ASIAD 17 chưa kết thúc, nhưng những gì thể thao Việt Nam thể hiện đã để lại những ấn tượng sâu sắc.
Ấn tượng từ những bộ môn Olympic.
Nói về những tấm huy chương ấn tượng nhất của thể thao Việt Nam (TTVN) tại ASIAD 17, nhiều người sẽ nhắc đến những tấm huy chương của Nguyễn Thị Ánh Viên, Thạch Kim Tuấn, Phan Thị Hà Thanh, cũng như những tấm huy chương của điền kinh. Cho dù không phải là những tấm huy chương vàng, nhưng đó là lời khẳng định bước tiến vượt bậc của TTVN.
Châu Á là khu vực mà thể dục dụng cụ (TDDC) phát triển mạnh nhất thế giới, ASIAD lại là đấu trường mà các cường quốc TDDC như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, CHDCND Triều Tiên luôn có những VĐV tốt nhất của mình tham dự. Chính vì thế, thành tích của Hà Thanh, cho dù bất kể huy chương của cô màu gì, cũng cực kỳ đáng giá. Chỉ là những tấm huy chương đồng, nhưng Hà Thanh đã đi vào lịch sử TDDC Việt Nam.
Đối với Thạch Kim Tuấn, lực sỹ này đã có một màn trình diễn vô cùng ấn tượng, khi phá kỷ lục ASIAD ở nội dung cử giật. Kim Tuấn chỉ chấp nhận huy chương bạc trước một đối thủ quá xuất sắc của CHDCND Triều Tiên.
Nhưng có lẽ, điều mà thể thao Việt Nam mong chờ nhất vẫn là tấm huy chương bơi lội tại đấu trường châu lục của Ánh Viên. Cô giành đến 2 HCĐ tại Á vận hội lần này. Đấy cũng là toàn bộ số huy chương mà bơi Việt Nam có được trong lịch sử các lần tham dự ASIAD, với những thông số mà vài chục năm nay bơi Việt Nam chưa bao giờ có thể vươn đến được.
Những chiến công mà Ánh Viên, Kim Tuấn hay Hà Thanh có được là nhờ thắng lợi rõ rệt về mặt trình độ, chứ không phải bằng những “phép chia huy chương” nơi hậu cảnh mà chúng ta vẫn hay nghe ở một số môn chấm điểm dựa vào cảm tính.
Thành công của môn thể thao vua
Thành tích mà hai đội bóng của chúng ta có được ở ASIAD lần này thật đáng khen ngợi. Với các cô gái Việt Nam, lần đầu tiên lọt vào tới tận bán kết ở một giải đấu khu vực và chỉ chịu dừng bước trước nhà đương kim vô địch thế giới Nhật Bản là điều những người lạc quan nhất cũng không dám nghĩ đến trước giải. Đội tuyển Olympic Việt Nam lọt vào vòng 1/8 với tư cách là đội đầu bảng cũng là thành công ngoài mong đợi. Hai đội bóng đã tạo nên những cột mốc lịch sử cho bóng đá Việt Nam và hiệu ứng mà họ tạo ra với người hâm mộ là rất lớn.
Đội tuyển bóng đá nam đến với ASIAD trong sự lặng lẽ, nhưng họ kết thúc hành trình theo cách không thể ấn tượng hơn. Thắng Olympic Iran là cú sốc mà cả làng túc cầu châu Á không ai dám tin trước giờ bóng lăn, ép sân Olympic UAE trong phần lớn thời gian của trận đấu thuộc vòng 1/8 cũng là điều ít người ngờ. Điều còn quan trọng hơn thành tích nằm ở chỗ đội bóng của HLV Miura đã xóa đi mặc cảm của chính mình, xóa đi quan điểm nơi một số người là bóng đá Việt Nam hiện giờ chỉ còn đội U19 là đáng xem.
Còn đó những điều đáng tiếc
ASIAD lần này, nước chủ nhà Hàn Quốc đã đưa toàn bộ 28 nội dung thi đấu của Olympic vào chương trình thi đấu. Điều đó có thể thấy sân chơi châu lục đang ngày càng đến gần chuẩn mực của thể thao đỉnh cao thế giới. Nhưng, trong khi các nước trong khu vực đã có những HCV ở những môn Olympic, Ðoàn TTVN dường như vẫn "giậm chân tại chỗ".
Nếu ở kỳ ASIAD 2010, HCV chỉ đến với đoàn TTVN những ngày cuối nhờ môn karatedo, thì tại kỳ Á vận hội năm nay, ngay ngày thi đấu thứ hai, Dương Thúy Vi (wushu) đã mở được "đột phá khẩu".
Nhà đương kim vô địch thế giới bắn súng Hoàng Xuân Vinh đã không còn là chính mình ở hai nội dung sở trường (50 m và 10 m súng ngắn nam). Ở môn bơi lội, thành tích của Hoàng Quý Phước nội dung 200m tự do sở trường còn kém cả chính mình tại SEA Games 2013. Hay niềm hy vọng ở “nữ hoàng tốc độ” Vũ Thị Hương đã không thể tạo nên bất ngờ.
Vẫn còn đó những điều đáng tiếc, nhưng nhìn vào số lượng huy chương đạt được tại ASIAD, chúng ta thấy nhiều bộ môn đã đạt trình độ châu lục và thế giới, qua đó chúng ta có quyền tin tưởng vào một tương lai sáng hơn cho nền thể thao nước nhà.