Nhìn lại để vươn lên

11:03, 25/12/2014

Đại hội Thể dục thể thao (TDTT) toàn quốc lần thứ VII năm 2014 đã kết thúc từ trung tuần tháng 12. Những vận động viên (VĐV) đoạt giải tự hào bước lên đài chiến thắng nhận về tấm huy chương trong tiếng tung hô mến phục của người hâm mộ; có người trở về, bận rộn lo toan với cuộc sống thường nhật, lòng hứa hẹn một quyết tâm đợi tới mùa giải ở Đại hội lần sau.

Tại Đại hội Thể thao toàn quốc lần thứ VII, có gần 7.500 VĐV của 63 tỉnh, thành và 2 ngành Quân đội, Công an tham gia tranh tài ở 36 môn thể thao, với 747 bộ huy chương. Tham gia Đại hội, Tuyển Thái Nguyên có 62 VĐV tham gia tranh tài ở 8 môn, gồm: Vật, Wushu, Karatedo, Boxing, Đua thuyền, Cầu lông, Điền kinh, Cử tạ. Kết quả thi đấu, Tuyển Thái Nguyên đã giành được 29 huy chương (HC), trong đó có 3 HCV là Hà Văn Dĩnh, Vật tự do nam hạng 90kg; Đỗ Thị Nam, Wushu và Dương Thị Huyền, Dương Thị Ngân, Đua thuyền đôi. Ngoài 3 HCV, Tuyển Thái Nguyên còn giành được 12 HCB, 14 HCĐ. Kết quả đứng thứ 3 toàn đoàn các tỉnh miền núi toàn quốc, sau Bắc Giang và Đắc Lắc.

 

Tuy đạt chỉ tiêu số HC đề ra, nhưng các VĐV Tuyển Thái Nguyên chưa thỏa mãn với chính mình, vì số HCV giành được quá khiêm tốn (3HCV). Nhất là khi các VĐV của Tuyển Thái Nguyên đã lọt vào chung kết 15 trận, nhưng lần lượt bị “rớt đài” tới 12 lần để chấp nhận đứng dưới bạn 1 bậc và nhận về HCB. Trước sự giám sát của Ban trọng tài và hàng vạn đôi mắt của người hâm mộ dõi theo trận đấu, nhiều VĐV của Tuyển Thái Nguyên rớt nước mắt, tiếc nuối công sức tháng ngày tập luyện song chưa đạt được mục tiêu của cá nhân mình đặt ra.

 

Từ trước ngày lên đường dự Đại hội, các VĐV Thái Nguyên, dù không nói ra, nhưng trong lòng đều nuôi dưỡng “hy vọng Vàng”. Điều đó thể hiện qua sự quyết tâm tập luyện của mỗi cá nhân VĐV trong điều kiện hết sức kham khổ do sân bãi tập chưa đủ các điều kiện tập luyện cần thiết. Trong điều kiện như vậy, nhưng tất cả các VĐV được lựa chọn tham gia Tuyển Thái Nguyên đều có ý thức tập luyện hết sức kiên cường. Cùng với các VĐV là đội ngũ huấn luyện viên (HLV) đã bền bỉ, dốc tâm huyết của mình để truyền thụ lại cho học trò của mình những thủ pháp kỹ thuật cũng như kinh nghiệm thi đấu.

 

Qua trao đổi với các HLV, VĐV, chúng tôi được biết: Tham gia Đại hội lần này, từ đơn vị quản lý là Trung tâm Thể dục Thể thao (Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch) đến các VĐV đều đã rất nghiêm túc tập luyện về các kỹ, chiến thuật thi đấu. Từ tháng 8-2013, những VĐV xuất sắc nhất ở các môn đã được tập trung về tập luyện, chế độ dinh dưỡng cho từng VĐV được quan tâm, từ mức ăn 60.000 đồng/người/ngày lên 130.000 đồng/người/ngày.

