổi. Hằng năm, thành viên CLB được Phòng Nghiệp vụ Thể dục Thể thao (Sở Văn hóa, Thể thao & Du lịch) tổ chức tập huấn từ 7 đến 10 ngày. Nội dung tập huấn là hướng dẫn kỹ thuật bài tập thể dục dưỡng sinh mới. Sau tập huấn, thành viên CLB sẽ là lực lượng hạt nhân, trực tiếp về xã, phường giúp các CLB thể dục dưỡng sinh (CLB cơ sở) tập luyện nâng cao sức khỏe.

 

Từ tháng 6-1998, phong trào tập luyện thể dục dưỡng sinh bắt đầu phát triển ở T.P Thái Nguyên. Phong trào “khai hoa” được là nhờ có sự quan tâm của Phòng Nghiệp vụ Thể dục Thể thao. Năm đó, ông Nguyễn Thế Dân, Trưởng phòng Nghiệp vụ đã về Hà Nội, mời giáo viên lên Thái Nguyên mở lớp đào tạo. Bài học duy nhất ở lớp học này là bài: “Thái cực quyền dưỡng sinh 24 thế”. Lớp học có 50 người tham gia. Bà Nguyễn Thị Tươi, huấn luyện viên của CLB bây giờ là một trong số học viên ngày đó. Bà Tươi cho biết: Mới đầu tập thấy rất khó khăn, vì đây là những bài tập thể dục kết hợp võ thuật và múa dân gian, yêu cầu của bài tập là trong tĩnh có động; động tác mạnh mẽ kết hợp mềm dẻo và nhuần nhuyễn giữa tập luyện với nhạc và lời của bài hát.

 

Kết thúc đợt học, Sở Văn hóa, Thể thao & Du lịch đã ra Quyết định thành lập CLB tỉnh, gồm 25 thành viên. Và từ đây, thành viên CLB trở thành những huấn luyện viên, hướng dẫn viên và cộng tác viên được Sở cho phép làm người hướng dẫn cho nhân dân tham gia tập luyện ở bộ môn này. Nhờ sự tích cực vào cuộc của thành viên CLB, đến cuối năm 1998, tại địa bàn T.P Thái Nguyên đã phát triển mới 10 CLB cơ sở, xã, với tổng số người tham gia tập luyện thường xuyên lên đến hơn 600 người.

 

Tham gia tập luyện, mọi người thấy bản thân khỏe mạnh, tư tưởng thoải mái, nhiều người hết bệnh đau đầu, đau dây thần kinh, không mất ngủ. Hơn thế, mọi người được gặp gỡ, trao đổi, sẻ chia tâm tư tư tình cảm, hiểu được hoàn cảnh và có điều kiện giúp đỡ nhau trong cuộc sống. Do đó, số người đăng ký tham gia sinh hoạt tại các CLB cơ sở ngày một tăng. Tại thời điểm đầu năm 2014, toàn tỉnh đã xây dựng được 45 CLB cơ sở, tăng 35 CLB so với ngày đầu thành lập; tổng số hội viên tham gia sinh hoạt có gần 3.000 người, tăng gần 2.400 người so với năm 1998.

 

Để đáp ứng nhu cầu hướng dẫn cho việc tập luyện của các CLB cơ sở, số thành viên của CLB tỉnh cũng tăng lên 160 người, trong đó có 5 huấn luyện viên, 75 hướng dẫn viên và 80 công tác viên. CLB tỉnh bao gồm các huấn luyện viên, hướng dẫn viên và cộng tác viên đang trực tiếp tham gia sinh hoạt tại CLB cơ sở. Ví như bà Hồi, làm Chủ nhiệm CLB phường Tân Long; bà Tươi, Chủ nhiệm CLB phường Phú Xá…

 

