Trong những năm qua, ngành Văn hóa - Thể thao và Du lịch (VHTTDL) và các địa phương trong tỉnh đã chú trọng đẩy mạnh xã hội hóa công tác thể dục thể thao (TDTT) đem lại hiệu quả thiết thực. Hàng chục tỷ đồng đã được các cá nhân, doanh nghiệp và các đơn vị đầu tư để xây dựng các điểm luyện tập TDTT, phát triển các câu lạc bộ và tổ chức các giải thi đấu thể thao trên địa bàn.
Gần 3 năm đi vào hoạt động, Câu lạc bộ Bóng đá C&C, tổ 1, phường Gia Sàng (T.P Thái Nguyên) thu hút trung bình trên 1 nghìn lượt người tập luyện bóng đá mỗi tháng. Thời gian cao điểm là mùa hè, Câu lạc bộ thường thu hút trên 2 nghìn lượt người tập luyện mỗi tháng trong đó có trên 300 người luyện tập thường xuyên. Anh Đàm Đức Mạnh, quản lý Câu lạc bộ cho biết: Câu lạc bộ Bóng đá C&C được thành lập năm 2011 với tổng số tiền đầu tư trên 1,5 tỷ đồng hoàn toàn do những người đam mê môn bóng đá đóng góp xây dựng trên diện tích hơn 2 nghìn mét vuông.
Trao đổi với chúng tôi, anh Nguyễn Minh Tuấn, tổ 17 phường Gia Sàng cho biết: Mặc dù ưa thích môn thể thao “vua” nhưng trước đây anh và những người bạn không có nhiều cơ hội để ra sân luyện tập, vui chơi. Những năm gần đây, các sân bóng mở ra nhiều đã tạo cơ hội tốt cho tôi và bạn bè được chơi môn thể thao ưa thích. Với giá thuê sân ở Câu lạc bộ C&C từ 200 nghìn đồng đến 300 nghìn đồng mỗi giờ và tần suất tập luyện khoảng 3 buổi mỗi tuần, nhóm chơi đá bóng của tôi có trên 20 thành viên chỉ mất khoảng 4 triệu đồng mỗi tháng.
Tương tự như câu lạc bộ C&C, Câu lạc bộ thể hình, thẩm mỹ Thái Sơn số 64, đường Lương Ngọc Quyến (T.P Thái Nguyên) cũng được đầu tư 100% từ nguồn vốn đóng góp của các cá nhân đam mê hoạt động. Anh Nguyễn Văn Sơn, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Thái Sơn cho biết: Câu lạc bộ chính thức thành lập và đi vào hoạt động năm 2002. Ban đầu, Câu lạc bộ chỉ được trang bị những thiết bị cơ bản với tổng giá trị đầu tư khoảng 200 triệu đồng. Qua hơn 10 năm hoạt động, để đáp ứng nhu cầu của người luyện tập, câu lạc bộ đã đầu tư thêm nhiều thiết bị luyện tập hiện đại nhập khẩu từ Mỹ, Đức, Đài Loan… với tổng đầu tư lên đến gần 2 tỷ đồng. Vào những thời gian cao điểm, Câu lạc bộ Thái Sơn thu hút tới trên 2 nghìn lượt người mỗi tháng với trên 500 thành viên luyện tập thường xuyên, cao gấp 3 lần so với thời điểm mới thành lập năm 2002.