 

Dòng dã suốt nhiều tháng, mồ hôi của HLV và VĐV đã đổ với một quyết tâm giành được nhiều HC và thứ hạng cao. Tự hào lắm chứ, khi cùng nhìn lại năm 2013, tuyển Thái Nguyên tham gia thi đấu ở các giải thể thao thành tích cao tại 26 giải thể thao toàn quốc, các VĐV đã đem về 95 HC các loại, trong đó có 25 HCV, 27 HCB và 43 HCĐ; giải Thế giới, Châu Á, Đông - Á đem về 6 huy chương các loại, trong đó có 1 HCV, 2 HCB và 3 HCĐ; tham gia thi đấu các giải mở rộng đạt 16 HC các loại, trong đó có 5 HCV, 6 HCB và 5 HCĐ. Trong năm, Trung tâm đã có 22 lượt VĐV đạt cấp kiện tướng, 41 VĐV cấp quốc gia, 11 VĐV tham gia cấp đội tuyển Quốc gia.

 

Đương nhiên, ở mỗi giải lại có những khó khăn, nghiệt ngã khác. Nhất là ở giải của Đại hội TDTT toàn quốc qua từng năm, Tuyển Thái Nguyên, kể cả thời trước đây là Tuyển Bắc Thái, từ “tham gia để mà tham gia” đến có HC, rồi từng bước vượt lên các tuyển bạn về HC cũng như về thứ hạng. Cụ thể: Đại hội lần thứ I năm 1985 và Đại hội lần thứ II năm 1990, Thái Nguyên (khi đó là tỉnh Bắc Thái) có VĐV tham gia thi đấu nhưng tay trắng trở về. Đại hội III năm 1995, tham dự Giải, Bắc Thái đã giành được 1 HCĐ duy nhất, đứng thứ 47/56 đoàn tham gia. Nhưng dù là HCĐ, người Bắc Thái, trong đó có người Thái Nguyên bấy giờ cũng bắt đầu hy vọng về sự khởi sắc, bứt phá về thể thao thành tích cao. Đến Đại hội IV năm 2000, niềm hy vọng của thể thao thành tích cao Thái Nguyên đã trở thành hiện thực. Trên các sàn đấu, VĐV Thái Nguyên đã chinh phục Ban tổ chức, khán giả bằng từng pha đấu đẹp mắt, kết quả mang về tổng số 16 HC, trong đó 2 Vàng, 2 Bạc và 12 Đồng, đứng thứ 32/60 đoàn tham dự.

 

Công bằng nhận xét thì đó là thời điểm thể thao thành tích cao của tỉnh gặp nhiều khó khăn nhất về cơ sở vất chất, cũng như chế độ cho HLV và VĐV khi tham gia tập luyện. Nhưng bằng sự nỗ lực của thầy, trò trong làng thể thao Thái Nguyên, đặc biệt là sự quan tâm ủng hộ của các cấp, ngành, VĐV Thái Nguyên đã bước vào trận đầy khí thế của những người con được sinh ra trên T.P Thép. Rực rỡ nhất phải kể đến Đại hội lần thứ V năm 2005. Tuy thời gian chuẩn bị cũng như các chế độ bồi dưỡng cho vận động viên rất khiêm tốn, chỉ vẻn vẹn chừng 2 tháng tập luyện trong điều kiện sân bãi, phòng tập chưa bảo đảm và thiếu thốn. Nhưng một bất ngờ sau Đại hội này, Thái Nguyên được xếp thứ 7/67 đoàn tham gia. Với tổng số 65 HC, trong đó có 16 Vàng, 16 Bạc và 33 Đồng.

 

Các thế hệ HLV, VĐV của Thái Nguyên đã khẳng định được chính mình bằng tinh thần thượng võ của người đất thép. Mỗi “cuộc chơi” dù thắng, dù bại đều có điểm hay riêng. Song cũng mong thày - trò Tuyển Thái Nguyên nhìn nhận lại chính mình, để từ đó có sự đầu tư về nhân lực, vật lực và tìm hướng đột phá cho từng môn thi đấu, xứng đáng là những người con mang dòng máu thượng võ nơi thủ phủ gió ngàn Việt Bắc.