Hằng tháng, CLB tỉnh duy trì việc tập luyện vào ngày Chủ nhật đầu tiên và ngày Chủ nhật thứ 3 của tháng. Thông qua đó, thành viên CLB tỉnh có điều kiện trao đổi, thảo luận phương pháp, cách truyền đạt cho nhân dân tập luyện đúng động tác kỹ thuật của từng bài. Bà Nguyễn Thị Loan, Phó Chủ nhiệm CLB tỉnh, đồng thời là Chủ nhiệm CLB xã Quyết Thắng (T.P Thái Nguyên) cho biết: CLB của xã thành lập từ tháng 5-2005, hiện CLB của xã có 76 thành viên, trong CLB có nhiều người ở tuổi “mấy nay hiếm” tích cực tham gia tập luyện đều đặn, như cụ: Đỗ Cư, xóm Cây Xanh, cụ Hoàng Quỳnh Thạch và cụ Trần Thị Lâm, cùng ở xóm Thái Sơn 2. Trên địa bàn thành phố, các phường có CLB cơ sở duy trì tốt việc tập luyện là Trưng Vương, Phan Đình Phùng, Hoàng Văn Thụ, Gia Sàng và Phú Xá. 

 

Hằng ngày, có hàng nghìn người tham gia tập luyện thể dục dưỡng sinh. Địa điểm tập luyện của các CLB là sân nhà văn hóa xóm, tổ dân phố. Một số CLB có đông người, như Tân Long, Phú Xá tập ở sân nhà làm việc của UBND phường; xã Quyết Thắng tập ở sân Nhà văn hóa Z115… Mỗi buổi sáng, trong thời gian 60 phút, từ 5 đến 6 giờ vào mùa hè và 6 đến 7 giờ vào mùa Đông, thành viên các CLB cơ sở duy trì tập 3 bài. Ngày đầu gồm: “Thái cực quyền 24 thế”, “Thái cực kiếm 32 thế”, “Thái cực quyền 42 thế”. Hôm sau tập các bài: “Song quạt Mộc Lan”; “Mộc Lan đơn phiến”, “Võ quạt công phu phiến”. Tiếp đến là các vũ điệu: Cha cha; Chùy; Rum ba; Ba lăng chùy và các bài tập thể dục: Bát đoạn cẩm; bài tập thể dục dưỡng sinh 56 động tác.

 

Bà Tươi kể: Trước đây, tôi bị bệnh thần kinh tọa, việc đi lại rất khó khăn, nhưng do chịu khó tập luyện, tôi không biết mình khỏi bệnh từ bao giờ. Còn bà Hồi kể: Gần 10 năm trước đây, cánh tay trái của tôi bị run, không nhấc được chiếc lược để chải tóc, sau đó tôi tham gia CLB, tích cực tập luyện các bài thể dục dưỡng sinh, rồi khỏi bệnh lúc nào không hay. Nói xong, bà Hồi phấn chấn cầm đôi quạt hồng “đi” cho tôi xem bài “Song quạt Mộc Lan” với các động tác: Gà vàng báo thức; Sáng xuân tháng 3; Khỉ lười ngắm trời; Ngân hà vạn dặm và Hình hạc trong hồ… uyển chuyển dẻo mềm như một diễn viên múa trên sân khấu.

 

Không chỉ duy trì đều việc tập luyện, CLB tỉnh và các sCLB cơ sở hằng năm còn tích cực tham gia những hoạt động lớn của tỉnh, như việc tham gia diễu hành tại các kỳ Đại hội TDTT của tỉnh; tham gia đồng diễn tại Liên hoan Trà Thái Nguyên, Việt Nam lần thứ hai năm 2013. Mỗi lần diễu hành; đồng diễn có khoảng từ 300 đến 500 người tham gia. Đặc biệt hằng năm, Sở Văn hóa, Thể thao & Du lịch còn tổ chức cho các CLB cơ sở tham gia thi biểu diễn thể dục dưỡng sinh. Và theo kế hoạch, tại Đại hội TDTT tỉnh lần thứ VII, năm 2014, CLB tỉnh và các CLB cơ sở sẽ có hơn 50 người tham gia màn diễu hành hôm khai mạc Đại hội.