Đồng chí Vũ Xuân Cường, Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin T.P Thái Nguyên cho biết: Để đẩy mạnh phong trào TDTT trên địa bàn, nhiều năm qua, T.P Thái Nguyên đã tăng cường công tác xã hội hóa, vận động các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân đầu tư xây dựng các sân luyện tập thể thao. Chính vì vậy, chỉ trong khoảng 5 năm trở lại đây, toàn thành phố đã xây dựng được 8 sân luyện tập môn bóng đá với tổng mức đầu tư trên 7 tỷ đồng hoàn toàn từ nguồn xã hội hóa. Ngoài ra, qua công tác xã hội hóa, toàn thành phố cũng xây dựng được hàng chục sân luyện tập các môn thể thao khác nâng tổng số sân luyện tập các môn thể thao lên 800 sân trong đó có 25 sân bóng chuyền, 10 sân bóng rổ, 25 sân tennis và 11 phòng tập thể hình - thẩm mỹ. Tính từ năm 2013 đến nay, thành phố đã tổ chức được gần 20 giải thể thao cấp thành phố và 140 giải thể thao cấp xã phường… Tỷ lệ người dân luyện tập thể thao thường xuyên trên địa bàn cũng tăng từ 40% năm 2009 lên 46% năm 2013.
Được biết, không chỉ riêng T.P Thái Nguyên, công tác xã hội hóa TDTT đã giúp phong trào luyện tập TDTT toàn tỉnh những năm qua phát triển mạnh mẽ. Đông đảo người dân, các tổ chức, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã hưởng ứng phong trào luyện tập TDTT góp phần đạt tỷ lệ trung bình 35% người dân luyện tập TDTT thường xuyên năm 2014.
Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Phạm Thái Hanh, Giám đốc Sở VHTTDL cho biết: Trong những năm qua, phong trào TDTT trên địa bàn tỉnh phát triển mạnh và được đánh giá là một trong những trung tâm thể thao của cả nước. Công tác xã hội hóa để phát triển phong trào TDTT luôn được tỉnh, các ngành và các tổ chức xã hội và cộng đồng quan tâm. Trong đó, công tác xã hội hóa toàn tỉnh đạt hiệu quả cao có sự đóng góp không nhỏ của các liên đoàn thể thao. Tiêu biểu như Liên đoàn Bóng đá hàng năm vận động các đơn vị, các nhà hảo tâm hàng trăm triệu đồng phát triển phong trào bóng đá. Mới đây nhất, đầu năm 2014, Liên đoàn Bóng đã đã vận động Công ty CP Thương mại TNG tài trợ 500 triệu đồng kinh phí hoạt động cho đội bóng đá nữ.
Bên cạnh đó, các cơ quan, doanh nghiệp cũng quan tâm đầu tư để phát triển phong trào TDTT quần chúng tại đơn vị, phục vụ tốt cho đời sống tinh thần và nhu cầu rèn luyện TDTT của đông đảo cán bộ, viên chức và người lao động. Qua đó, các phong trào thể thao như cầu lông, tennis, bóng bàn, cờ tướng… phát triển mạnh. Toàn tỉnh hiện nay có hơn 1 nghìn sân cầu lông, trên 40 sân tennis, trên 10 sân bóng đá... do kinh phí xã hội hóa đầu tư xây dựng. Bên cạnh đó, các môn thể thao thành tích cao tập thể cũng từng bước được xã hội hoá bằng hình thức hỗ trợ kinh phí đào tạo, huấn luyện.
Hiện nay, tỉnh có 03 câu lạc bộ thể thao cấp tỉnh là: Câu lạc bộ hướng dẫn viên thể dục dưỡng sinh; Câu lạc bộ bắn cung, bắn súng; Câu lạc bộ mô tô phân khối lớn. Ngoài ra, chỉ tính riêng năm 2013, toàn tỉnh đã thu hút được trên 800 triệu đồng tổ chức các giải thể thao như: Giải Bóng đá câu lạc bộ tỉnh Thái Nguyên tranh cúp Nhiệt điện An Khánh lần II; giải Bóng bàn tỉnh Thái Nguyên tranh cúp Trần Minh lần thứ VI; giải Bóng bàn tỉnh Thái Nguyên - giải Báo Thái Nguyên lần thứ XV; giải Cầu lông ngành Tuyên giáo mở rộng; đại hội CLB Mô tô tỉnh lần thứ nhất…