Cờ bạc trong bóng đá - cần liều thuốc đủ mạnh

08:14, 24/07/2014

Có thể nói bóng đá Việt Nam giờ đây đã bị nhuốm màu đỏ đen, bài bạc và đang ở mức báo động. Nếu không có những liều thuốc đủ mạnh thì căn bệnh này sẽ phát triển, lan nhanh làm cho nền bóng đá nước nhà suy sụp, khán giả sẽ ngoảnh mặt với bóng đá nước nhà.

Tiêu cực trong bóng đá Việt Nam có thể nói đã xuất hiện từ thời bóng đá phong trào, bao cấp. Khi ấy các cầu thủ, huấn luyện viên và lãnh đạo đội bóng là những cán bộ, công nhân viên chức. Bóng đá bấy giờ không mang nặng tiền bạc và cũng chẳng có tiền để chi phí rủng rỉnh như bóng đá ngày nay, nhưng tiêu cực vẫn có khi mà căn bệnh thành tích của thời kỳ bóng đá phong trào lại được các đội bóng rất quan tâm. Vì vậy hiện tượng khá phổ biến của các giải thi đấu bóng đá thời đó là các cuộc móc ngoặc, đi đêm với nhau theo kiểu thắng sân nhà, thua sân đối phương hoặc nhường điểm để cứu nhau cùng trụ hạng, tạo cho nhau trong cuộc đua đến các danh hiệu… Những tiêu cực này trong một số mùa giải cũng đã bị ban tổ chức giải xử lý khá mạnh tay bằng việc trừ điểm, xử lý xuống hạng… nhưng nói chung các biện pháp đó cũng không đủ sức răn đe và tiêu cực vẫn không hề giảm bớt.

 

Cho đến thời điểm này, bóng đá Việt Nam đã có 14 năm thực hiện theo hướng chuyên nghiệp hoá. Công bằng mà nói thì bóng đá Việt Nam cũng thu được những kết quả nhất định từ quá trình thực hiện cơ chế này như: quá trình hội nhập bóng đá tốt hơn, quảng bá thương hiệu bóng đá Việt Nam ra nước ngoài nhiều hơn. Các hoạt động bóng đá cũng dã được xã hội hoá khá nhanh, nhất là sự vào cuộc của các doanh nghiệp. Đời sống bóng đá đã có sự thay đổi mạnh mẽ nhờ nguồn tài chính tăng lên nhiều lần. Cầu thủ đã có thể trở lên giàu có từ bóng đá một cách nhanh chóng. Tuy nhiên những kết quả thu được từ vận hành bóng đá chuyên nghiệp của Việt Nam không được như kỳ vọng. Nền kinh tế khó khăn, các ông chủ khi đã không mặn mà với bóng đá đã buông tay và nhiều đội bóng rơi tự do, giải thể, phá sản… Một vấn đề nhức nhối nữa khi bóng đá bước sang chuyên nghiệp, với sự tác động của tiền bạc, đã trở thành mảnh đất màu mỡ để các trùm cờ bạc lợi dụng, lôi kéo các cầu thủ bán độ, cá độ để thu lời bất chính. Có thể kể ra những vụ việc điển hình đã bị phát hiện như: SEA Games 2005 tại Philippin, một số cầu thủ U- 23 Việt Nam đã tham gia bán độ, sau đó đã bị xử lý kỷ luật, trong đó có cầu thủ phải vào tù, có cầu thủ sau đó đã phải từ bỏ sự nghiệp. Tiếp đó nhưng tiêu cực, hối lộ trọng tài trong các trận đấu tại giải vô địch quốc gia cũng đã làm cho một số trọng tài, quan chức bóng đá phải vào vòng lao lý… Đến mùa bóng năm nay, vụ việc còn trầm trọng hơn khi các cầu thủ đội Ninh Bình bán độ trong trận đấu tại AFC Cúp tới hơn 800 triệu đồng, đội bóng bỏ thi đấu tại V. League 2014 và các cầu thủ đang trong thời gian chờ pháp luật xử lý. Sau Ninh Bình, trong trận đấu giữa đội Đồng Nai và Than Quảng Ninh, 6 cầu thủ Đồng Nai cũng đã bị cơ quan công an triệu tập với nghi ngờ bán độ trận đấu này. Hiện nay các cầu thủ đã khai nhận hành vi phạp pháp của mình.

 

Ngược lại những giải thi đấu của bóng đá Việt Nam về trước cho thấy có rất nhiều trận đấu có vấn đề bị dư luận bàn tán, thậm chí còn có cả cầu thủ ngang nhiên quay lưng đá bóng ghi bàn vào lưới nhà trước con mắt của hàng nghìn khán giả thì những vụ việc bị phát hiện nêu trên có lẽ chỉ là phần nổi của tảng băng chìm tiêu cực của bóng đá Việt Nam mà thôi. Như vậy dư luận đang rất bức xúc trước việc xuống cấp của nền bóng đá Việt Nam như đã nêu. Câu hỏi đặt ra là: Phải chăng các chế tài xử lý tiêu cực trong bóng đá Việt Nam chưa đủ mạnh để răn đe vi phạm ? Theo đông đảo dư luận người hâm mộ thì đây chính là khâu mà những cơ quan quản lý bóng đá nước nhà cần tìm hiểu và có biện pháp ngăn chặn kịp thời. Chúng ta cũng cần phải nghiên cứu, học tập cách làm của người Malaysia khi xử lý tiêu cực trong bóng đá bằng cách mạnh dạn loại bỏ vĩnh viễn khỏi môi trường bóng đá đối với những cầu thủ, trọng tài, quan chức tham gia bán độ, biến bóng đá thành sới bạc. Với những biện pháp mạnh tay đó, chỉ trong khoảng thời gian chưa đến 10 năm, bóng đá Malaysia đã từ chỗ lụn bại do tiêu cực tràn lan đã vươn lên trở thành quốc gia hàng đầu về bóng đá khu vực  Đông Nam Á.